Có thể nói ngay rằng, công tác phê bình đối với văn nghệ địa phương trong thời gian vừa qua và hiện vẫn đang tồn tại có thể tóm gọn ở mấy chữ: Vừa yếu, vừa thiếu. Chúng ta thiếu hẳn một đội ngũ những người có khả năng làm công tác phê bình. Lẻ tẻ có một vài người viết trong lĩnh vực này thì cũng chỉ mới dám dừng lại trong khuôn khổ những bài giới thiệu sách, đọc sách... Thực ra, phê bình là một việc khó. Phê bình văn nghệ lại càng khó. Các sản phẩm của văn nghệ không thể định lượng bằng những tiêu chí thông thường. Muốn tiếp nhận nó, chỉ có thể là cảm. Mà cảm thì mỗi người lại theo một tần số khác nhau.Phần cảm trong văn chương là rất quan trọng và một người phê bình giỏi phải là người phát hiện ra cái đẹp, cái hay, cái chưa hay trong tác phẩm của người sáng tác và chỉ ra, giúp người đọc, người xem nhận ra cái hay, cái đẹp và cả cái chưa hay ấy. Và để làm được việc đó, người làm công tác phê bình phải có trí, có tâm và có bản lĩnh vững.
Trí - người làm công tác phê bình phải có trình độ am hiểu, sự tinh thông trong nghề nghiệp; có khả năng phát hiện, đưa ra các lý luận để thuyết phục, chứng minh; có khả năng góp ý, thậm chí định hướng cho sáng tác. Thực tế thì ở khá nhiều các Hội Văn nghệ địa phương, người có các tiêu chuẩn trên không phải không có, nhưng do điều kiện ít có dịp cọ xát, học hỏi, tìm hiểu rộng nên trình độ bị hạn chế.
Gần đây ở một số Hội địa phương có hiện tượng lực lượng "phê bình" mạnh lên: Một số anh em hội viên là giáo viên văn được kết nạp Hội với thành tích chủ yếu là ở các bài "Đọc sách", mà mục đích là giới thiệu tác phẩm của bạn bè trong Hội vừa mới xuất bản. Kể đây cũng là một mặt tích cực, nó làm cho không khí văn nghệ địa phương có phần vui hơn, phong phú hơn trong hoạt động. Nhưng tiếc là các bài giới thiệu như vậy vẫn còn đơn giản, phần đa là một chiều theo hướng động viên nhau "Có hoa mừng hoa, có nụ mừng nụ", ít có sự phê bình theo đúng nghĩa của nó, một phần do tâm lý nể nang, phần khác do hạn chế về mặt kiến thức.
Tâm - đó là tấm lòng của người phê bình đối với người sáng tác. Có người cho rằng, phê bình và sáng tác phải đối nghịch nhau thì mới tạo ra được động lực cho sự phát triển. Nhà thơ Trần Nhuận Minh (Hội Văn nghệ Quảng Ninh) cho rằng, trong người sáng tác giỏi đã có một nhà phê bình giỏi. Người sáng tác giỏi thì trong quá trình sáng tác anh ta đã đồng thời làm một biên tập, một nhà phê bình cho chính tác phẩm của mình. Anh ta nhận ra cái hay, cái đẹp và cái không hay, không đẹp rồi tiến hành làm một lựa chọn trong quá trình sáng tạo tác phẩm. Như vậy, phê bình và sáng tác là bạn song hành của nhau.
Ở văn nghệ địa phương, đa số anh em sáng tác đều trẻ (về nghề). Một số bộ môn như sân khấu, mỹ thuật, nhiếp ảnh, nhạc, sưu tầm... số anh em được đào tạo bài bản từ các trường có nhưng kinh nghiệm chưa nhiều. Riêng bộ môn văn xuôi, thơ thì anh em làm sáng tác hầu hết đều chủ yếu dựa vào năng khiếu riêng cộng với sự tự học hỏi. Có một số ít được học qua Trường Viết văn Nguyễn Du nhưng điều đó cũng không giúp được nhiều cho sáng tác. Nhiều người cho rằng viết văn không phải là một nghề có thể truyền dạy cho nhau được. Để trở thành tác giả, yếu tố "cần" vẫn là năng khiếu, trường lớp chỉ là yếu tố Đủ, giúp cho người sáng tác có được một số vốn kiến thức để rồi từ đó hỗ trợ cho việc sáng tác, xây dựng, kết cấu tác phẩm thông minh hơn, hợp lý hơn...
Vậy rất cần ở đây sự có mặt của phê bình. Trong khi người sáng tác đi theo cái cảm chủ quan thì người phê bình, bằng cái nhìn tỉnh lược, bao quát, bên cạnh sự phát hiện ra phần hay, đẹp, tinh túy, cái bản sắc riêng của từng tác phẩm mà làm một động viên, khích lệ, có thể chỉ ra, đóng góp cho tác giả để chỉnh sửa những điều còn chưa tới. Gần đây xuất hiện một kiểu phê bình, không mới, nhưng theo tôi rất nên duy trì, đó là phê bình theo lối Tự cảm: Tôi thấy cái này hay; tôi không thích chỗ này, chỗ kia, lý do là... và giá như tác giả viết thế này...". Kiểu phê bình như vậy, cái kiểu tự đặt mình vào vị trí của người sáng tác, người đọc, với anh em sáng tác trẻ sẽ dễ tiếp cận hơn. Anh em sẽ đỡ "hoảng", sẽ bình tĩnh hơn bởi thấy bên mình có một người bạn. Làm một người bạn chân tình của người sáng tác, đó là cái tâm của người làm phê bình. Nhân cũng muốn nói thêm một chút về Mạc Ngôn, nhà văn đang nổi danh như cồn của Trung Quốc. Trong một lần phỏng vấn, có lần Mạc Ngôn đã nói rằng ông muốn có những sáng tác hay hơn Lỗ Tấn, vượt qua Lỗ Tấn. Câu nói ấy lập tức bị làm rùm beng lên. Nhiều người cho Mạc Ngôn đã lố bịch, quá tự kiêu, tự đại, đã hoang tưởng. Nhưng nghĩ kỹ lại xem nền văn học của một nước (bất cứ nước nào) sẽ trở thành bi kịch nếu như thế hệ sau luôn không thể vượt qua nổi, hoặc không có người tài giỏi hơn những bậc tiền bối. Con hơn cha thì là nhà có phúc chứ. Thế hệ trẻ hôm nay có được tôn vinh, được đánh giá cao đúng với khả năng của họ thì đấy là phúc của nước nhà. Mong sao phê bình có những phát hiện, tìm ra và có những khích lệ động viên kịp thời cho những tài năng mới. Không định kiến và không làm ngợp họ.
Bản lĩnh - gần đây trên các báo có đăng tải nhiều cuộc tranh luận. Tranh luận trong học thuật, trong các lĩnh vực khoa học, nghiên cứu, sưu tầm, phê bình là rất cần thiết. Nó tạo điều kiện tốt để đi tới, tìm ra chân lý, ra giá trị đích thực. Điều ấy khác với tranh cãi để giành lấy thắng- thua.
Lại có hiện tượng khá phổ biến trong thời gian vừa qua là phê bình theo kiểu khen một tí, chê một tí. Rồi một kiểu nữa là rắn khôn giấu đầu, chờ cho thiên hạ lên tiếng rồi đâu đông ta theo. Tệ hơn lại có kiểu bốc thơm nhau, thậm chí có người bốc đến nỗi chính người được bốc nếu có bản lĩnh cũng phải đỏ mặt xấu hổ. Tất cả những điều đó nói lên bản lĩnh của người phê bình… "Cái giống phê bình là nó khó lắm", cụ Kim Lâm nói vậy. Còn nhà thơ Trần Đăng Khoa thì bảo: "Đôi khi một bài phê bình hoặc một cái giải thưởng có thể cứu sống hoặc giết chết một nhà văn". Và chính vì vậy rất cần ở những nhà phê bình cái Trí, cái Tâm và Bản lĩnh.
Sơn Lâm