Nhà hát Cao Văn Lầu đã mang đến bản Dạ cổ hoài lang và các tiết mục vọng cổ viết lời mới, phác họa một bức tranh đa màu sắc về quê hương Ninh Bình, đó là những cảnh sắc quá đỗi thân thương như bến Tràng An, chùa Bái Đính, những bông hoa lau huyền thoại… Khi khúc vọng cổ cất lên, hàng ngàn khán giả Cố đô ngập tràn trong cảm xúc, tự hào và vang lên những tràng vỗ tay không dứt.
Tại đêm giao lưu, các nghệ sỹ đến từ tỉnh U-đôm-xay (CHDCND Lào) lại mang đến cho khán giả Cố đô một cảm xúc khác, rộn ràng, hoan hỉ qua bài múa Điệu sắc hoa Chămpa. Lời bài hát và điệu múa đã phác họa loài hoa Chăm pa- loài hoa biểu tượng của nước Lào anh em, tượng trưng cho tình yêu tha thiết, thủy chung của đôi lứa. Các nghệ sỹ Lào thể hiện điệu múa không chỉ bằng đôi tay dẻo, đôi chân nhịp nhàng mà còn bằng ánh mắt dịu dàng và nụ cười hồn hậu. Khán giả Cố đô hào hứng vỗ tay từng nhịp theo điệu múa, tạo nên một không khí vui tươi, đầm ấm… Cô Bùi Thị Ba, quê ở xã Trường Yên chia sẻ: Được thông tin về đêm nhạc, cả gia đình tôi đều háo hức chờ đợi; tôi dẫn thêm mấy đứa nhỏ để chúng cùng được thưởng thức các tiết mục đặc sắc, tiêu biểu cho nhiều vùng - miền trong nước và các bạn quốc tế. Quả thực, có trực tiếp đến đêm nhạc mới thấy rõ sự đặc biệt, sức hút lạ kỳ của chương trình nghệ thuật này. Những điệu múa trống của đồng bào Cao Lan hay điệu múa của các bạn Lào… đều để lại ấn tượng sâu đậm cho người xem. Với riêng tôi, tôi rất ấn tượng với tiết mục biểu diễn bằng tiếng Việt làn điệu quan họ Bắc Ninh "Bèo dạt mây trôi" của các nghệ sỹ đến từ tỉnh Asan của Hàn Quốc. Có lẽ, phải yêu lắm và hiểu lắm về đất nước và con người Việt Nam thì những nghệ sỹ Hàn Quốc mới có thể biểu diễn tiết mục thành công đến như vậy.
Đáp lại tình yêu của nghệ sỹ tỉnh bạn và quốc tế, các nghệ sỹ Nhà hát Chèo Ninh Bình cũng da diết trong bài chèo Về với đất Ninh Bình và bài hát văn Cảnh sắc Ninh Bình… để giới thiệu với bè bạn những danh thắng nổi tiếng, đó là tiếng chim hót, tiếng gió reo vi vu trong đại ngàn Cúc Phương hay những miền quê đang hối hả, khoác lên mình diện mạo của một vùng quê nông thôn mới… Nghệ sỹ Thu Hằng là người thể hiện các tiết mục này. Bên lề chương trình, nghệ sỹ Thu Hằng chia sẻ, vẫn là những bài hát về quê hương vốn gần gũi, thân thuộc với chúng tôi là thế, nhưng hôm nay, khi được biểu diễn trong không khí linh thiêng của Lễ hội, trước bè bạn nghệ sỹ quốc tế, trong tỉnh và đặc biệt là trước du khách thập phương thì cảm xúc cũng rất mới lạ. Ai cũng ý thức được trong từng khúc hát, từng điệu múa của mình sẽ góp phần chuyền tải một bức họa đồng quê về cảnh sắc, tình đất, tình người của vùng đất Cố đô Hoa Lư lịch sử đến với bè bạn trong nước và quốc tế.
Đêm trung tuần tháng Ba âm lịch, càng về khuya, trăng càng lên tỏ. Chương trình nghệ thuật đã khép lại mà khán giả dường như vẫn lưu luyến chưa muốn về. Có lẽ, lâu lắm rồi người dân Cố đô mới có dịp thưởng thức một chương trình nghệ thuật mang lại nhiều cảm xúc đến thế. Và đối với mỗi người dân, được thưởng thức chương trình giao lưu nghệ thuật thực sự là một kỷ niệm khó quên trong hành trình về nguồn của họ.
Đào Hằng