Hát đúm là loại hình hát hội, hát đối đặc trưng của người Mường. Đây là loại hát giao duyên (tựa như hát Quan họ của người Kinh Bắc, hát ví dặm của người Nghệ Tĩnh, hát Si, hát Lượn của đồng bào Tày, Nùng). Lời bài hát do người hát tự đặt hay vận dụng từ vốn kho tàng dân ca của dân tộc mình. Nội dung hát Đúm khá phong phú: từ chuyện chào hỏi, tình duyên, mùa màng, phong tục tập quán...Hình thức hát thường là hát đối đáp giữa hai bên, lời Đúm có vần vè hay có thể rất tự do. Qua việc đối đáp giữa hai bên thanh niên nam nữ thể hiện được khả năng ứng xử nhanh nhẹn, vốn hiểu biết về nhiều mặt, đây là "kênh" để trai gái ướm lời, thử lòng nhau, tìm hiểu nhau qua con đường "nghệ thuật". Đó cũng chính là lý do khiến hát Đúm một thời rất được trai gái người Mường say mê. Ông Quách Công Khai (Đồng Trung, Quảng Lạc, Nho Quan) là một trong số không nhiều những người còn nhớ được những làn điệu Đúm. ở tuổi 73, nghệ nhân họ Quách vẫn giữ được sức khỏe vâm váp, đặc biệt là chất giọng trầm ấm, rền vang đầy cuốn hút. Mấy chục năm trước, thuở vàng son của các phường Đúm, khắp cả vùng đất Mường, ông Khai nổi tiếng là một người hát hay. Vào những ngày hội xuân, hội mùa, ngày lễ trọng của đồng bào dân tộc Mường hễ có đám hát Đúm là không thể vắng mặt ông Khai. Với những trai làng gái bản thuở ấy ông là niềm tự hào của họ, hội Đúm nào ông cũng được mời. Ngày tết Mường ở Đồng Trung, dưới nếp nhà sàn khi cả bản quây quần bên chóe rượu, khi những người già còn đang rì rầm với những câu chuyện về "mường trên bản dưới", về ngô lúa trên nương, những chuyến đi rừng, những phường săn và chuyện về những linh thú...thì đám trai gái bản đã rập rình gọi nhau mở hội Đúm. Và như thường lệ, chàng trai Quách Công Khai bao giờ cũng là thủ lĩnh phường Đúm thi hát với khách. Trai gái Mường trong, Mường ngoài đã có mặt, váy áo xúng xính, mặc cho trên nhà sàn rượu cứ chảy tràn, mềm môi, còn dưới sân, trên những vạt cây, ngọn đồi phường Đúm vẫn say sưa hát. Trong hồi ức vàng son về trò Đúm của cộng đồng người Mường, có cả câu chuyện tình riêng đầy cảm động của nghệ nhân Quách Công Khai với người vợ yêu của mình, bà Quách Thị Ngữ.
Vì mê hát, nên từ năm mười hai, mười ba tuổi ông Khai đã theo phường Đúm đi hát, năm 16 tuổi thì ông Khai gặp bà Ngữ, năm ấy bà cũng vừa tròn đôi tám. Hội Đúm năm ấy, ông Khai vượt rừng theo trai bản vào tận Hà Long (Hà Trung, Thanh Hóa) chơi hội Đúm. Ông khai tốt giọng, hát hay, rượu giỏi lại đối đáp có duyên khiến bà Ngữ phải lòng. "Tình trong như đã", tình ngoài gửi vào câu hát, ông bà ưng nhau. Theo lệ của nhà gái, ông Khai về quê biện trầu, rượu, 4 gùi gạo nếp nương và cùng trai bản Đồng Trung luồn rừng, khiêng theo cả một con lợn béo vào Hà Long để nhà gái làm lễ khoản đãi dân bản. Đủ lễ, ông Khai cùng trai bản uống rượu hát thâu đêm ở quê vợ, hôm sau thì phường Đúm chia tay, bà theo ông về Quảng Lạc. Nay hai ông bà đã có 9 mặt con, nhưng họ vẫn yêu nhau như thuở ban đầu. Khi tôi đến cùng ông đối ẩm, bà vẫn ngồi bồi rượu. Bên căn nhà nhỏ cạnh hồ Đập Trời, trong hơi rượu men lá ủ sáp ong rừng, ông bà vẫn nhìn nhau tình tứ, cụ Khai đã ngân lên điệu Đúm, giọng rền vang đầy cuốn hút. Lần đầu tiên tôi biết được thế nào là thứ tình yêu trong sáng và diễm lệ của đôi tình nhân người Mường.
Có một điều khiến nghệ nhân Quách Công Khai cảm thấy tiếc nuối là ngày nay không còn nhiều người biết các điệu hát Đúm. Với lớp thanh niên trẻ càng ít người biết hát và tại nhiều lễ hội của người Mường hát Đúm cũng hầu như vắng bóng. Lý do hát Đúm mai một dần có nhiều. Phần vì hát Đúm không có thể điệu cụ thể nên rất khó truyền dạy. Hình thức tồn tại chủ yếu qua con đường truyền khẩu, bởi vậy khi lớp người cao tuổi biết hát Đúm mất đi, hát Đúm cũng rơi rụng dần. Một lẽ khác nữa là, hiện thời trước sự xâm thực ồ ạt của nhiều loại hình giải trí hiện đại, hát Đúm nguyên thủy dần mất đi sức hút. Cùng với nó là việc không gian diễn xướng của hát Đúm tại các lễ hội hầu như không còn. Những người còn tâm huyết với loại hình nghệ thuật này như ông Quách Công Khai, anh Du (cán bộ văn hóa xã Quảng Lạc) cũng không nhiều và hiện đang rất lúng túng trước việc làm thế nào để duy trì được nghệ thuật hát đúm truyền thống.
Mai Phương