Phải bắt đầu từ người dân Một chiều cuối tuần tháng 4, chúng tôi có mặt tại bến đò Khu du lịch danh thắng Tràng An, từng đoàn người tấp nập ra về sau một ngày tham quan những cảnh quan kỳ thú của vùng đất cố đô. Tình cờ tôi gặp gia đình chị Nguyễn Thị Tám (huyện Đại Từ- Thái Nguyên), chị cho biết: Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết Ninh Bình có rất nhiều danh lam thắng cảnh đẹp và hấp dẫn. Gia đình tôi mãi mới bố trí được thời gian để đi du lịch nhưng đến đây chúng tôi thực sự thất vọng về cách phục vụ của những người lái đò. Chúng tôi được chỉ định là xuống số đò 608 nhưng vừa bước chân xuống, người lái đò đã mắng và đuổi chúng tôi xuống đò. Anh lái đò cho biết là hôm nay anh đã hợp đồng với khách nước ngoài rồi nên không muốn trở khách Việt Nam. Mặc dù cảnh quan Ninh Bình rất đẹp nhưng thái độ phục vụ của người lái đò đã làm cho chúng tôi mất hết thiện cảm với du lịch Ninh Bình. Bên cạnh đó, việc tổ chức tại bến thuyền Tràng An cũng chưa được nền nếp. Khách du lịch sau khi mua vé phải tự tranh giành nhau để xuống thuyền chứ không có sự sắp xếp của tổ chức nào.
Thời gian qua, ngành Du lịch Ninh Bình cũng như các đơn vị kinh doanh du lịch đã có sự nỗ lực rất nhiều để làm thay đổi môi trường du lịch nhưng vẫn có những "con sâu" làm mất đi hình ảnh của Ninh Bình đối với du khách. Ông Chu Văn Tứ, Giám đốc khách sạn Yến Nhi (Hoa Lư) cho biết: Cung cách làm du lịch của một số người dân ở Khu du lịch Tam Cốc- Bích Động rất đáng phải bàn. Cứ có khách đi tham quan về là từng đoàn người chụp ảnh bám theo chèo kéo, ép khách lấy ảnh trông rất phản cảm và gây phiền phức cho khách du lịch. Quần thể danh thắng Tràng An đang có cơ hội rất lớn để trở thành di sản thế giới, đây sẽ là bước ngoặt cho ngành Du lịch Ninh Bình. Nhưng muốn khai thác tốt nguồn tài nguyên du lịch vô giá này thì việc đầu tiên mà chính quyền cũng như bản thân mỗi đơn vị, cá nhân phải làm đó là thay đổi môi trường du lịch. Thiết lập lại kỷ cương, trật tự ở các khu, điểm du lịch để tạo cho du khách ấn tượng về Ninh Bình đẹp và thân thiện.
Các cấp, các ngành cùng vào cuộc
Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nên việc cải thiện môi trường du lịch có ý nghĩa hết sức quan trọng cho sự phát triển hiệu quả và bền vững. Công việc này đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các địa phương một cách thường xuyên, liên tục. Đồng chí Lâm Quang Nghĩa, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành Quy định về bảo vệ môi trường đối với việc lưu chứa và vận chuyển nguyên liệu, sản phẩm công nghiệp gây bụi, chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh; Quy chế về quản lý, khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường du lịch; Quy định về bảo vệ tài nguyên rừng, hệ thống núi đá vôi, hang động và các loài động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh; Quy chế phối hợp và bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh... Đây là các căn cứ pháp lý quan trọng để bảo vệ, khai thác có hiệu quả, hợp lý các tài nguyên du lịch và bảo vệ môi trường du lịch một cách bền vững
Bên cạnh đó, công tác đảm bảo vệ sinh, môi trường tại các cơ sở kinh doanh du lịch và các khu, điểm du lịch luôn được quan tâm, chú trọng; tại các khu, điểm du lịch đều có các đội thu gom và xử lý rác thải. Ngoài các nhà vệ sinh do các doanh nghiệp đầu tư ở các khu, điểm du lịch, UBND tỉnh đã đầu tư xây dựng mới nhà vệ sinh tại Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư và hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhà vệ sinh tại Nhà thờ đá Phát Diệm, động Địch Lộng, động Thiên Tôn, đền Thái Vi, vườn Quốc gia Cúc Phương... Qua đó, Ninh Bình được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá là một trong những địa phương có hệ thống nhà vệ sinh tại các khu, điểm du lịch tương đối tốt.
Cùng với công tác bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch, tỉnh cũng đã có nhiều nỗ lực để đảm bảo an ninh trật tự và quản lý các hoạt động dịch vụ tại các khu, điểm du lịch. Công tác phối hợp, đảm bảo an ninh trật tự và các hoạt động dịch vụ tại các khu, điểm du lịch được các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ và có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, năm 2013, tại Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, Khu du lịch tâm linh núi Chùa Bái Đính, toàn bộ các dịch vụ như: Bán hàng, ăn uống, đổi tiền, viết sớ được đưa ra ngoài khuôn viên các di tích, được bố trí, sắp xếp tại bãi đỗ xe, thuận tiện cho du khách và đảm bảo trật tự, văn minh. UBND huyện Hoa Lư, huyện Gia Viễn đã xây dựng quy chế phối hợp đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, đồng thời kiện toàn bộ máy quản lý điều hành cho phù hợp với hoạt động của khu du lịch. Tại các khu, điểm du lịch, lực lượng Công an tỉnh, Công an huyện luôn làm nòng cốt chỉ đạo, phối hợp với Công an xã và lực lượng bảo vệ của các đơn vị tham gia bảo đảm an ninh trật tự, cụ thể: Tại Khu du lịch tâm linh núi Chùa Bái Đính đã thành lập Đồn Công an Gia Sinh, tại Tam Cốc - Bích Động và Cố đô Hoa Lư, đã thành lập 2 trạm công an, kịp thời phát hiện, giải quyết các vụ việc phát sinh, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Sự nỗ lực, cố gắng của các cấp chính quyền và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh thời gian qua rất đáng ghi nhận, nhưng kết quả đạt được vẫn chưa như mong muốn. Tình trạng chèo kéo, ép khách vẫn còn xảy ra ở các khu, điểm du lịch; việc kinh doanh mang tính "chộp giựt" vẫn còn tồn tại ở một số nhà hàng, khách sạn... làm xấu đi hình ảnh du lịch Ninh Bình. Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến về cải thiện môi trường du lịch Việt Nam, tổ chức ngày 6-6, Chính phủ đã đặt nhiệm vụ trọng tâm là cải thiện môi trường du lịch. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương phải đề cao trách nhiệm, thực hiện quy hoạch phát triển du lịch hợp lý, nghiên cứu cơ chế phối hợp về bảo đảm môi trường, an ninh, an toàn, giải quyết tình trạng chèo kéo, ép giá khách du lịch; bảo đảm môi trường phục vụ khách du lịch văn minh, lịch sự... Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương tập trung đào tạo nhân lực cho ngành du lịch; tăng cường tập huấn nâng cao ý thức về cải thiện môi trường du lịch cho người dân; đẩy mạnh tuyên truyền, biểu dương, công nhận những đơn vị đạt chuẩn về kinh doanh du lịch, khắc phục những bất cập, tồn tại, hướng đến nâng cao chất lượng du lịch Việt Nam.
Thiết nghĩ, cải thiện môi trường du lịch là việc làm cần thiết và phải tiến hành ngay từ bây giờ. Theo định hướng này, vấn đề mà tỉnh ta cần thực hiện đó là tăng cường quản lý Nhà nước về du lịch; xây dựng nếp sống văn minh, nâng cao hiểu biết và ý thức trách nhiệm của các cấp chính quyền, các tổ chức và mọi người dân nhằm tạo môi trường thân thiện, an toàn để nâng cao chất lượng của hoạt động du lịch một cách bền vững, tạo sức thu hút mạnh mẽ đối với khách du lịch trong nước và quốc tế...
Nguyễn Thơm