"Cưới chuột" là tác phẩm điêu khắc gỗ lấy cảm hứng từ văn hóa dân gian trong tranh Đông Hồ. Tuy nhiên từ hình ảnh của bức tranh "Đám cưới chuột" trong tranh Đông Hồ nổi tiếng đến tác phẩm điêu khắc "Cưới chuột" của Kù Kao Khải không đơn thuần là sự sao chép ý tưởng từ hội họa sang điêu khắc mà có một khoảng cách nhất định về tư duy sáng tạo. Trong khi ở hội họa dân gian, câu chuyện được kể bằng những nét vui tươi, khỏe khoắn và ít nhiều có tính "ngụ ngôn" thì "Cưới chuột" của Kù Kao Khải lại đưa người xem vào thế giới của đường nét, hình khối, mảng miếng vừa mạnh bạo, vừa khoáng đạt song vẫn tạo ấn tượng thị giác mạnh bởi sự phối trộn của nhiều màu sắc đen, đỏ, vàng, xanh. Nhưng điểm khác ở tác phẩm của Kù Kao Khải so với hội họa dân gian ở chỗ cùng kể về một câu chuyện song tranh dân gian thiên về nét hóm hỉnh, nhẹ nhàng trong khi điêu khắc gỗ của Kù Kao Khải có vẻ suy tư, thâm trầm của lối thủ pháp trong mỹ thuật tượng trưng hiện đại. Mặt khác tranh Đông Hồ lấy màu sắc tự nhiên làm ngôn ngữ, còn Kù Kao Khải kể câu chuyện bằng những điểm nhấn trong tư duy về hình khối, không gian, sự phối trộn giữa các mảng màu kết hợp với nghệ thuật sắp đặt.
Thực tế trong nhiều tác phẩm điêu khắc hiện đại, việc các tác giả lấy cảm hứng từ văn hóa dân gian không phải là hiếm, nên việc Kù Kao Khải mượn ý tưởng dân gian cho tác phẩm của mình cũng không là ngoại lệ. Điểm khác biệt, có chăng nằm ở chỗ sáng tác của Kù Kao Khải, với rất nhiều tìm tòi của mình Khải đã đẩy nó lên thành một thiên hướng. Hay nói cách khác trong tư duy sáng tạo nghệ thuật của mình Kù Kao Khải đã chọn cho mình một hướng đi vào điêu khắc hiện đại từ cái gốc, từ cái cốt của văn hóa dân gian. Do vậy sáng tác của nghệ sỹ họ Kù dù rất hiện đại song vẫn thấp thoáng sợi dây liên hệ với các thành tố của văn hóa dân gian, từ "chuyện quê", "ngư dân", "cá và lưới", "đôi bạn đại dương", "chuông" đến "cưới chuột"...Nói như vậy không có nghĩa là trước Khải, không từng có người từng chọn lối đi này. Tuy nhiên có thể là do cá tính nghệ thuật, tài năng và cả lối tiếp cận vấn đề khi đối mặt với các chất liệu của văn hóa dân gian khiến các tác giả khác đã không thành công. Với Khải ngoài cá tính sáng tạo thì điều khiến anh liên tục thành công trong những năm gần đây còn nằm ở chỗ anh đã rất kiên trì và tin tưởng vào con đường đi của mình. Khải từng học Bách Khoa rồi dám bỏ ngang theo ngành mỹ thuật, rồi trong khi nhiều bạn bè chọn ở thành phố lập nghiệp, phát triển con đường nghệ thuật thì Khải lại "ngược dòng" trở về quê tìm cảm hứng sáng tác. Và rồi trong khi nhiều nghệ sỹ trẻ cùng thời với anh cố làm mới mình bằng lối thể hiện tân kỳ chạy theo những lý thuyết thời thượng như tượng trưng, siêu thực, lập thể, chủ nghĩa đa đa...thì Khải dứt khoát chọn lối kể "chuyện quê" nhẹ nhàng, thô mộc, dân dã, đưa sáng tạo nghệ thuật về gần với những gì cuộc sống vốn có. Tuy nhiên có lẽ điểm phân biệt Khải với nhiều tác giả khác nằm ở chỗ, với cá tính nghệ thuật của mình Khải đã thể hiện thành công trong khi nhiều tác giả khác đã không đi tới đích. Khải dám dấn thân và sẵn sàng trả giá cho sự lựa chọn, thể nghiệm nghệ thuật của mình mà nhiều người khác ở thời điểm ấy cho là "không hợp thời" thậm chí "điên rồ". Thực tế đã chứng minh lựa chọn của Khải đã đúng. Con đường nghệ thuật đi đến hiện đại từ truyền thống được xem là một lựa chọn sáng suốt của Kù Kao Khải.
Có một điểm đáng mừng trong câu chuyện thành công của Kù Kao Khải nữa là trong khi rất nhiều nghệ sỹ trẻ không thể sống được bằng nghề, hay sống khá chật vật thì ngược lại Kù Kao Khải hình như sống khỏe. Rất nhiều tranh, tượng, tác phẩm điêu khắc của Khải được các nhà sưu tập mỹ thuật tìm mua và không ngại trả giá cao. Ngay như tác phẩm "Cưới chuột" lúc mới hoàn thành, còn chưa đưa đi triển lãm, một nhà sưu tập mỹ thuật có tiếng tại Hà Nội đã về tận nơi để chiêm ngưỡng tác phẩm và đã thỏa thuận mua tác phẩm với giá 300 triệu đồng. Một cái giá không hề nhỏ cho một tác phẩm điêu khắc ở thời điểm hiện tại. Theo như chia sẻ từ phía người mua tác phẩm thì cốt lõi vấn đề nằm ở chỗ không phải thị trường sản phẩm mỹ thuật của Việt Nam yếu mà vấn đề nằm ở chính khả năng sáng tạo của các tác giả. Tác phẩm nếu đạt được yêu cầu thẩm mỹ, gây ấn tượng mạnh với người xem thì sẽ bán được, thậm chí giá rất cao. Trường hợp tác phẩm "chuông", "cưới chuột" của Kù Kao Khải là một ví dụ.
Hiện nay trong văn hóa nói chung và trong mỹ thuật nói riêng vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc luôn được đề cao. Việc tác giả Kù Kao Khải chọn hướng sáng tác lấy cảm hứng từ văn hóa dân gian truyền thống và đã thành công như một gợi ý cho một hướng đi của nhiều nghệ sỹ. Và với Kù Kao Khải trong hành trình sáng tạo của mình tôi tin Khải vẫn sẽ viết tiếp những "chuyện quê" và trong những câu chuyện quê kể theo phong cách rất riêng của Khải ấy ai dám bảo "truyện quê" thời không hiện đại.
Bài, ảnh: Mai Phương