Thơ Đường là một thể thơ khó, ngày nay không có nhiều người sáng tác theo thể thơ này. Lý do là vì thơ Đường quy định rất chặt chẽ về niêm, luật, do vậy người "non tay bút" thường rất ngại viết. Phần khác, vì thơ Đường rất kén người viết và viết được cũng rất khó có bài hay nên thường chỉ những người ưa đời sống tâm tưởng một cách đầy đủ mới thích thể thơ này. Cho nên thơ Đường từ trong tinh thần sâu xa của nó mang một chút sang trọng, kiêu sa.
Trong lịch sử, chỉ có những trí thức Nho học mới sáng tác thơ Đường, những người thuộc tầng lớp bình dân, tất nhiên vẫn có nhưng số đó không nhiều và ít có người thành công. Ngày nay, tinh thần về thơ Đường có khác xưa, nhưng những người chơi thơ Đường cũng không nhiều. Nói cách khác, những người dự phần sân chơi này "ít mà tinh". Tập "Non nước Ninh Bình" được ví như tấm lòng trân quý của những người yêu thơ Đường mảnh đất Cố đô Hoa Lư lịch sử.
Ninh Bình là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với nhiều thắng tích cho nên không hẹn mà gặp, trong tập "Non nước Ninh Bình" rất nhiều thi nhân đã dành thi hứng của mình để ngợi ca vẻ đẹp của quê hương. Tác giả Phạm Định (Tam Điệp) viết về con đèo Ba Dội vừa nên thơ vừa ắp đầy huyền sử: Núi biếc thi nhân trao ý đẹp/ Non xanh nữ sỹ gửi tình sâu/ Cửu Chân sóng vỗ ru bờ cát/ Thiên lý nhạc reo giục vó câu/ Vương Ngự lệnh truyền vang bốn cõi/ Ba Đèo vọng mãi tiếng quân reo" (Nhạc Ba Đèo).
Nhà thơ Nguyễn Huy Hổ hóa thân làm lữ khách vãn cảnh những mong tìm dấu chân của người xưa: "Lối cũ đường gai mọc lấp/Dấu xưa nền quán đá nằm trơ/ Ngày đêm sương gió phơi đồi vắng/ Năm tháng nắng mưa phủ bụi mờ/ Thấp thoáng rừng chiều treo đỉnh dốc/ Bồng bềnh mây trắng quấn xanh lơ". Dấu tích người xưa chẳng thấy, lòng thi nhân dấy lên một nỗi cảm hoài. Cây bút Lý Đăng Khoa lại hướng cái nhìn về thắng cảnh Bích Động: "Một động đào nguyên xuyên núi biếc/Ba ngôi cổ tự điểm non xanh/Tiếng chuông rung động làn mây trắng /Nhịp mõ đung đưa sợi nắng hanh". Cảnh sắc đẹp tựa chốn Đào Nguyên đã khiến không chỉ Lý Đăng Khoa mà nhiều du khách nao lòng: "Lữ khách hồn treo nơi thủy mặc/Mơ màng kẻ sỹ tứ thơ bay" (Phạm Hồng Phi).
Và cả thắng tích núi Ngọc Mỹ Nhân cũng một lần lưu dấu trong thơ Đỗ Huy Thanh với vẻ quyến rũ tuyệt trần: "Vai trần ôm cả bầu trăng gió/Tóc xõa buông dài mây lụa trôi" hay trong thơ Phạm Hồng Tự: "Dục Thúy hồn thơ in cẩm thạch/ Cánh Diều tiên nữ dãi phong vân"... Và trong tất cả thắng cảnh của Ninh Bình không thể không nhắc tới danh thắng Tràng An. Nhà thơ Đinh Thế Vững trong một lần du ngoạn Tràng An đã ghi lại cảm xúc của mình: "Non kỳ vạn vẻ nghiêng trời bắc/Nhũ lạ mê cung lặng cánh bèo/ Nắng nhạt chùa xa mờ khói tỏa/ Thuyền về bến đợi cánh cò theo"... Phía sau câu chữ miêu tả lại vẻ đẹp của các danh lam thắng cảnh, không chỉ là sự miêu tả thuần túy mà gửi gắm trong đó những tình cảm sâu nặng, niềm tự hào về mảnh đất Ninh Bình tươi đẹp.
Tập thơ "Non nước Ninh Bình" ngoài phần ngợi ca những thắng tích, các tác giả cũng dành nhiều sự quan tâm đến những những chủ đề khác như: Tình cảm quê hương, gia đình, nỗi trăn trở về thế sự... Hình ảnh quê hương qua cái nhìn của mỗi tác giả có một hình dung khác nhau. Với Nguyễn Thị Thu Hà quê hương là cảnh thanh bình: "Bờ đê gió thổi diều bay bổng/Nẻo xóm sương nhòa vạn nắng trong". Còn với Vũ Trọng Hiến, lại "vẽ" quê hương theo một mảng màu khác. Quê hương trong ông là nỗi niềm rưng rưng khi mỗi chiều về: "Khói bạc đôi làn bay mái bếp/Trăng vàng một mảnh gác cành tre". Hình ảnh quê hương với "làn khói bạc", mảnh "trăng vàng" đẹp, bình yên nhưng vẫn đượm màu tâm trạng. Còn quê hương của nhà thơ Thi Hoàng lại thu về một góc nhỏ, nơi đó có gia đình, có nỗi niềm riêng của cảnh huống: "Chàng đi bỏ bóng sầu đơn lẻ/Thiếp lại mơ hình lệ xót thương" và một mùa đông cô quạnh, nỗi nhớ sâu xa đọng vào trong ánh nhìn: "Đông về đẩy nhạt sắc mơ phai/Nỗi nhớ đọng vào ánh mắt ai". Nỗi nhớ đọng vào ánh mắt hay nỗi buồn thẳm sâu tận đáy tâm hồn...
Xét về phương diện hình thức nghệ thuật, tập thơ đã đạt được những giá trị nhất định, nhất là về phương diện ngôn ngữ. Ngôn ngữ trong các bài thơ được nhiều tác giả sáng tạo trau chuốt, có giá trị biểu cảm cao. Về mặt thể loại, đa phần các bài thơ trong tập thơ đều sử dụng thể thơ thất ngôn bát cú (tức 8 câu, 7 chữ), thể thơ tương đối phổ biến của thơ Đường. Các thi phẩm sử dụng các thể ngũ ngôn hay thất ngôn tứ tuyệt không nhiều.
Nhìn chung các tác giả đều tuân thủ các quy định khắt khe về niêm luật (bằng, trắc), về bố cục bài thơ (với các phần đề, thực, luận, kết), do vậy, các sáng tác đảm bảo tính chặt chẽ theo hình thức thể loại của thơ Đường. Tuy nhiên vẫn có một số ít tác giả vẫn còn tình trạng gieo vần gượng ép, làm hạn chế sự hàm tải nội dung, tư tưởng tập thơ. Tuy nhiên với một tập thơ của những hội viên thơ quần chúng khó mà đòi hỏi cao hơn, và điều này cũng có thể thông cảm được.
Giá trị của tập thơ không chỉ nhìn ở những phương diện nội dung, nghệ thuật mà còn ghi nhận ở tấm lòng của những người yêu mến thơ Đường- một thể loại văn học được xem như di sản của văn hóa truyền thống. Và trong bối cảnh có sự lấn át mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông, giải trí hiện đại, nhiều thành tố văn hóa truyền thống có nguy cơ bị mai một thì sự ra đời của tập "Non nước Ninh Bình" chính là một sự lựa chọn dũng cảm. Việc sáng tác các thi phẩm không đơn thuần là một hình thức giải trí, mà chính là tấm lòng của những người còn nặng lòng với văn hóa truyền thống, với sứ mệnh cao cả là gìn giữ và phát huy những tinh hoa văn hóa mà lớp tiền nhân đã để lại.
Bài, ảnh: Đức Bá