Quần thể danh thắng Tràng An nằm trên địa bàn 20 xã, phường thuộc thành phố Ninh Bình, các huyện Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan và thị xã Tam Điệp. Là một khu vực rộng lớn với diện tích vùng lõi 6.172 ha, bao gồm gần toàn bộ các dãy núi đá vôi và được bao quanh bởi vùng đệm 6.079 ha. Có thể nói, thiên nhiên đã ưu ái cho Ninh Bình một vùng sơn kỳ, thủy tú…Quần thể danh thắng Tràng An chứa đựng trong đó những giá trị thiên nhiên, văn hóa… Di tích Cố đô Hoa Lư, Khu danh thắng Tràng An, Tam Cốc- Bích động, khu rừng đặc dụng Hoa Lư- chùa Bái Đính. Có người ví, Tràng An như một bức tranh thủy mặc với hệ thống núi đá vôi, hang động muôn hình vạn trạng, cùng hệ thống sông, suối tuyệt đẹp chảy trong thung lũng. Tràng An là một trong địa danh hiếm hoi sở hữu thảm thực vật, rừng nguyên sinh cùng hệ sinh thái đất ngập nước vô cùng phong phú, nguyên sơ.
Không chỉ đặc biệt bởi vẻ đẹp tự nhiên, vùng đất Tràng An từ thời xa xưa đã là nơi cư ngụ của người Việt cổ. Nhiều di chỉ khảo cổ học mới được phát hiện đã cho thấy, Tràng An giúp chúng ta tái hiện và giúp chúng ta hiểu được người tiền sử đã thích nghi với biến cố lớn về môi trường. ít nhất là từ 23 nghìn năm trước, một số nền văn hóa thời tiền sử đã được tiến hóa liên tục ở khu vực này. Từ thời đại đồ đá cũ, qua thời đá mới đến thời đại đồ đồng và đồ sắt kéo dài ít nhất 30 nghìn năm. Cũng ở đây vào thế kỷ X, kinh đô Hoa Lư của nước Đại Cồ Việt đã hình thành mở nền độc lập, tự chủ thịnh vượng cho các thời đại kế tiếp của quốc gia Đại Việt, là tiền đề để tiến ra vùng trung tâm đồng bằng Bắc bộ và lập đô ở Thăng Long. Những giá trị vẫn còn lưu dấu với hàng trăm di tích văn hóa, lịch sử nghệ thuật kiến trúc, tâm linh như đình, đền, chùa, phủ…qua các thời kỳ. Nổi bật là đền vua Đinh, vua Lê, chùa Bái Đính, động Thiên Tôn, động Hoa Lư….
Hiện tại trong khu vực Di sản Quần thể danh thắng Tràng An nhiều di tích danh thắng đã được nhận diện, lập hồ sơ xếp hạng. Trong đó đang được các cấp, ngành quản lý là: 18 di tích cấp tỉnh, 21 di tích cấp quốc gia, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt. Giá trị nổi bật toàn cầu của Tràng An được công nhận dựa trên 3 trụ cột chính quy định tại hướng dẫn thực hiện công ước bảo vệ di sản văn hóa, thiên nhiên của thế giới, trong đó Tràng An được tiêu chí về văn hóa, vẻ đẹp thẩm mỹ, địa chất địa mạo. Với những giá trị to lớn đó, Tràng An được 100% số phiếu tán thành của các nước thành viên ủy ban Di sản thế giới UNESCO ghi danh Tràng An là Di sản thế giới theo các tiêu chí hỗn hợp văn hóa và tự nhiên.
Theo giới chuyên gia kinh tế du lịch, nếu nhìn từ góc độ văn hóa thì danh thắng Tràng An được tổ chức UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới với nhiều chiều giá trị của nó mà chắc chắn chúng ta vẫn chưa khám phá hết. Đó là một niềm vinh dự, tự hào không chỉ của Ninh Bình, mà còn của cả Việt Nam. Tuy nhiên đi liền với niềm vinh dự và tự hào ấy là trách nhiệm và thách thức không nhỏ. Đó là làm thế nào để tiếp tục bảo tồn và phát huy có hiệu quả Di sản văn hóa thế giới Quần thể danh thắng Tràng An tương xứng với danh hiệu được phong tặng và xứng đáng với vùng đất Cố đô vốn nổi tiếng là địa linh - nhân kiệt trong lịch sử dân tộc. Quả thật lập hồ sơ để được công nhận Di sản văn hóa thế giới đã khó, nhưng bảo tồn và phát huy có hiệu quả chắc chắn còn khó hơn nhiều.
Muốn làm điều đó, Ninh Bình cần tuân thủ chặt chẽ các khuyến nghị của ủy ban UNESCO trong quản lý, bảo vệ giá trị nổi bật toàn cầu, sự toàn vẹn của di sản. Theo đó, các cấp, ngành cần phải xác định những việc cần làm ngay, như: vệ sinh môi trường, giữ gìn cảnh quang và xây dựng nếp sống văn minh du lịch; tiếp tục tuyên truyền trên các phương tiện đại chúng giúp cho người dân hiểu được giá trị của Di sản để tránh xâm hại đến di sản, đồng thời phát triển du lịch một cách hài hòa, đồng bộ, từ đó góp phần quảng bá cho du khách trong nước và đặc biệt là khách quốc tế.
Thực hiện các quy định và công ước của UNESCO, tỉnh Ninh Bình đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng quy hoạch tổng thể Quần thể danh thắng Tràng An theo đúng công ước quốc tế về Di sản. Xây dựng Tràng An thành một trong những khu du lịch trọng điểm của quốc gia, là điểm đến hấp dẫn của du khách quốc tế. Đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng giúp Ninh Bình quản lý các hoạt động đầu tư xây dựng, bảo tồn di tích văn hóa, địa chất, địa mạo và khảo cổ học gắn với du lịch bền vững trong khu vực di sản.
Tỉnh Ninh Bình đã xây dựng kế hoạch quản lý, kế hoạch phân vùng giá trị nổi bật toàn cầu của di sản và tăng cường công tác bảo vệ di sản, nêu rõ trách nhiệm của Ban quản lý, các sở, ngành, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp và toàn dân trong việc tham gia giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Tiếp tục làm tốt công tác an ninh trật tự, tăng cường công tác kiểm tra giám sát bảo vệ tại các di tích lịch sử văn hóa cũng như hoạt động đầu tư, khai thác dịch vụ du lịch khu vực di sản, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong khai thác tài nguyên, khoáng sản phạm vi vùng lõi của di sản… Cùng với đó thực hiện các dự án trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa đã xuống cấp. Tôn tạo cảnh quan thiên nhiên trong khu vực danh thắng theo đúng quy hoạch được duyệt. Năm qua, ngành Du lịch Ninh Bình đã chú trọng đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ lao động làm du lịch...
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Quang Nghĩa cho biết: Trước mắt, Ninh Bình cần thực hiện tốt theo Luật của Di sản. Tạo mọi điều kiện, kêu gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp làm du lịch, các địa phương và người dân chung tay xây dựng, bảo tồn và phát huy Di sản. Năm 2015, ngành Du lịch Ninh Bình phấn đấu đón 4,5 triệu lượt khách, doanh thu đạt 1.200 tỷ đồng. Để đạt được chỉ tiêu đó, các cấp, ngành, doanh nghiệp du lịch cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang thông tin điện tử của địa phương và Trung ương, xuất bản các ấn phẩm quảng bá, giới thiệu về du lịch Ninh Bình, như: Bộ sách ảnh "Ninh Bình- mảnh đất níu chân người", sách "Cẩm nang du lịch Ninh Bình"… Phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho người lao động tại các đơn vị kinh doanh du lịch và nâng cao kiến thức du lịch cộng đồng cho người dân làm dịch vụ, du lịch tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
Nguyễn Minh