Theo dòng lịch sử, dòng Sào Khê có từ thời triều Đinh, Lê, đây là con sông nối liền sông Đáy với sông Hoàng Long. Sông có chiều dài trên 14km, chạy dọc theo những sườn non, triền động, những lòng thung xanh mướt lúa đồng. Từ thế hệ này sang thế hệ khác, người dân truyền nhau câu chuyện huyền thoại về sự tích vua Đinh. Đó là khi ông Đinh Công Trứ thoái chức quan từ miền Hoan ái về An Trí ở quê hương. Trên đường về, đến vùng đất này đường xa đã mệt, lại thấy cảnh trí nên thơ, non bồng nước nhược, cả đoàn bèn dừng chân nghỉ lại. Bà Đàm Thị, vợ Đinh Công Trứ bèn chọn một phiến đá, cây xanh tỏa bóng, những cơn gió rì rào, thoáng nhẹ như lời ru, bà thiếp đi lúc nào không biết. Vào lúc đang chìm trong giấc điệp, có một con rái cá trườn qua người bà, rồi ít lâu sau bà mang thai, sinh hạ được một người con trai đặt tên là Đinh Bộ Lĩnh. Phải chăng trong trí tưởng tượng của người xưa muốn tạo nên từ Đinh Bộ Lĩnh là một nhân vật đầy chất huyền thoại xuống trần để phò dân cứu nước? Những người lái đò ở đây, với cái thổ ngữ trầm ấm còn say sưa kể cho chúng tôi nghe câu chuyện huyền thoại về núi Trạng Nguyên, núi Hòm Sách. Và có lẽ du khách về đây bị cuốn hút bởi một vùng sinh thái có non nước hữu tình, có thiên nhiên kỳ thú và đặc biệt hơn là những câu chuyện lịch sử của cả 3 triều đại Đinh- Lê- Lý, kể cả chính sử và huyền thoại.
Mỗi câu chuyện đều là những khúc tráng ca, thấm đượm. Du khách đến đây, kể cả khách quốc tế đều mở lòng với con người, với non sông gấm vóc trên đất Cố đô. Đã có chuyện một vị khách quốc tế mải ngắm những bông lau lơ phơ trên tiền núi mà bất ngờ ngã thuyền, khi người lái đò cầm tay ông kéo lên, ông cười hiền như một đứa trẻ. Ông là một du khách Pháp, một chuyên gia lịch sử, đã có mặt ở nhiều châu lục, quốc gia nhưng ông chưa thấy nơi nào như ở đây-một vùng Cố đô được thiên nhiên ban tặng một cảnh trí ngoạn mục, mộng mơ với hệ thống hang động kỳ thú, sông núi giăng thành, thật lý tưởng du lịch sinh thái tâm linh.
Mùa nước nổi, cả dòng Sào Khê căng tràn, mùa nước cạn, mặt sông như mặt gương trong càng trở nên thơ mộng, diệu huyền. Dòng Sào Khê như sợi chỉ căng ngang nối liền sông Hoàng Long với sông Đáy chảy xuyên qua 4 xã Trường Yên, Ninh Xuân, Ninh Thắng, Ninh Tiến.
Theo truyền thuyết mà người xưa truyền lại, xuất phát điểm ban đầu là sông "Tào Khê" có nghĩa là vận chuyển đường thủy. Vua Lý Công Uẩn, một chiều đứng bên dòng sông mênh mang sóng vỗ, nhìn con đò rẽ nước, lòng dạt dào cảm xúc mà đặt tên sông là Sào Khê. Từ đó đã hơn nghìn năm đi qua, người đời quen gọi là sông Sào Khê. Con sông đã thành chứng nhân lịch sử tiễn vua tôi nhà Lý dời đô về thành Đại La (Thăng Long - Hà Nội ngày nay) mở ra một trang mới trong lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Đến với cố đô Hoa Lư, đến với dòng Sào Khê huyền thoại, du khách được thả mình giữa một không gian đằm thắm, mộng mơ, với một hệ thống đền, để được dâng nén tâm hương lên các đấng tiền nhân mà tri ân, mà hồi tưởng… Du lịch tâm linh, du lịch sinh thái đang được người dân ở đôi bờ sông Sào Khê tổ chức, khai thác có hiệu quả.
Vào thời điểm này, đã có ít nhất trên 200 gia đình ở đây tham gia làm du lịch. Một nét mới trong phục vụ du lịch sinh thái, du lịch tâm linh ở đây là không đơn thuần chỉ chở đò, hướng dẫn du khách đến tham quan các đền, di tích, hang động mà không ít gia đình theo yêu cầu của du khách đã phục vụ những bữa ăn đồng quê, mà dư vị của nó đã níu kéo không ít người, thu hút ngày một đông hơn du khách đến với Cố đô Hoa Lư, với dòng Sào Khê.
Đến với phương thức làm ăn mới này ít ai không biết đến gia đình ông Đỗ Văn Hoàn ở gần kề với con sông. Tuy căn nhà không khang trang nhưng thoáng mát, gọn gàng, sạch sẽ, cả khuôn viên khu vườn là cả một thảm xanh bởi cây trái được trồng tỉa công phu. Đã có những tháng, ông và gia đình phục vụ vài chục đoàn khách đến ăn cơm tại nhà. Món ăn toàn những thứ có sẵn ở chợ quê ông: cá rô Tổng trường rán giòn, cá quả hấp bia, canh trai nấu mướp, thịt ba chỉ luộc chấm mắm chua, rau bí xào. Một bữa ăn ngon lành bởi màu sắc, dư vị của từng món ăn và cả không gian thoáng mát, sạch sẽ, tiếng mời chào mộc mạc nhưng ấm cúng của người dân quê.
Và từ đó, mỗi tháng, ông tiếp hàng chục đoàn du khách cả trong nước và quốc tế, có không ít đoàn trở lại lần thứ 2, thứ 3. Họ đến với ông như về nhà, tay bắt, mặt mừng. Đường xa, mệt mỏi họ cứ lên giường, lên võng nằm thư giãn nói cười ríu ran mà người ngoài nhìn vào ngỡ như không còn khoảng cách giữa chủ và khách. Nhiều lần họ còn đề nghị cả nhà dọn cơm ăn cùng cho vui vẻ.
Ông Hoàn say sưa kể: cái ẩm thực đồng quê bao giờ cũng có sức hút kỳ lạ, mà toàn những thứ được bày bán ở phiên chợ Trường Yên. Những con cá rô được đánh bắt từ những triền hang, lòng động chuyên ăn những loại phù du nên con to, con nhỏ đều béo mẫm, ánh lên một màu vàng cháy, được kho tộ, được rán lên hương vị, màu sắc đã rất hấp dẫn. Rồi giống cá quả, cá thiều, cá mương, cá diếc ở vùng đồng trũng này càng về mùa đông được tích mỡ càng béo, nấu dấm mùng, canh chua thì không loại đặc sản nào sánh được. Những con cua núi được bắt từ hang đá, con nào con nấy béo tròn béo trục, gạch cua vàng, thịt trắng, ngọt đậm, nhiều người khi được thưởng thức còn nhờ mua về làm quà cho người thân.
Đã có lần đứng bên dòng Sào Khê, nhìn những chàng trai trên đất Cố đô lặn ngụp trên sông, bắt những con trai béo mập, to như bàn tay mà không phải dòng sông nào cũng có, mấy chị từ trong thôn ra chờ sẵn để thu mua. Thấy tôi có vẻ tò mò, các chị bảo mấy gia đình chúng tôi thường được các đoàn khách đặt cơm, cứ phải mua sẵn cho vào trong bể để có cái chế biến phục vụ khách. Đây là món khoái khẩu được cả khách trong nước, ngoài nước ưa thích.
Những năm gần đây, hàng tỷ đồng đã được đầu tư cho việc nạo vét dòng sông, giúp cho dòng Sào Khê như rộng ra, sâu hơn, hàng trăm con thuyền có một không gian thoáng đãng hơn, phục vụ du khách về đây chiêm bái, thưởng ngoạn, giúp du lịch sinh thái, du lịch tâm linh trên đất Cố đô xưa thêm hưng thịnh và phát triển. Và dòng Sào Khê mãi là điểm đến hấp dẫn của du khách.
Ký: Lê Liêu