PGS.TS Đỗ Văn Khang sinh năm 1934 tại phố Huế - Hà Nội, từ năm 13 tuổi, ông đã xa gia đình lên chiến khu Việt Bắc theo kháng chiến. Những năm tháng ở chiến khu Việt Bắc, ông làm thợ sắp chữ nhà in Tô Hiệu, một nơi chuyên in sách báo văn nghệ phục vụ kháng chiến. Trong thời gian này, ông Đỗ Văn Khang đã có dịp tiếp xúc với nhiều trí thức, văn nghệ sỹ kháng chiến như: Xuân Diệu, Hoài Thanh, Văn Cao, Nguyên Hồng, Phan Kế An... Kháng chiến thành công, ông về làm tại nhà in Tiến Bộ (Hà Nội), học văn hóa tại trường Bổ túc Công Nông và sau đó được chọn sang Liên Xô học về Mỹ học tại Trường Đại học tổng hợp Quốc gia Nga. Năm 1964, với học vị cử nhân triết học, ông về nước giảng dạy tại khoa Văn và khoa Triết học (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) nay là trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ông đã bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ Ngữ văn ở trong nước (1984), rồi lại sang Nga lần hai làm tiếp luận án Tiến sỹ Mỹ học.
Với một trí tuệ mẫn tiệp, luận án lẽ ra phải mất 4 năm nhưng ông đã hoàn thành chỉ trong 2 năm. TS Đỗ Văn Khang còn ghi dấu ấn khi là người Việt Nam đầu tiên đỗ thủ khoa tại trường đại học danh tiếng thế giới Đại học Tổng hợp Lômônôxốp năm1987. ở thời điểm bấy giờ, những người có cùng lúc hai bằng Tiến sỹ như ông là "của hiếm". Ngoài ra, chuyên ngành mà TS Đỗ Văn Khang nghiên cứu là về Mỹ học, một ngành học mà trước ông việc giảng dạy môn này còn rất sơ khai. Đóng góp quan trọng của TS Đỗ Văn Khang được nhìn nhận ở góc độ là nhà khoa học hàng đầu về Mỹ học, Nghệ thuật học và Phê bình văn học và ông là người đầu tiên ứng dụng liên ngành: Văn học- Mỹ học- Nghệ thuật học - Triết học trong xây dựng cơ sở lý luận văn học. Giáo sư Phan Cự Đệ - một chuyên gia đầu ngành về Lý luận văn học Việt Nam đánh giá: "Tiến sỹ khoa học Đỗ Văn Khang là nhà phê bình có bản lĩnh, là người kiên quyết đấu tranh bảo vệ cái đẹp, cái cao cả, là người có thế mạnh của một nhà Mỹ học, Nghệ thuật học đi vào lý luận, phê bình văn học".
Trong quãng đời giảng dạy, nghiên cứu khoa học của mình, PGS.TS Đỗ Văn Khang đã thực hiện nhiều công trình nghiên cứu có giá trị như: Lịch sử Mỹ học (1984), Mỹ học Mác- Lê Nin (1985), Mỹ học đại cương (2002), Lý luận văn học (1990), Lịch sử Mỹ học (trọn bộ, 2010), Bình văn hiện đại (2010), Nghệ thuật học (2011)... Viết về Đỗ Văn Khang, những người cùng thời với ông, nhiều nhà khoa học đầu ngành đã nhớ về ông với một niềm kính ngưỡng đặc biệt. Giáo sư, NGND Hà Minh Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn học đã gọi Đỗ Văn Khang là "người của một thời", còn PGS.TS Nguyễn Hồng Dương, nguyên Viện trưởng Viện Tôn giáo Việt Nam, tặng thầy 18 chữ: "Đông thông thái, luận tới Đạo, triết Nghệ thuật/Tây bác học, bình thấu Mỹ, chở Văn chương". Đến nay, khi đã nghỉ hưu về sống tại Ninh Bình, PGS.TS Đỗ Văn Khang vẫn tiếp tục viết sách, ngoài ra còn viết tự truyện, sáng tác thơ.
Nếu như trong sự nghiệp khoa học PGS.TS Đỗ Văn Khang gặt hái được nhiều thành tựu bao nhiêu thì đời tư của ông lại gặp không ít thăng trầm. Nhà khoa học họ Đỗ ban đầu kết hôn với bà Đỗ Thị Thiệp. Cuộc hôn nhân hạnh phúc nhưng ngắn ngủi vì bà Thiệp tài hoa mà đoản mệnh. Cuộc hôn nhân thứ hai đến bất ngờ bởi một nữ sinh vì mến mộ tài năng của thầy mà tình nguyện làm người "nâng khăn sửa túi". Tuy nhiên, sau một thời gian chung sống, do sự chệnh lệch về tuổi tác quá lớn khiến cuộc hôn nhân này đổ vỡ. Cuộc hôn nhân thứ ba như một sự tình cờ khi một người học trò cũ đã chắp mối duyên cho thầy với người vợ hiện tại. Đó cũng là lý do PGS.TS Đỗ Văn Khang - một người trai Hà Nội gốc lại về làm rể đất Hoa Lư - Ninh Bình. Cuộc sống của ông với người bạn đời hiện tại như sự tìm về chốn bình yên sau cả chặng đường dài với bao nhiêu vinh nhục của phận người.
Những năm tháng tuổi già, hình như vị "Lưỡng quốc tiến sỹ" tài danh một thời bằng lòng với thú tao nhã của một ẩn sỹ nơi thôn dã. Căn nhà gỗ với mái ngói nâu trầm bình yên nơi xóm đạo là nơi vun bồi hạnh phúc tuổi già cho ông. Khi ông Đỗ Văn Khang về sống tại Ninh Bình, có rất ít người biết ông. Càng ít người biết được "những năm tháng hào hùng" của một nhà khoa học trứ danh. Một trí thức lớn, người thuộc "thế hệ vàng" của nền khoa học - xã hội Việt Nam sau cách mạng Tháng Tám cho đến những năm đầu đổi mới của đất nước.
Đức Bá