Tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường (ảnh), sinh năm 1937 tại Huế, nhưng quê gốc Quảng Trị. Ông học Trung học ở Huế, Đại học Sư phạm Sài Gòn(1960), Đại học Văn khoa Huế (1964), rồi về dạy trường Quốc Học Huế(1960-1966). Những năm chống Mỹ ông lên chiến khu tham gia kháng chiến (1966-1975), hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Sau 1975 là Tổng thư ký Hội VHNT tỉnh Bình Trị Thiên, rồi Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Bình Trị Thiên, Tổng biên tập Tạp chí văn nghệ Cửa Việt. Ông có quãng thời gian dài gắn bó với Huế, hiện định cư tại thành phố Hồ Chí Minh, ông được trao giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (2007)...
Trong đời văn của mình, tài năng của Hoàng Phủ Ngọc Tường thể hiện rất đa dạng, song thành công nhất ở bút ký và thơ. Tác phẩm ký "Ai đã đặt tên cho dòng sông" của ông được giảng dạy trong nhà trường nên bạn đọc thường chỉ biết Hoàng Phủ Ngọc Tường với tư cách là một người viết bút ký mà không nhiều người biết rằng ông cũng là một nhà thơ, thậm chí là một thi sỹ có tài. Tài thơ của Hoàng Phủ Ngọc Tường bậc nhất trong tập "Người hái phù dung"(1992).
Không phải ngẫu nhiên Hoàng Phủ Ngọc Tường lại chọn tên một loài hoa để đặt tên tập thơ của mình. Phù dung là loài "âm hoa" nó mang biểu tượng của của vẻ đẹp liêu trai, kiều mỵ, chóng tàn phai. Hoa phù dung vốn sớm nở tối tàn, vòng đời của hoa ngắn ngủi, tựa như cái mong manh của kiếp phù sinh. Cõi thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường bị ám ảnh bởi loài hoa mang sắc diện mỹ nhân này. Không ít hơn một lần, trong tập thơ của mình, Hoàng Phủ Ngọc Tường nhắc tới hoa phù dung: "Thôi em cảm tạ chờ mong/ Ngày anh đi hái phù dung chưa về" (Đêm qua) hay: "Anh hái cành phù dung trắng/ Cho em niềm vui cầm tay/ Màu hoa như màu ánh nắng/ Buổi chiều chợt tím không hay/ Cầm hoa bâng khuâng anh nói/ Mới thôi mà đã một ngày" (Dù năm dù tháng). ở đây cảm thức hiện sinh khá rõ ràng, có sự đồng hiện của hai dòng ý thức, một là dòng ý thức về sự chuyển dịch của thời gian vật lý, tuyến tính với các dấu hiệu sáng- chiều, ngày- tháng, mặt kia là dòng thời gian tâm tưởng, phi tuyến tính với đầy những dự cảm âu lo, mơ hồ về sự tồn tại ngắn ngủi của kiếp người, hạnh phúc.
Cũng có thể nói ý thức về mặt thời gian cũng chính là một thông điệp về sự trân quý mỗi phút giây tồn tại hiện hữu của cá thể trước sức tàn phá của thời gian. Sự biến hiện của sắc phù dung cũng tựa vòng quay hối hả của vòng đời, cũng như cái chợt đến chợt đi của hạnh phúc, khổ đau. Có đôi khi trong hạnh phúc, viên mãn đã mang mầm đổ vỡ, ly biệt. Hiểu được lẽ phù du của kiếp người, lẽ đời, thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường tìm đến nỗi buồn như một nơi trú ngụ của linh hồn: "Buồn từ dạo ấy chưa nguôi/ Ngoài kia sương khói đã trời sang thu/ Ta còn một chút phù du/ Hóa thành một kiếp đền bù cho em" (Xin người chút không). Nhưng nỗi buồn trong thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường không phải cái buồn vu vơ, không cơn cớ theo kiểu: "Hôm nay trời nhẹ lên cao/ Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn" (Xuân Diệu) mà cái buồn mang ý thức rõ ràng, cái buồn tự trong nguyên ủy. Và dường như nỗi buồn nào cũng thấp thoáng hình bóng một cuộc tình, một nỗi đau vì lẽ chia xa ly biệt: "Mai kia rồi cũng xa người/ Tôi về ngủ dưới khung trời cỏ hoa/ Có nàng xõa tóc tiên nga/ Quỳ hôn cát bụi khóc òa như mưa" (Về chơi với cỏ). Hình như trong nỗi buồn và cũng vì lưu luyến nợ ân tình với những giai nhân mà suốt đời mình thi sỹ họ Hoàng cảm thấy mình mắc nợ: "Nợ người một khối u sầu/ Tìm người tôi trả ngày sau luân hồi" (Về chơi với cỏ). Với Hoàng Phủ Ngọc Tường không chỉ người mang tới hạnh phúc ngọt cho ông mới là một món nợ mà ngay cả nỗi đau (một khối u sầu) cũng là một món nợ. Người thi sỹ đôi khi được yêu, được nhấm nháp, thấm thía nỗi buồn cũng là một cách cảm nhận sự tồn tại hiện hữu của mình, là cách định danh mình với thế giới. Và có lẽ trong thơ Việt chỉ có Hoàng thi sỹ mới hẹn kiếp sau xin trả nợ người tình như thế.
Thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường không chỉ có nỗi buồn mà có cả nỗi khát yêu, khát sống. Trong ký ức của mình, Hoàng Phủ Ngọc Tường từng có một thời tuổi trẻ sôi nổi, đầy những hoài bão lý tưởng. ông đã sống một đời mê mải, đắm say, nồng nhiệt, đến khi luống tuổi ông vẫn nhớ về thuở tráng niên với rất nhiều hào sảng: "Năm xưa thời tuổi trẻ ngang tàng/ Ta hát vang bài tình ca trong gió" (Ta lại hát như thời trai trẻ), hay: "Tháng năm tôi đi tới chân trời/ Thở bát ngát giữa đời lộng gió/Khi chân mỏi bên đường nắng nỏ/ Dưới cây kia tôi ngồi hát nghêu ngao" (Tôi biết nơi kia có một chỗ ngồi). Đọc thơ của thi sỹ xứ Huế với nỗi buồn đằm sâu da diết rất ít người có thể hình dung được người mang nỗi buồn chảy như "nước mắt từ ngày sơ sinh ấy" lại có một thời tuổi trẻ hào sảng đến vậy. Chỉ có thể lý giải được điều ấy bằng một lý do rằng trong đời mình thi sỹ họ Hoàng đã sống một đời tận hiến. Yêu quê hương, yêu lý tưởng của mình ông đã rời bỏ đô thành hoa lệ đi kháng chiến. Hòa bình lập lại, giã biệt đời chiến chinh, Hoàng Phủ Ngọc Tường lại dành trọn vẹn những năm tháng của đời mình cho những đam mê cũ. Trước sau với thi sỹ họ Hoàng người đọc vẫn thấy ở ông sự hăm hở nhiệt thành của một chàng sinh viên văn khoa thuở nào.
Trong cuộc hành trình cô đơn vào cõi sáng tạo, Hoàng Phủ Ngọc Tường may mắn có một người bạn đồng hành- nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, người bạn đời chung thủy của ông. Cho nên nếu so sánh tình yêu của gã trai lúc "hát vang bài tình ca trong gió" với tình yêu của người thơ khi đã đi qua tuổi thất thập vẫn vẹn nguyên vẻ đắm say: "Những hành tinh ngẫm rồi thấy lạ/ Bồng bềnh mà vãn theo nhau/ Anh với em, ừ thì cũng lạ/ Bồng bềnh cho tới mai sau". Câu thơ thi sỹ viết lúc đời đã vào thu vẫn thiết tha niềm vui sống, tin vào sự bất tử của sáng tạo: "Dù năm dù tháng em ơi/ Tim anh chỉ đập một đời/ Nhưng trái tim mang vĩnh cửu/ Trong từng giọt máu đỏ tươi". Với thi sỹ con tim có thể ngừng đập, con người thịt da sinh vật có thể chết nhưng tâm hồn, tư tưởng, khát vọng nơi bản thể thì còn sống mãi. Nhớ về Hoàng Phủ Ngọc Tường khi viết những dòng này tôi vẫn nhớ những dòng thơ đầy kiêu bạc của ông: "Nửa chừng ngoảnh lại thiên thu/ Người phù du ta cũng phù du với người".
Mai Phương