Hoa Lư là địa phương có truyền thống lịch sử, văn hóa. Cùng với quá trình hình thành và phát triển, nơi đây đang lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú và đa dạng. Và đặc biệt hơn từ khi Quần thể danh thắng Tràng An chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới vào ngày 23-6-2014. Đó là niềm vinh dự, tự hào của không chỉ của tỉnh, quốc gia, quốc tế mà còn là tài sản vô giá của nhân loại cho các thế hệ. Hiện nay, huyện Hoa Lư có 27 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, 29 di tích xếp hạng cấp tỉnh và 9 lễ hội tổ chức thường kỳ hàng năm. Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, quản lý, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể của huyện quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và được đông đảo nhân dân ủng hộ, đóng góp tâm sức nên đã đạt được những kết quả rất quan trọng. Công tác quản lý xây dựng các di tích lịch sử, văn hóa các cơ sở tôn giáo tín ngưỡng; vấn đề bảo quản di vật, cổ vật và tài sản thuộc di tích được tiếp tục tăng cường. Hầu hết các lễ hội được tổ chức theo đúng quy định. Các nghi thức lễ hội diễn ra trang trọng, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong mỹ tục của địa phương. Phần hội bao gồm các hoạt động diễn ra phong phú, hấp dẫn, tạo được sự lan tỏa, thu hút đông đảo du khách và nhân dân tham gia. Các làng nghề truyền thống được quan tâm đầu tư bảo tồn và phát huy.
"Những thành tựu đạt được đó đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Văn hóa đã thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực phát triển, hướng tới mục tiêu xây dựng con người Hoa Lư thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới. Góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc"- đồng chí Nguyễn Thị Cúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư nhấn mạnh.
Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa còn chưa tương xứng với giá trị và tầm vóc của di sản. Việc quản lý, bảo tồn, bảo vệ các di tích, cổ vật, di vật, hiện vật tại một số địa phương chưa đúng mức. Một số di tích hạn chế về diện tích, nằm xen kẽ các địa bàn dân cư nên việc tổ chức hoạt động văn hóa tại di tích còn gặp nhiều khó khăn. Hoạt động làng nghề gắn với phát triển du lịch, dịch vụ đạt hiệu quả chưa cao. Công tác tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa và du lịch chưa theo kịp nhu cầu phát triển chung. Nguyên nhân là do tác động của tự nhiên, lịch sử, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, sự du nhập của văn hóa ngoại lai, sự lấn át của cơ chế thị trường… dẫn đến sự xuống cấp, mai một của di tích, ảnh hưởng đến phong tục, tập quán và nếp sống của người Hoa Lư. Nguồn kinh phí để tu bổ, tôn tạo còn quá hạn hẹp. Một bộ phận nhân dân chưa có ý thức trong việc giữ gìn, coi việc giữ gìn bảo tồn thuộc về trách nhiệm của chính quyền các cấp. Một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức nên chưa phát huy sự vào cuộc của cả cộng đồng, đồng thời chưa đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ và tham gia sáng tạo văn hóa của nhân dân.
Để việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, đặc biệt là phát triển du lịch, bên cạnh việc phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, thì vai trò của cộng đồng dân cư địa phương là cấp thiết và có ý nghĩa thiết thực. Giải pháp được huyện Hoa Lư đưa ra là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về giá trị các di sản văn hóa; về trách nhiệm để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Tranh thủ các kênh thông tin, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phát huy hiệu quả hệ thống phát thanh ở cơ sở, cổng thông tin điện tử... Phối hợp với cơ quan xuất bản, quảng bá tuyên truyền qua các cuốn sách, tập gấp để trưng bày hoặc bán ở các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh.
Cùng với các cấp, các ngành của tỉnh, huyện Hoa Lư tổ chức kiện toàn, nâng cao trách nhiệm của bộ máy quản lý lại các khu, điểm di tích và du lịch, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước. Xây dựng đội ngũ cán bộ có tâm huyết, trình độ và năng lực chuyên môn, kiến thức pháp luật về di sản. Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa chủ sở hữu với tổ chức hoặc cá nhân được giao quản lý di tích và du lịch. Tăng cường công tác quản lý lễ hội gắn với công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Phối hợp với các cơ quan có liên quan để thực hiện việc sưu tầm, kiểm kê, lập hồ sơ di sản. Đồng thời nghiên cứu, biên soạn, phát hành các tài liệu, ấn phẩm về các di sản văn hóa. Thực hiện công tác sưu tầm di sản phi vật thể bằng các hình thức quay phim, ghi âm, chụp ảnh, in đĩa, quản lý bằng công nghệ thông tin, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về truyền thống lịch sử văn hóa, về giá trị các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và lễ hội. Tranh thủ đẩy mạnh việc liên kết với các sở, ngành, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để đẩy mạnh liên kết vùng trong việc quảng bá và xúc tiến du lịch.
Bổ sung, hoàn chỉnh các chế tài đủ mạnh trong việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực văn hóa và du lịch. Kịp thời khen thưởng, động viên các tổ chức, cá nhân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, phát huy vai trò của các chức sắc tôn giáo tại các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo. Làm tốt công tác xã hội hóa để huy động các nguồn lực xã hội trong việc trùng tu, tôn tạo các di tích. Khai thác kinh nghiệm, các tập tục cổ truyền tốt đẹp, kiến thức về tổ chức lễ hội, nghệ thuật trình diễn dân gian từ cộng đồng, góp phần làm phong phú thêm giá trị di sản văn hóa.
Bài, ảnh: Nguyễn Minh