Trong nhà văn hóa thôn, vẫn là những cô, những chị nông dân chân chất vừa rời tay khỏi khóm lúa, cây rau nhưng lại khá chuyên nghiệp, say sưa trong từng làn điệu chèo, từng khúc hát ru… mà đắm say, ngây ngất chẳng khác gì những nghệ sỹ thực thụ. Hôm nay đội văn nghệ thôn tập luyện một số tiết mục hát, múa để chuẩn bị cho kỷ niệm 72 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Chị Hoa là một trong những thành viên cao tuổi nhất của đội văn nghệ thôn đang "phân vai" cho từng "nghệ sỹ" trong tiết mục này. Tiếng nhạc mở ra, các nghệ sỹ chân đất cất vang lời bài hát "Thư tình của núi". Không còn vẻ bẽn lẽn, hồn hậu của người phụ nữ thôn quê, các chị như hóa thân vào nhân vật, vào khúc hát sôi nổi. Những bàn tay chỉ quen cấy, quen cầy nhưng nay cầm chiếc quạt xòe vẫn mềm mại, uyển chuyển trong các điệu múa, lời ru…
Trò chuyện với các chị được biết, hiện nay đội văn nghệ của thôn có hơn 20 thành viên, trong đó 100% thành viên là nông dân. Bận rộn, vất vả với công việc nhà nông, song chị em đều tích cực tham gia vào đội văn nghệ như cách để khiến cuộc sống tươi đẹp hơn. Chị Hoa cho biết, vợ chồng chị sinh được hai người con. Cả hai con của chị đều đang theo học đại học, để có tiền cho con ăn học, vợ chồng chị cấy 2 mẫu ruộng, ngoài ra phải bươn chải thêm nhiều nghề khác. Vất vả là vậy, nhưng khi đội văn nghệ thôn được thành lập thì chị Hoa là một trong những người đầu tiên tích cực tham gia và vận động chị em trong thôn cùng tham gia. Chị Hoa cười vui vẻ, chị em chúng tôi mới cấy xong chừng một tháng nay. Hiện tại, ai cũng bận rộn với việc chăm sóc lúa. Dù bận rộn, song tối nào chúng tôi cũng dành 2 tiếng đồng hồ để ra nhà văn hóa thôn tập văn nghệ. Ai cũng hăng say, phấn khởi mà không vướng bận một nỗi lo âu, vất vả. Những bài hát, những điệu múa giúp chúng tôi quên đi mọi nhọc nhằn, lo toan trong cuộc sống, để rồi như được tiếp thêm nguồn năng lượng mới để tiếp tục công việc của nhà nông và xây đắp một cuộc sống gia đình hạnh phúc hơn… Tập văn nghệ để vui, để thêm tin yêu cuộc sống, song ai cũng cố gắng để nâng cao chất lượng các tiết mục văn nghệ, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc biểu diễn các khúc hát ru, coi đây là một cách để nâng niu, gìn giữ và lan tỏa các điệu hát ru truyền thống đến với thế hệ trẻ.
Chị Phạm Thị Chinh năm nay 46 tuổi, là một trong những giọng hát ru chính của đội. Chị Chinh kể, ở thời đại nào cũng vậy, tuổi thơ của trẻ em nông thôn thường vất vả hơn ở thành thị, nhưng bù lại, trẻ em nông thôn lại có nhiều ký ức đẹp, đáng nhớ. Tuổi thơ của chúng tôi chẳng có gì, lớn lên nhờ củ sắn, củ khoai và những lời ru à ơi của bà, của mẹ bên tiếng võng kẽo kẹt những trưa hè… Mỗi lần cất tiếng hát ru là ký ức về sự lam lũ, tảo tần của bà, của mẹ, là mùi mồ hôi lẫn với mùi ngai ngái của bùn đất như hiện về thật gần. Giờ đây, cuộc sống đã đổi thay nhiều, trẻ em cũng được nuôi dạy tốt hơn với nhiều loại hình giải trí hiện đại hơn. Song, giá trị của những khúc hát ru thì vẫn còn vẹn nguyên, chỉ tiếc rằng ít người dùng khúc hát ru để nuôi dưỡng tuổi thơ cho con em mình. Vì vậy, khi thành lập đội văn nghệ, bên cạnh tập luyện các bài hát cách mạng, những ca khúc ca ngợi quê hương, tình yêu đôi lứa thì chúng tôi chú trọng đến việc đưa các bài hát ru truyền thống trở lại. Những khúc hát ru với những ngôn từ đơn giản, đậm sắc màu cuộc sống chính là cách để răn dạy con cháu phải luôn cố gắng sống gắn bó, yêu thương gia đình, cộng đồng hơn.
Ông Nguyễn Sỹ Tuệ, Trưởng thôn Kiến ái, là người tâm huyết với hoạt động của đội văn nghệ thôn cho rằng, ở miền quê yên ả này, phụ nữ có nhiều thiệt thòi. Các chị ít được tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao sau những ngày làm việc vất vả của nhà nông. Bởi vậy, ngay khi có chủ trương thành lập đội văn nghệ, ông và bà con trong thôn rất ủng hộ. Để có kinh phí hoạt động, đa số do các hội viên tự nguyện đóng góp, ngoài ra người dân trong thôn cũng nhiệt tình ủng hộ để mua sắm trang phục biểu diễn. Không chỉ biểu diễn phục vụ bà con vào những ngày lễ, tết, đội văn nghệ còn thường xuyên tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của địa phương tới nhân dân dưới hình thức sân khấu hóa, được nhân dân tiếp nhận rất hiệu quả. Không chỉ mang lời ca tiếng hát để thêm yêu cuộc sống, góp phần xây dựng văn hóa cho thôn, làng mà qua những buổi gặp gỡ giao lưu ấy, chị em được chia sẻ với nhau những kinh nghiệm trọng xây dựng hạnh phúc gia đình, dạy con ngoan ngoãn. Đây cũng là nơi để chị em có dịp cùng nhau tâm sự những buồn, vui trong cuộc sống để mọi phiền muộn tiêu tan, chỉ còn lại tình yêu, hạnh phúc và niềm tin lắng đọng thành câu hát, điệu múa hăng say.
Đào Hằng