I. Khái quát tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Bình
Nằm ở phía Nam đồng bằng sông Hồng, tỉnh Ninh Bình có diện tích gần 1.400 km2; dân số: 982.487 người, có 8 đơn vị hành chính cấp huyện (2 thành phố và 6 huyện), 21% dân số sống ở đô thị và 79% dân số sống ở nông thôn.
Những năm qua, kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Năm 2019, tốc độ tăng trưởng (GRDP) đạt 10,09%, tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 15.280 tỷ đồng (năm cao nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay).
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; nông nghiệp tiếp tục phát triển, phong trào xây dựng Nông thôn mới đạt kết quả tốt; văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao.
Công tác xúc tiến đầu tư được quan tâm, công tác đối ngoại được mở rộng; quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường; an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường; hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên rõ rệt.
II. Tình hình phát triển du lịch Ninh Bình
1. Tài nguyên du lịch
Ninh Bình có nguồn tài nguyên du lịch phong phú với nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng và môi trường sinh thái tự nhiên có giá trị. Địa hình đa dạng, phân bố 3 vùng tương đối rõ rệt mang đầy đủ sắc thái của nước Việt Nam thu nhỏ: Vùng núi cao, đồng bằng, vùng ven biển.
Với 3/4 diện tích là đồi núi, địa hình karst đa dạng, hệ động thực vật phong phú đã hình thành nhiều khu du lịch có cảnh quan thiên nhiên đẹp, hấp dẫn khách du lịch, nổi tiếng như: Tam Cốc - Bích Động, Vườn quốc gia Cúc Phương, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, Biển Kim Sơn - Cồn Nổi; hệ thống hồ: Đồng Chương, Yên Thắng, Đồng Thái,…
Đặc biệt, ngày 25/6/2014, Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới đã tạo thế và lực mới cho du lịch Ninh Bình phát triển, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và là trung tâm du lịch của vùng, của cả nước.
Ninh Bình là vùng đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa với 1.499 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 02 di tích quốc gia đặc biệt, 79 di tích xếp hạng cấp quốc gia; 279 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Một số di tích lịch sử văn hóa quan trọng, bao gồm: Cố đô Hoa Lư, Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng, Đền thờ Vua Lê Đại Hành, Đền Thái Vy, Đền Đức Thánh Nguyễn, Đền Trương Hán Siêu, Chùa Bái Đính, Chùa Bích Động, Chùa và động Địch Lộng, Chùa Non Nước, Chùa Nhất Trụ, Nhà thờ đá Phát Diệm… Nơi đây là Kinh đô của Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam tồn tại 42 năm (từ năm 968-1010) gắn liền với ba vương triều: Nhà Đinh, Nhà Tiền Lê và Nhà Lý.
Bên cạnh những di tích lịch sử văn hóa, Ninh Bình còn nhiều những giá trị văn hóa phi vật thể nổi tiếng, những lễ hội, những làn điệu chèo, hát văn, hát xẩm và văn hóa ẩm thực độc đáo.... trong đó có trên 260 lễ hội truyền thống, nhiều lễ hội đặc sắc được khách du lịch trong nước và quốc tế biết đến như: Lễ hội Hoa Lư (lễ hội Trường Yên), Lễ hội đền Thái Vy, Lễ hội chùa Địch Lộng, Lễ hội chùa Bái Đính, Lễ hội Báo bản Nộn Khê, Lễ hội đền Nguyễn Công Trứ, Lễ hội Tràng An…
Nơi đây cũng là đất tổ của nghệ thuật hát Xẩm, hát Chèo và nhiều làng nghề truyền thống tiêu biểu như: Làng nghề thêu truyền thống Văn Lâm, các làng nghề chế biến cói mỹ nghệ Kim Sơn, làng nghề chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân, làng nghề gốm cổ Bồ Bát…
Với phong tục, tập quán văn hóa truyền thống lâu đời đã tạo nên nét độc đáo, hẫp dẫn đặc biệt trong văn hóa ẩm thực Ninh Bình với nhiều món ăn nổi tiếng như: Tái dê, Nhất hưởng thiên kim (cơm cháy), Nem Yên Mạc (Yên Mô), Rượu Kim Sơn (Lai Thành), Mắm tép Gia Viễn, Rượu cần Nho Quan… và các giá trị văn hóa dân tộc (Chủ yếu là các giá trị văn hóa Mường ở Nho Quan).
(Còn nữa)