Nếu như năm 2006, cả tỉnh có 86 cơ sở lưu trú với hơn một nghìn phòng thì đến năm 2015, Ninh Bình đã có tới 390 cơ sở với 5.353 phòng nghỉ (trong đó có 4 khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên). Đến nay, trên địa bàn có 33 dự án của các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng vốn đăng ký gần 13 nghìn tỷ đồng. Số lao động tham gia hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ đạt gần 16 nghìn người. Số lượt khách du lịch đến Ninh Bình đã chạm ngưỡng 6 triệu lượt khách. Chỉ tính trong 3 tháng đầu năm 2016, lượng khách du lịch đến Ninh Bình đạt 2,992 triệu lượt, tăng 11% so với cùng kỳ. Trong đó, khách trong nước tăng 10,6%, khách quốc tế tăng 14%. Số lượt khách đến các cơ sở lưu trú đạt gần 120 nghìn người, tăng 20% so với cùng kỳ, trong đó lượt khách lưu trú qua đêm tăng gần 27%. Đặc biệt khách quốc tế đến các cơ sở lưu trú trong ngày đạt 7.828 lượt, tăng 196% (gần gấp 3 lần) so với cùng kỳ năm 2015.
Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Khắc Khoan phân tích nguyên nhân tăng trưởng các chỉ tiêu trên. Điều dễ nhận biết nhất, đây là dịp có ngày nghỉ Tết, lễ kéo dài. Hơn nữa, các tháng giêng, hai (âm lịch) là mùa du lịch, có nhiều lễ hội truyền thống diễn ra, như: Lễ hội Tràng An, Bái Đính... Cũng trong tháng 3, êkíp Đoàn làm phim Hollywood quay các cảnh của phim "Kong: Skull Island" tại Khu du lịch sinh thái đất ngập nước Vân Long và Khu du lịch sinh thái Tràng An, Tam Cốc - Bích Động là dịp tốt để du lịch Ninh Bình quảng bá hình ảnh với bạn bè quốc tế. Một nguyên nhân khác phải kể đến, đó là nhiều cơ sở kinh doanh du lịch đã hoàn thiện và đưa vào vận hành, khai thác góp phần nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch khi về Ninh Bình.
Ông Đoàn Minh Thành, Giám đốc điều hành Khách sạn Hoàng Sơn chia sẻ: Chất lượng và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ phục vụ nhu cầu của du khách đang được các cơ sở lưu trú quan tâm, từng bước đầu tư, nâng cấp và chỉ có thế mới níu kéo, giữ chân khách ở lại ăn, nghỉ, ngủ. Càng ngày, du khách càng đòi hỏi chất lượng phục vụ cao hơn. Để đáp ứng yêu cầu đó, các cơ sở lưu trú có thể mở các đợt khuyến mại, đa dạng các hình thức dịch vụ: Khi nhận phòng, khách được miễn phí ăn sáng hàng ngày, miễn phí 1 chai nước suối, miễn phí vé bể bơi hoặc dự tiệc buffet (tiệc đứng, tự chọn đồ ăn)... Và vì thế, muốn giữ được khách ở lại, không có cách nào khác là phải thay đổi tư duy, tăng đầu tư, đa dạng các loại hình phục vụ... hấp dẫn và làm hài lòng du khách.
Được biết, cũng trong 3 tháng đầu năm, doanh thu toàn ngành ước tính đạt gần 703 tỷ đồng, tăng gần 24% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu từ khách trong nước và khách quốc tế tăng 21- 33%. Trao đổi về sự tăng trưởng này, đồng chí Bùi Thành Đông, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch bình luận: Số liệu về tăng trưởng rất có ý nghĩa. Song, vẫn còn những băn khoăn trong cách tính thống kê. Năm 2015, ngành Du lịch Ninh Bình đón gần 6 triệu lượt khách, doanh thu 1.421 tỷ đồng, nếu đem chia bình quân thì mỗi du khách chỉ chi phí trên 200 nghìn đồng/lượt về Ninh Bình. Chẳng nhẽ, du khách đến Ninh Bình mang theo cơm nắm, nước lọ? Chi phí quá thấp so với bình quân chi tiêu của mỗi du khách trên toàn quốc (báo cáo của Tổng cục Du lịch, mỗi du khách chi khoảng 4 triệu đồng).
Vấn đề đặt ra hiện nay là ngành Du lịch Ninh Bình phải làm thế nào để du khách "móc hầu bao" ra tiêu. Điều này mới thấy, tăng trưởng du lịch Ninh Bình đang chỉ xét ở khía cạnh về số lượng, còn chất lượng và các chỉ số khác thì còn hạn chế và cần có quá trình thay đổi từ tư duy đến hành động của nhiều cấp, ngành và các nhà đầu tư trong hoạt động khai thác du lịch.
Nguyễn Minh