Hang Thung Bình 1 ở thôn 7, xã Gia Sinh (Gia Viễn). Hang hình hàm ếch, cửa hướng Đông, lòng hang rộng trên 50m2. Kết quả khai quật tại đây cho thấy tầng văn hóa khá nguyên vẹn, cấu tạo chủ yếu là đất sét vôi, chất đầy vỏ các loài nhuyễn thể nước ngọt và một ít vỏ nhuyễn thể biển. Các di cốt động vật và vỏ nhuyễn thể ở đây mang đặc trưng giai đoạn Holocene. Các vết tích văn hóa khảo cổ ở đây phản ánh tính chất cư trú của cư dân văn hóa Đá mới-Kim khí, niên đại dự đoán từ 6.000 năm đến 3.000 năm cách ngày nay.
Ở sườn phía Đông núi Thung Bình còn 3 hang động khác theo thứ tự từ Bắc xuống Nam, được gọi tên theo thứ tự 2,3,4; diện tích trung bình từ 20m2 đến 50m2, cao trung bình 10-12m so với thung lũng và cách nhau từ 20-30m.
Hang Thung Bình 2 có tầng văn hóa dày 0,6m, dấu tích văn hóa tiền sử mờ nhạt, song đã tìm thấy di tích văn hóa thời sơ sử và 1 mảnh gốm sứ hiện đại cùng xương động vật và vỏ các loài nhuyễn thể nước ngọt, niên đại từ đầu công nguyên đến nay.
Hang Thung Bình 3 có tầng văn hóa dày 1,1m nguyên vẹn và ken dày vỏ nhuyễn thể nước ngọt, vỏ nhuyễn thể biển gặp ở lớp mặt và lớp phủ mặt hang. Trong tầng văn hóa đã tìm thấy 20 công cụ ghè đẽo, kích thước nhỏ và kỹ thuật khá tiến bộ. Đồ gốm Thung Bình 3 là gốm đất sét pha cát hạt nhỏ, mịn; thành gốm mỏng, xương gốm màu hồng, cứng, mặt ngoài miết láng, kiểu gốm Đá mới muộn. Các di cốt động vật và vỏ nhuyễn thể ở Hang Thung Bình 3 mang đặc trưng giai đoạn Early Holocene. Các vết tích văn hóa khảo cổ ở đây phản ánh tính chất cư trú của cư dân văn hóa Đá mới, niên đại từ 8.000 năm đến 5.000 năm cách ngày nay.
Hang Thung Bình 4 có tầng văn hóa dày 0,8m, nguyên vẹn; tầng văn hóa ken dày vỏ nhuyễn thể nước ngọt, một số vỏ nhuyễn thể nước biển cùng xương động vật. Khi đào khai quật đã tìm thấy 18 công cụ ghè đẽo, cơ bản giống như công cụ ghè đẽo ở hang Thung Bình 3 và có nét giống với công cụ di chỉ Thung Bình 1, Hang ốc và Mái đá Vàng. Chưa tìm thấy đồ gốm ở Hang Thung Bình 4. Di tích Hang Thung Bình 4 có tuổi Holocene, phản ánh tính chất cư trú của cư dân văn hóa Đá mới, niên đại dự đoán có thể từ 6.000 năm đến 4.000 năm cách ngày nay.
Nhìn chung, 4 di tích hang động nêu trên có một số đặc điểm chung thống nhất của một nhóm văn hóa, nhóm này chiếm cứ vùng phía Tây của Quần thể danh thắng Tràng An, nơi có hệ thống núi độc lập, đơn lẻ, thung lũng rộng, là khu trung chuyển gần với đường bờ biển cổ, đồng thời có liên hệ chặt chẽ với nhóm Tràng An và nhóm Mái đá ốc ở rìa phía Tây-Nam của khu di sản.
Bảo Yến