Trong khoảng dăm năm trở lại đây, Ninh Bình là địa phương mà các tác giả trẻ sáng tác khá năng động. Sự năng động trước hết thể hiện ở phương diện đội ngũ trẻ, giới mỹ thuật Ninh Bình đã tập hợp được đông đảo các tác giả trẻ như Kù Kao Khải, Nguyễn Trọng Văn, Đinh Văn Phương, Phan Nguyễn, Lương Trịnh, Trần Văn Thược, Lê Giao, Tuấn Ngọc, Bùi Thanh Liêm, Hoàng Chinh..Những tác giả trẻ này với sự đa dạng về đề tài sáng tác, phong cách nghệ thuật, quan điểm thẩm mỹ, chất liệu thể hiện...đã làm nên bức tranh đa sắc màu, đa dạng, đa diện của Mỹ thuật Ninh Bình.
Với đội ngũ trẻ trung năng động, khả năng giao lưu, học hỏi, tiếp thu những thành tựu tri thức mới trong mỹ thuật tốt đã giúp các tác giả này tạo ra một môi trường sáng tạo mỹ thuật sáng tạo mạnh mẽ, dồi dào sinh lực nghệ thuật. Qua thời gian, những thành tựu mà các tác giả gặt hái được có rất nhiều song thể hiện rõ nhất ở lĩnh vực điêu khắc với những tên tuổi nổi bật như Kù Kao Khải, Trần Văn Thược, Lương Trịnh với nhiều giải thưởng có giá trị.
Đi tiên phong trong hoạt động sáng tạo phải kể đến tác giả Kù Kao Khải. Với tư duy nghệ thuật mới lạ, nhãn quan chính trị bén nhạy và trên hết là một khát vọng sáng tạo mãnh liệt đã đưa Kù Kao Khải từ vị trí một thầy giáo mỹ thuật ở trường làng vô danh lột xác, vươn lên trở thành một tên tuổi được chú ý ở tầm quốc gia với hàng loạt giải thưởng như Giải A triển lãm khu vực đồng bằng sông Hồng (2013); Giải A các khu vực toàn quốc (2013); Giải nhì (không có giải nhất) điêu khắc 10 năm toàn quốc (2013); Giải A triển lãm khu vực đồng bằng sông Hồng năm (2014); Giải A toàn quốc các khu vực (2014); Huy chương đồng Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 5 năm (2015); Giải nhất của Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2017...
Trước Kù Kao Khải, mỹ thuật Ninh Bình từng có các tác giả ở lĩnh vực hội họa như: Phan Dư, Vũ Bình, Đinh Đức Hưng từng giành một số giải thưởng tuy nhiên đạt được giải A toàn quốc như Kù Kao Khải thì chưa có tiền lệ. Và cũng chưa có tác giả nào đạt các giải cao liên tiếp trong nhiều năm như Kù Kao Khải.
Thậm chí nhiều người trong giới mỹ thuật gọi đó là "hiện tượng Kù Kao Khải". Không phải ngẫu nhiên mà ngay sau công bố giải khi giới sưu tầm mỹ thuật đã bỏ hàng ngàn đô la đặt mua tác phẩm của Khải. Trong bối cảnh thị trường mỹ thuật có phần trầm lắng như hiện nay, những người bán được tác phẩm như Khải không phải nhiều, nếu không muốn nói là đếm trên đầu ngón tay.
Ngoài ra có một điều khiến nhiều người rất nể trong khi tiếp xúc với Khải đó là sự "say nghề". Với Khải, bất cứ khi nào, bất cứ ở đâu câu chuyện với anh cũng xoay quanh đề tài mỹ thuật. Có cảm giác trong Khải khao khát sáng tạo lúc nào cũng luôn thường trực, Khải luôn biết vượt qua chính mình, khao khát vươn tới những đỉnh cao của sáng tạo. Với Khải năng lượng dự phóng luôn thôi thúc anh vượt thoát, bứt phá, khai mở tối đa ý tưởng nghệ thuật giúp anh thăng hoa với nhiều tác phẩm: Chuyện quê, Ký ức quảng Trị, Chuông...
Càng ngày các thử nghiệm nghệ thuật của Khải càng mới, biên độ sáng tạo nghệ thuật càng rộng và quan trọng hơn năng lượng sáng tạo của Khải ngày càng được khai phóng, ngày một nhiều, một mạnh mẽ. Với mỹ thuật Ninh Bình Khải chính là một trường hợp đặc biệt.
Cũng có chung khát vọng như Kù Kao Khải nhưng hướng đi của Trần Văn Thược lại với một hướng khác. Ngay từ lúc còn là một sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật- Công nghiệp, Thược đã cố gắng tìm cho mình một lối đi riêng trong nghệ thuật. Tác phẩm điêu khắc của Thược bao giờ cũng có gì đó lạ, độc đáo. Thược cũng là một trong số ít gương mặt họa sỹ dám dấn thân vì nghệ thuật.
Trong khi nhiều bạn bè ra trường cố gắng tìm việc làm ổn định, có phần nhàn hạ thì ngược lại Thược cùng với nhóm bạn cùng chí hướng mở xưởng mỹ thuật tại Thủ đô vừa làm dịch vụ kiếm sống vừa nuôi sáng tác. Giải thưởng giải Nhất "Triển lãm các tác phẩm điêu khắc, biểu tượng kiến trúc đặt trước trụ sở, tòa nhà, khu đô thị, công viên, nơi công cộng" năm 2016 trao cho Trần Văn Thược chính là sự ghi nhận của giới chuyên môn với bản lĩnh sáng tạo của Thược. Với một ý chí mãnh liệt, những động năng sáng tạo không ngừng nghỉ, những họa sỹ như Trần Văn Thược chắc chắn sẽ còn đi được xa hơn nữa trên con đường nghệ thuật.
Lương Trịnh lại là một ví dụ khác về hiệu năng sáng tạo của các tác giả trẻ Ninh Bình. Sinh ra trong một gia đình mấy đời làm nghề điêu khắc đá, nếu như Lương Trịnh bằng lòng với những gì mình được thừa hưởng hẳn cuộc sống của Trịnh cũng không đến nỗi nào, tuy nhiên tuổi trẻ, khao khát cống hiến đã thôi thúc anh phải làm được gì lớn hơn.
Tác phẩm điêu khắc trên đá "Phố cây" của tác giả Lương Trịnh.
Lương Trịnh học mỹ thuật, liên tục sáng tác bằng chính chất liệu đá Ninh Vân quê anh. Lần lượt các tác phẩm: "Chiến thành" rồi "Phố cây" ra đời, trong đó tác phẩm"Phố cây" đã giành giải C tại Triển lãm mỹ thuật khu vực II đồng bằng Sông Hồng lần thứ 22 (mở rộng) năm 2017". Với Trịnh, anh không chỉ muốn tác phẩm làng nghề mình làm ra bán được mà con muốn thổi hồn từng phiến đá, biến thứ cẩm thạch vô tri vô giác kia trở nên có hồn cốt, ẩn chứa một thứ mật ngữ riêng, mang thông điệp của khát vọng sáng tạo.
Câu chuyện về Kù Kao Khải, Trần Văn Thược, Lương Trịnh chỉ là một phần trong bức tranh chung về mỹ thuật trẻ Ninh Bình. Còn rất nhiều tác giả trẻ, dù đã gặt hái được thành công hoặc chưa thành công nhưng chính với khao khát sáng tác của mình họ đã đem đến cho mỹ thuật Ninh Bình một luồng sinh lực mới, một thứ khí quyển sáng tạo không ở đâu có được.
Thiết nghĩ đối với hoạt động sáng tạo VHNT nói chung, bộ môn mỹ thuật nói riêng việc tạo điều kiện về mặt kinh phí đã quan trọng song cái cần thiết nhất chính là việc những người trong cuộc biết nhân lên khát vọng, trân quý sự sáng tạo và đó chính là tiền đề để những tác phẩm có giá trị được ra đời ngày một nhiều hơn.
Mai Phương