Từ sau năm 1954, miền Bắc được hòa bình, các phong trào thi đua liên tục được phát động nhằm đẩy mạnh công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, xây dựng hậu phương vững mạnh làm hậu thuẫn cho công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam tiến tới thống nhất đất nước. Do đó công tác tuyên truyền hết sức quan trọng và hoạt động văn hóa, văn nghệ có vai trò hàng đầu trong công tác tuyên truyền. Suốt "những năm sáu mươi, bảy mươi" của thế kỷ trước, phong trào sáng tác văn thơ, ca dao, hò vè tuyên truyền cho đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước sôi nổi chưa từng có. Không phân biệt trình độ, khả năng, ai có chút năng khiếu là cũng say sưa, hồ hởi viết bài, viết báo. Bài vở luôn bám sát nội dung tuyên truyền của cấp trên trong từng thời gian, thời điểm. Nhờ đó mà công tác tuyên truyền đạt hiệu quả rất cao, nó đã góp phần tạo ra được một không khí thi đua sôi nổi, rộng khắp và xây dựng đời sống văn hóa mới vô cùng phong phú trên nửa nước hòa bình...
Từ các phong trào thi đua ấy nhiều cây bút "chân quê " đã xuất hiện, được tập hợp thành một đội ngũ cộng tác viên dưới sự quản lý, bồi dưỡng của Ty Văn hóa - Thông tin. Ty Văn hóa Thông tin và Báo Ninh Bình xây dựng thường xuyên mở lớp bồi dưỡng cộng tác viên giúp những cây bút không chuyên dần trưởng thành, nắm vững tư tưởng chỉ đạo, thông thạo về chuyên môn nghiệp vụ. Nhiều cây bút đã nhanh chóng trở thành những tác giả tên tuổi dần quen thuộc với công chúng gần xa. Trong đó có nhiều người đã trở thành những cán bộ thông tin văn hóa, cán bộ tuyên truyền nòng cốt của các địa phương (xã, huyện). Trong lực lượng ấy, đông đảo hơn cả vẫn là những nhà giáo các cấp, nhất là những nhà giáo có nhiều điều kiện gắn bó với thực tế địa phương của mình. Có những cây bút đến nay nhiều người vẫn còn biết, còn nhớ...
Các cây bút nhà giáo say sưa sáng tác thơ ca tuyên truyền những ngày ấy có thể kể đến như: Nhà giáo Phạm Văn Hy, Lê Trần Thi, Lê Trần Hây, Nguyễn Trung Ngôn, Nguyễn Thế Kiểm, Nguyễn Khắc Thiệu, Thanh Thản, Võ Ngột ...(Hoa Lư); Vũ Đức Lãm, Mai Ngọc Uyển, Đinh Tiếp Ký... (Nho Quan ); Phùng Gia Mỹ, Nguyễn Tuấn Dũng, Văn Ninh (Gia Viễn ), Phạm Ngọc Cương, Bùi Thiện Toại, Phạm Mạnh Gián ... (Yên Mô), Đỗ Trọng Am, Lê Hữu Chư ( Yên Khánh), Vũ Dự, Lê Liêu (Kim Sơn)... Ngô Xuân Hành (Tam Điệp)...
Nhiều cây bút nhà giáo ấy đã dần có được một kết quả sáng tác rất đáng ghi nhận, nhiều người đến nay đã xuất bản được hàng chục đầu sách văn thơ, với hàng trăm bài thơ, trường ca, diễn ca, bài báo... Đặc biệt có nhà giáo đến nay đã viết được tới hơn 60 bản diễn ca, trường ca, truyện thơ, ca ngợi cuộc sống mới, con người mới trên quê hương đổi mới (Có bài dài tới hơn 5.000 câu thơ lục bát) như nhà giáo Bùi Thiện Toại. Có người nổi danh viết thơ ca tuyên truyền một thời như nhà giáo Phạm Văn Hy...Có người đã sớm trở thành hội viên Hội nhà văn Việt Nam, như nhà giáo Mai Ngọc Uyển, Trương Xương...
Thời ấy Ty Văn hóa -Thông tin tỉnh thường xuyên tập hợp các sáng tác của anh chị em cộng tác viên, hàng tháng, hàng quý in ấn thành những tập văn, thơ kịp thời phát hành xuống tới tận thôn xóm, làng xã để phục vụ các nhiệm vụ của địa phương, đồng thời cũng để ghi nhận, động viên kết quả sáng tác của anh chị em CTV, sáng tác viên trong tỉnh.
Từ khi tái lập tỉnh - 1992, lực lượng sáng tác và nghiên cứu sưu tầm là nhà giáo có thêm nhiều cây bút mới như Trương Đình Tưởng, Lã Đăng Bật, Lan Hoàng Miên (Đinh Thị Quế Lan), Mai Đức Hạnh, Đỗ Thị Bảy, Đinh Hữu Niên, Lê Thi Hữu, Vũ Văn Lâu, Phạm Bình...
Đặc biệt hơn 10 năm nay, lực lượng nhà giáo sáng tác văn học càng phát triển mạnh hơn. Có được sự phát triển ấy, một phần quan trọng là nhờ ở sự quan tâm của ngành giáo dục tỉnh nhà. Sở Giáo dục - Đào tạo nhiều năm nay đã phối hợp khá chặt chẽ với Hội VHNT, Đoàn Thanh niên, Ủy ban Bảo vệ & chăm sóc trẻ em tỉnh... thường xuyên đẩy mạnh hoạt động văn hóa, văn nghệ trong trường học, tích cực chọn cử, giới thiệu các cây bút măng non, các cây bút trẻ trong đội ngũ thầy cô giáo và học sinh các cấp đi tham dự các trại sáng tác Văn học trẻ của Hội VHNT tỉnh (suốt từ 1994 đến nay). Sở GD- ĐT còn tổ chức được một Câu lạc bộ VHNT nhà giáo, có nhiều nội dung hoạt động phong phú thiết thực, thu hút được khá đông đảo nhà giáo, học sinh tham gia và luôn có sự phát triển tốt, nhất là hoạt động chào mừng Ngày thơ Việt Nam - Rằm Tháng giêng hàng năm. Sở GD- ĐT còn giữ được nền nếp tổ chức phát động các cuộc thi thơ văn cho giáo viên và học sinh, 2 năm một lần, nay đã phát động đến cuộc thi lần thứ 3 (2018 -2020). Sau mỗi cuộc thi Sở GD - ĐT lại tập hợp in được một tập văn thơ dầy gần nghìn trang để động viên và phát triển phong trào.
Chính nhờ sự quan tâm ấy, nhờ những hoạt động bổ ích ấy mà lực lượng sáng tác văn học trong đội ngũ nhà giáo của tỉnh ngày một phát triển, mở ra nhiều tiềm năng, hy vọng mới. Các cây bút trẻ nhà giáo ngày một nhiều, tiêu biểu như: Trần Anh Thuận,Vũ Xuân Trường, Đỗ Văn Chuyến, Nguyễn Mạnh Quỳnh, Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Thị Phương, Nguyễn Thị Kính ( Minh Ngọc), Bùi Ngọc Minh, Vũ Thanh Lịch, Nguyễn Mạnh Cường, Diệu Thoa, Bùi Thị Nhài, Bùi Thị Hồng, An Quế, Mai Hồng Quế, Nguyễn Thanh Sơn, Nguyễn Quỳnh Anh, Cầm Thị Đào, Phạm Nga, Thúy Hoàng ( Trần Ngọc Thúy), Phạm Thị Dung...
Cũng thật vui và tự hào là Ninh Bình còn có nhiều nhà giáo sinh sống trên mọi miền quê đất nước trở thành những nhà văn, nhà thơ tên tuổi của đất nước và ở các địa phương, tiêu biểu như cố Nhà văn - Giáo sư Nguyễn Lương Ngọc; Nhà giáo, nhà báo, nhà văn, liệt sĩ Bùi Nguyên Khiết (người đã hy sinh tại mặt trận biên giới phía Bắc năm 1979. Tên ông đã được đặt cho tên một con đường ở Thành phố Lào Cai); cố nhà thơ, nhà giáo Trương Xương (Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong - Nam Định); Nhà thơ, nhà giáo Trần Văn Loa ( ĐH Thái Nguyên, tác giả bài thơ phổ nhạc nổi tiếng "Suối Lê Nin "...); Nhà văn, PGS -TS Phạm Quang Trung (ĐH Đà Lạt); Nhà văn, PGS - TS Vũ Nho ( Bộ GD - ĐT); Nhà thơ, nhà giáo Lê Lanh - Hà Nội; Nhà thơ, nhà giáo Vũ Xuân Trình (Trinh Huyền), Hội VHNT Lâm Đồng; Nhà thơ, nhà giáo Vũ Đức Hậu, Hội VHNT Đồng Nai...
Đây là một lực lượng sáng tác, nghiên cứu sưu tầm lịch sử, văn hóa rất đáng trân trọng. Trước hết họ là những nhà giáo, những người thầy đã hết mình cống hiến cho "Sự nghiệp trăm năm trồng người" của đất nước, quê hương, sau vì tâm hồn yêu trẻ, yêu nghề, yêu thơ văn mà họ cầm bút say sưa sáng tạo ca ngợi đất nước, quê hương, ca ngợi Đảng, Bác kính yêu. Nhiều người đã trở thành nhà văn, nhà thơ, nhà báo TƯ, hội viên Hội VHNT các địa phương. Nhiều người đã có những đầu sách chất lượng được xuất bản tại các NXB Trung ương, địa phương, cùng nhiều giải thưởng về văn học, báo chí. Đó là những đóng góp rất đáng ghi nhận, đáng biểu dương của đội ngũ nhà giáo đối với sự nghiệp VHNT của quê hương, đất nước...
Thanh Thản