Làm mới các điểm đến du lịch tâm linh
Chùa Hương, Tam Chúc và Bái Đính là ba điểm du lịch nổi tiếng của Hà Nội, Hà Nam và Ninh Bình. Hiện nay, chùa Hương vẫn là một điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, có mùa hội dài nhất nước và thu hút đông khách du lịch đi tham quan và hành hương. Trong khi đó, Bái Đính gần đây cũng nổi danh với một ngôi chùa có 13 kỷ lục quốc gia, cũng đang là một điểm đến du lịch rất được ưa chuộng. Bên cạnh đó, những điểm đến khác ở Ninh Bình như Vân Long, Thung Nham, Kênh Gà, Vườn Quốc gia Cúc Phương…, tạo ra những sản phẩm du lịch đa dạng cho Ninh Bình. Mặc dù mới bắt đầu xây dựng nhưng nhiều người kỳ vọng, sau khi hoàn thành, đưa vào khai thác, khu du lịch Tam Chúc (Hà Nam) với những ngọn tháp cao từ 100- 150m, với tượng phật bằng đồng nặng 200 tấn và cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, nhiều hạng mục du lịch hoành tráng sẽ thu hút lượng khách du lịch, vãn cảnh đông không kém gì Bái Đính hiện nay.
Ba điểm đến trong "trục du lịch tâm linh" có nhiều điều kiện thuận lợi về mặt địa lý và đều có tiềm năng phát triển du lịch. Khu du lịch chùa Hương cách Khu du lịch Tam Chúc 6 km, hiện nay hệ thống đường giao thông từ Hà Nội và Hà Nam nối hai điểm đến này đang trong quá trình hoàn thiện. Từ Hà Nam tới Ninh Bình, điểm đến tâm linh là chùa Bái Đính, về giao thông cũng đã rất thuận lợi.
Về ý tưởng liên kết thực hiện tuyến du lịch nêu trên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Mạnh Cường nhận định: Quy hoạch tuyến du lịch chùa Hương - Tam Chúc - Bái Đính rất quan trọng để tạo mối liên kết, quảng bá, thu hút khách du lịch quốc tế. Tuyến du lịch này ngoài ý nghĩa hướng tới việc xây dựng hướng phát triển du lịch tâm linh, còn tạo ra điểm nhấn để thu hút khách du lịch tới những điểm du lịch lân cận cùng phát triển.
Còn nhiều khó khăn
Quy hoạch tuyến du lịch tâm linh chùa Hương - Tam Chúc - Bái Đính thuận lợi về mặt ý tưởng, song theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, việc liên kết này không hề dễ dàng. Chùa Hương đã rất nổi tiếng với khách hành hương, Bái Đính nắm giữ 13 kỷ lục quốc gia và Tam Chúc cũng đang trên con đường trở thành điểm đến phật giáo với các ngọn tháp và tượng phật to lớn… nhưng vấn đề đặt ra là ở từng địa phương cần thiết phải tự xây dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng để tạo ra sự khác biệt. Bên cạnh đó, Khu du lịch Tam Chúc hiện nay vẫn đang trong quá trình xây dựng, xúc tiến quảng bá và giới thiệu; dự kiến phải tới năm 2015 mới đưa vào phục vụ du khách. Việc hoàn thiện tuyến du lịch tâm linh này nếu hiện thực hóa sẽ là kế hoạch dài hơi chứ chưa thể trở thành hiện thực trong vài ba năm tới.
Ông Trần Thế Dũng, Giám đốc Công ty Du lịch Thế hệ trẻ thành phố Hồ Chí Minh nêu quan điểm: Tuyến chùa Hương - Tam Chúc - Bái Đính trong vài ba năm tới có thể chưa thực hiện được do giao thông chưa thuận tiện, đi lại còn khó khăn, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu. Khi đưa ra sản phẩm mới, cơ sở hạ tầng cần tương đối hoàn chỉnh, tránh tình trạng chắp vá. Một vấn đề được nhiều người quan tâm chính là sản phẩm du lịch tâm linh tại các điểm đến này còn đơn điệu và khá giống nhau; sản phẩm du lịch chưa phát huy hết tiềm năng du lịch mang màu sắc đặc trưng của địa phương hay vùng. Ông Nguyễn Hữu Bắc, Công ty Du lịch Thái Sơn cho rằng, sự tương đồng về tài nguyên du lịch có những thuận lợi như sẽ thúc đẩy sự chau chuốt của từng địa phương đối với điểm đến của mình. Tuy nhiên, cũng không tránh khỏi những tác động tiêu cực do cạnh tranh khốc liệt. Do đó, thay vì "trăm hoa đua nở", mỗi nơi, dù có liên kết, cũng nên xác định sản phẩm du lịch đặc thù để hút khách. Đơn cử như chùa Bái Đính và khu tâm linh của khu du lịch Tam Chúc, theo quy hoạch, nếu chỉ thu hút khách du lịch bởi yếu tố bề thế, tráng lệ với những kỷ lục "lớn nhất", "độc đáo nhất"… sẽ khó tránh khỏi tình trạng phát triển "nóng", đồng thời cũng có thể sẽ phải đối mặt với khó khăn từ việc du khách chuyển sự quan tâm tới điểm đến khác có tượng lớn hơn, tháp cao hơn!
Các chuyên gia cũng cho rằng, ngoài những yếu tố nêu trên, hiện nay việc quản lý tại các địa phương cũng còn phải nỗ lực nhiều để ngăn chặn tình trạng mất trật tự, chèo kéo, đeo bám và "chặt chém" khách du lịch. Chưa kể đến hệ thống thông tin du lịch, thuyết minh viên còn yếu, các công trình phục vụ nhu cầu thiết yếu của du khách còn thiếu... Những yếu tố đó cần được khắc phục triệt để, đồng bộ để xây dựng nên một điểm đến tốt, bởi vì việc xây dựng điểm đến tốt là một trong những cách tháo gỡ khó khăn để có thể hiện thực hóa tuyến du lịch tâm linh chùa Hương - Tam Chúc - Bái Đính và dù đẩy mạnh liên kết đến đâu thì phát triển du lịch bền vững cũng nên được đặt lên hàng đầu.
Nguyễn Thơm