Chiều thu Tháng 10, chúng tôi đến thăm gia đình ông Khơi tại một ngõ nhỏ trên đường Trần Hưng Đạo. Căn nhà tuy không lớn nhưng để lại ấn tượng với vẻ đẹp "rất Nga", ở đó đồ đạc được bày trí gọn gàng, ngăn nắp. Những con búp bê Nga, bức tranh "Mùa thu vàng" hay những cuốn sách kinh điển như "Thép đã tôi thế đấy", "Sông Đông êm đềm"… được đặt ở những nơi trang trọng nhất giúp chúng tôi hiểu rằng chủ nhân của ngôi nhà là một người đã từng gắn bó và rất yêu xứ sở Bạch Dương. Tiếp chúng tôi bằng tách trà nóng và đĩa bánh quy thơm lừng, ông Khơi chậm rãi: Đó là cách mà người Nga tiếp đón những người bạn thân thiết tại ngôi nhà của mình. Chính điều giản dị mà ấm áp đó đã giúp tôi vượt qua được những ngày đông giá rét đầu tiên khi xa Tổ quốc, xa gia đình. Và cũng bởi vậy, mặc dù đã trở về Việt Nam được gần chục năm nhưng tôi vẫn chưa quên được nếp sống này... Hy vọng các bạn cũng thích điều đó.
Tất nhiên chúng tôi cũng đã cảm thấy có thêm rất nhiều thiện cảm và háo hức được tìm hiểu về nước Nga xa xôi nhờ sự nồng ấm chân tình của ông. Khi được hỏi về lý do đặt chân đến nước Nga trong thời điểm mà ông đã có được công việc ổn định ở ngành công an cũng như một gia đình nhỏ hạnh phúc, ông Khôi xúc động: cách đây hơn 30 năm, tôi cũng ở chạc tuổi như các bạn bây giờ với rất nhiều hoài bão, khát khao. ở thế hệ của chúng tôi lúc đó nước Nga được ví như "thiên đường của CNXH" và là niềm mơ ước của bất cứ ai. Bản thân tôi lại có vốn tiếng Nga khá ổn do đã được đào tạo bài bản nên tôi có điều kiện để hiện thực hóa ước mơ của mình. Ngày đó tôi được cử làm trưởng đoàn sang Nga công tác. Đoàn của chúng tôi có 50 người, đa số là những lao động có tuổi đời còn khá trẻ vì vậy trách nhiệm của những cán bộ như tôi là rất nặng nề để giúp anh em làm quen, thích nghi với một môi trường hoàn toàn mới trong khi đối với bản thân mình mọi thứ cũng rất lạ lẫm, đồng thời chúng tôi cũng luôn phải ý thức về việc giữ gìn hình ảnh đẹp của người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Giở lại bức ảnh cũ, ông Khơi kể tiếp: Cũng độ vào thu như thế này, lần đầu tiên chúng tôi đặt chân đến thành phố Novokuznhetxr (thành phố Thợ rèn). Không gian nhuộm vàng bởi lá cây, bởi những đỉnh chóp nhà thờ và những cung điện nguy nga. Thành phố nhộn nhịp đông vui, nhà cao tầng san sát, con người gặp ai cũng cởi mở hồ hởi, lịch sự… Gọi tên cảm giác lúc ấy trong chúng tôi chính là sự choáng ngợp. Khung cảnh đẹp, độc đáo gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử cùng những kiệt tác của các công trình kiến trúc hiện đại liên tục hiện ra trước mắt như một thước phim sống động cho tôi cảm giác tìm về được những ký ức tuyệt vời của thời kỳ oai hùng trước đây và khám phá được một nước Nga mới mẻ hiện đại. Sau này, khi có dịp tìm hiểu nhiều hơn tôi nhận ra ở Nga mùa nào cũng đẹp. Mùa đông tuyết đọng trắng xóa trên những cành cây khô trụi lá, trên những mái nhà lạnh giá… nhưng tình người thì luôn ấm áp. Tôi sẽ không bao giờ quên được mùa đông đầu tiên ở xứ sở Bạch Dương với 1 người bạn Nga chân thành, tốt bụng. Người bạn ấy đã sẵn sàng dốc tới đồng xu cuối cùng trong ví chỉ vì nghĩ rằng tôi không có tiền để ăn trưa… Với hơn 20 năm ở đất nước này, được tận mắt chứng kiến rất nhiều hành động đẹp như vậy, tôi hiểu rằng khi phải lựa chọn giữa lý trí và tình cảm, người Nga luôn chọn cái sau, đó là: chân thành và tử tế.
Tình cảm của các bạn Nga là nguồn động viên lớn lao giúp chúng tôi hoàn thành tốt công việc của mình. Chúng tôi có khoảng 7 năm làm việc tại một nhà máy lớn chuyên sản xuất các chi tiết liên quan đến ngành xây dựng. Vì là phiên dịch viên nên tôi lại càng có điều kiện tiếp xúc với các bạn Nga nhiều hơn, nhờ vậy mà học được cách làm việc rất chuyên nghiệp. Khi nhìn nhận hay giải quyết vấn đề gì đó, người Việt Nam thường tiệm cận từ xa đến gần, từ xung quanh đến bản chất, còn người Nga thì đi thẳng vào vấn đề, đề cập ngay không cần so đo, suy tính.... Họ rạch ròi vậy nên trong cuộc sống, nhất là dưới sự tác động của kinh tế thị trường hiện nay, những phạm trù đạo đức của họ luôn đứng vững. Đồng thời biết giữ lời hứa, làm đúng như đã giao ước là cách đánh giá tối thượng của người Nga khi nhìn nhận về đối tác, dù là trong quan hệ hàng xóm, bạn bè hay đồng nghiệp. Sau 7 năm, tôi được chuyển về làm việc tại Tổng công ty ở Thủ đô Matxcơva. Lúc này dù thay đổi môi trường sống nhưng mọi thứ với tôi vẫn rất thân quen vì đây chính là cuộc sống của mình. Cộng đồng người Việt ở đây khá đông nên tôi làm thêm lĩnh vực tư vấn pháp luật, góp phần giải quyết nhiều vụ việc, đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho anh em.
Được biết đến năm 2010, một phần vì tuổi cao, lại có biến cố gia đình, ông Khơi về Việt Nam. Đến nay ông vẫn đau đáu mong được trở lại với quê hương thứ 2 của mình không phải bởi khát khao muốn khám phá, muốn tìm hiểu như mấy chục năm trước mà bởi một tình yêu sâu đậm với nước Nga…
Đào Duy