Di sản Văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An nằm ở cực Nam đồng bằng Châu thổ sông Hồng, có diện tích trên 12 nghìn ha, chiếm hầu hết khối đá vôi Tràng An với tuổi địa chất trên 250 triệu năm. Chính lịch sử địa chất lâu dài, sự đa dạng về địa hình, địa mạo đã khiến cho Tràng An có một hệ sinh thái hết sức đa dạng, đây cũng là cơ sở cho sự xuất hiện sớm của loài người.
Lịch sử chiếm cư của cư dân cổ Tràng An
Theo PGS.TS. Nguyễn Khắc Sử, các hiện vật tìm thấy khi khai quật hơn 30 di tích khảo cổ trong khu vực Quần thể danh thắng Tràng An minh chứng cho lịch sử chiếm cư và quá trình sử dụng đất, sử dụng biển của con người trước sự biến động khắc nghiệt của môi trường tự nhiên từ 30 nghìn năm cho đến nay với 3 giai đoạn, gắn liền với các thời điểm trước, trong và sau biển tiến.
Giai đoạn trước biển tiến (từ 30 nghìn đến 9 nghìn năm trước) khi Tràng An còn là lục địa, những người đầu tiên đến tụ cư ở Tràng An được minh chứng thông qua lớp địa tầng ở Di chỉ Mái đá Ông Hay (kết quả định niên đại bằng cácbon phóng xạ cho thấy các di vật ở đây có tuổi là 30 nghìn năm cách ngày nay). Ngoài Mái đá Ông Hay, ở giai đoạn sớm này còn có cư dân Hang Trống, niên đại gần 24.500 năm, cư dân Hang bói và lớp dưới Hang Mòi, có niên đại 12.500 năm.
Các cộng đồng cư dân giai đoạn này đều cư trú trong các hang động hoặc mái đá, tiến hành săn bắt các loài hươu, nai, lợn, mèo, khỉ, báo; thu lượm các loài ốc núi trong các thung lũng đá vôi; đánh bắt cua, cá và cá loài thủy sản trong các khu lầy trũng. Cư dân giai đoạn này có liên hệ mật thiết với nhau, tạo nên đặc thù chung về văn hóa hậu kỳ Đá cũ. Đó là việc chế tác và sử dụng các công cụ bằng đá vôi để chặt, cắt, nạo với các vết ghè đẽo thô sơ, chưa biết đến kỹ thuật mài và làm gốm.
Dẫu sống trong các thung lũng karst, nhưng cư dân gia đoàn này vẫn vươn ra trao đổi với các nhóm cư dân bên ngoài. Họ đem các sản vật đặc hữu của Tràng An để đổi lấy các nguyên liệu đá tốt như đã thấy ở di chỉ Hang Trống để làm các công cụ, hoặc trao đổi lấy sản vật biển làm đồ trang sức. Trong các lớp văn hóa có niên đại trên dưới 10.620+- 100 năm cách ngày nay, người Tràng An thích sử dụng vỏ ốc biển có thân nhỏ, vỏ dày, màu trắng sáng, đem mài thủng lỗ chôn tạo lỗ xâu dây làm đồ trang sức đeo cổ. Sở thích này sẽ thay đổi sau khi Tràng An bị ngập trong nước biển.
Giai đoạn biển tiến (từ 9 nghìn đến 4 nghìn năm trước) khi Tràng An trở thành biển đảo, con người vẫn cư trú trong hang. Tiêu biểu cho giai đoạn này là các di tích Mái đá Vàng, Mái đá Ốc, Hang Mòi, hang Thung Bình. Ngoài săn bắn các động vật trên cạn, con người lúc này tập trung khai thác nguồn lợi biển.
Các dấu tích đống rác bếp thải ra sau bữa ăn được chất thành các lớp khá dày ở địa tầng Hang Mòi và một số hang khác cho thấy, các loài nhuyễn thể họ khai thác phổ biến là ốc undata, ốc mỏ két, ốc viền vàng, ốc mít, sò huyết, vọp, ngó, ngao đầu, hầu cửa sông, hàu hà… Như vậy, môi trường biển Tràng An lúc này thuộc đới biển nông, ven bờ.
Để thích ứng với môi trường biển đảo, người cổ Tràng An đã sáng tạo ra những chiếc rìu mài lưỡi, rồi mài toàn thân, nhưng con dao và công cụ đào xới từ vỏ các con hàu lớn, rồi đồ đựng từ vỏ vọp biển và đồ trang sức bằng vỏ ốc ngao đầu, ốc tiền có dáng miệng rất đẹp. Những chiếc rìu mài nhẵn ở đây dùng để chặt cây, phá rừng trồng trọt, chế tạo bè mảng, giao thông biển.
Để khai thác nguồn lợi biển, người xưa đã dùng "chì lưới" bằng đá, bằng đất nung để đánh cá, biết se sợi làm dây câu, làm lưới vó. Thành tựu nổi bật của người Tràng An giai đoạn này là sáng tạo ra các loại đồ gốm đất nung, thành dày, văn đập thừng không se, niên đại trên 9 nghìn năm cách ngày nay. Đây cũng là đồ gốm sớm nhất hiện biết ở Việt Nam và Đông Nam Á.
Cư dân cổ Tràng An thường xuyên chiến đấu với thú dữ để sinh tồn.
Sống trong môi trường biển, cư dân Tràng An để lại văn hóa ứng xử biển độc đáo. Vào lúc này, mưa nhiều, các hang ẩm ướt, con người đã đóng cọc tre, gỗ làm sàn nghỉ ngơi; đốt lửa sưởi ấm, xua đuổi côn trùng, thú dữ. Dấu tích các hố chân cột, các bếp lửa tìm thấy trong hang Mòi, Mái đá Ốc là ví dụ. Vào giai đoạn này người chết được chôn tại hang, với táng thức ăn chặt nhỏ xương và đặt chúng nhiều nơi trong hang cũng có trường hợp chôn nằm co, bó gối.
Những cư dân cổ Tràng An giai đoạn sơ kỳ Đá mới mang đặc trưng chung của văn hóa Hòa Bình, nhưng khác với các cộng đồng dân cư này nằm sâu trong lục địa. Người Tràng An thật sự đại diện cho văn hóa Hòa Bình hướng biển. Các cộng đồng dân cư ở dây phát triển kỹ thuật mài đá, phát minh đồ gốm, tiến hành đánh bắt cá, thu lượm các loài nhuyễn thể biển, tạo dựng văn hóa sơ kỳ Đá mới đặc sắc ở ven rìa châu thổ Bắc Bộ.
Giai đoạn sau biển tiến (từ 4 nghìn năm đến nay) Tràng An lại trở về lục địa. Sau 4 nghìn năm, nước biển rút xuống, Tràng An lộ dần hình hài như ngày nay, cư dân cổ cũng bắt đầu chuyển dần ra vùng rìa ngoài Tràng An để mưu sinh theo xu hướng nông nghiệp cố định.
Cư dân thời này phát triển đến đỉnh cao kỹ thuật chế tác rìu đá, bắt đầu chế tạo và sử dụng đồ gốm kiểu Đông Sơn, triển khai săn bắt các động vật nhỏ trong núi, thu lượm các loài nhuyễn thể nước lợ, hái lượm các loài rau củ ven núi, dần tiếp cận đồ đồng như rìu đồng, giáo đồng, phát triển sản xuất và từng bước tiến vào xã hội văn minh.
Bước vào thời kỳ lịch sử, cư dân cổ Tràng An tiếp nối truyền thống cha anh, xây dựng nơi đây trở thành vùng kinh tế phát triển, làm chỗ dựa vững chắc cho cuộc khởi nghĩa Định Bộ Lĩnh, tiến tới thống nhất 12 xứ quân, thành lập nước Đại Cồ Việt - quốc gia độc lập đầu tiên sau nghìn năm Bắc thuộc.
Hà Phương
(* Bài viết có sử dụng tư liệu của PGS.TS Nguyễn Khắc Sử, Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam)