* Kỳ 1: Tầm nhìn xa, tư duy chiến lược
* Kỳ 2: Những bài học mang tính kế thừa và phát triển
* Kỳ 3: Kiên trì, quyết liệt trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng
* Kỳ 4: Ba trụ cột phát triển kinh tế
Đây là một trong những nét mới nổi bật mang tính đột phá, chiến lược trong Báo cáo Chính trị lần này nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh của tỉnh so với các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước; phù hợp với định hướng lớn về phát triển kinh tế mà trong Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh: "Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo bước chuyển căn bản nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng trên cơ sở tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp thích ứng với yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư".
Những đòi hỏi từ thực tiễn
Trong phương hướng, mục tiêu của nhiệm kỳ 2020-2025, Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII nhấn mạnh: "…huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội với công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao, công nghệ sạch, nông nghiệp hữu cơ, tiên tiến; tập trung phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn".
Có thể thấy, 3 trụ cột kinh tế trong nhiệm kỳ 2020-2025 đã được định hình rõ nét trong Báo cáo Chính trị và những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về phát triển kinh tế cũng xoay quanh trục của 3 trụ cột này, đó là: công nghiệp phụ trợ công nghệ cao, công nghệ sạch; nông nghiệp hữu cơ, tiên tiến; phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Đây là sự lựa chọn quan điểm phát triển, hướng đi, lĩnh vực ưu tiên vừa có tính kế thừa, vừa có tính đột phá, phù hợp với sự vận động, phát triển của nền kinh tế trong nước, khu vực và thế giới cũng như thích ứng với những biến đổi không ngừng khi hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn, thực hiện đầy đủ các cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Nếu như trong Báo cáo Chính trị đã thông qua tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI nhấn mạnh vào "Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn; phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa" thì tại Báo cáo Chính trị trình tại Đại hội lần này có sự thay đổi, chuyển dịch đáng kể về tư duy, dựa trên nền tảng là những thành tựu đã đạt được cũng như những hạn chế, tồn tại cần khắc phục trong quá trình hiện thực hóa Nghị quyết vào cuộc sống trong 5 năm qua.
Định hướng mới này xuất phát từ nhu cầu, đòi hỏi của thực tiễn; giải đáp, tháo gỡ những vướng mắc từ thực tiễn trên cơ sở phân tích, dự báo xu thế phát triển cũng như những tác động nội lực và ngoại lực đến nền kinh tế vốn còn nhiều hạn chế, nút thắt và nguy cơ cao, thách thức lớn.
Trong giai đoạn 2011-2020, mô hình tăng trưởng của Ninh Bình đã từng bước được đổi mới theo hướng phát triển theo chiều rộng kết hợp phát triển theo chiều sâu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) để tận dụng lợi thế sẵn có, hướng tới mục tiêu là xuất khẩu.
Mặc dù tăng trưởng của tỉnh vẫn chủ yếu dựa vào chiều rộng nhưng các đặc trưng của mô hình phát triển theo chiều sâu ngày càng định hình rõ nét hơn. Nhờ đó, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỉnh ta đã đạt được nhiều thành tựu phát triển kinh tế quan trọng.
Các chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội XXI đề ra cơ bản đều đạt và vượt. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) theo giá so sánh năm 2010 tăng bình quân 8,03%/năm, vượt mục tiêu Đại hội (8%/năm), cao hơn mức bình quân chung cả nước (6,8%/năm).
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng. Cơ cấu sản xuất trong nội bộ các ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh gắn với thị trường.
Sản xuất nông nghiệp được tập trung phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng và giá trị. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng và vượt cao so với mục tiêu Đại hội, trở thành điểm sáng trong cả nước về phong trào xây dựng nông thôn mới.
Du lịch phát triển khá, từng bước khẳng định vị trí và thương hiệu trong nước và quốc tế, có nhiều sản phẩm du lịch mới, chất lượng dịch vụ nâng lên, góp phần tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nhất là lao động khu vực nông thôn.
Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh cả nhiệm kỳ đạt 58.841 tỷ đồng, gấp 3,6 lần nhiệm kỳ trước, tốc độ tăng bình quân 18%/năm.
Tuy nhiên, tỉnh ta cũng đang đứng trước những thách thức không nhỏ cho bài toán phát triển trong thời kỳ mới. Mặc dù mô hình phát triển kinh tế của tỉnh đang có sự chuyển dịch tích cực theo chiều sâu, song tăng trưởng theo chiều rộng vẫn là xu hướng chủ đạo.
Một số động lực tăng trưởng truyền thống đang bị suy yếu, đó là lợi thế nhân công giá rẻ sẽ nhanh chóng mất đi, do chi phí lao động của Việt Nam nói chung và Ninh Bình nói riêng đang không ngừng tăng lên. Cùng với đó, căng thẳng thương mại trên thế giới, xu hướng bảo hộ mậu dịch đang nổi lên, là thách thức rất lớn do độ mở ngày càng lớn của nền kinh tế.
Xu hướng dịch chuyển các nhà máy sản xuất từ những nơi có giá nhân công rẻ trở về các nước bản địa do chi phí sản xuất giảm nhờ tiến bộ về khoa học và công nghệ của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 dẫn đến nguy cơ nguồn vốn FDI vào tỉnh có thể giảm dần. Mặt khác, nguồn lực đất đai, tài nguyên của tỉnh cũng có giới hạn nhất định.
Đặc biệt, những tác động của đại dịch Covid-19 đã tạo nên những thay đổi sâu sắc về tổ chức sản xuất, kinh doanh, thương mại, tiêu dùng, bảo đảm an toàn cho sức khỏe con người, phương thức làm việc… Điều này đặt ra nhiều khó khăn, thách thức lớn, nhưng đồng thời cũng tạo ra những cơ hội mới cho phát triển nếu như biết chớp thời cơ và vận dụng sáng tạo để chuyển đổi số, ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật trên lĩnh vực kinh tế.
Thực tiễn khi triển khai những phương hướng, mục tiêu về phát triển kinh tế của tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 cũng đặt ra nhiều khó khăn cần giải quyết triệt để nếu muốn phát triển nhanh và bền vững.
Trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy về góp ý Dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã nhấn mạnh: Ninh Bình có vị trí chiến lược, cầu nối giữa đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ, là điểm nút giao thông quan trọng trên tuyến Bắc - Nam. Ninh Bình có nhiều sông, có biển, lại nằm trong tứ giác phát triển Hà Nội - Thanh Hóa - Hải Phòng - Quảng Ninh, nhất là nằm giữa 2 cực phát triển Hà Nội và Thanh Hóa.
Do vậy, Ninh Bình phải định hướng phát triển như thế nào để tranh thủ tối đa các cực tăng trưởng này, bổ sung cho nhau cùng phát triển, chứ không bị cạnh tranh, lấn át, không để những tồn tại về phát triển kinh tế của nhiệm kỳ trước tiếp diễn tại nhiệm kỳ này.
Phải nhìn nhận thẳng thắn, khách quan những gam màu chưa sáng của bức tranh kinh tế nhiệm kỳ 2015-2020 là: Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; mặc dù tăng trưởng kinh tế vượt mục tiêu nhưng GRDP bình quân đầu người đạt 64,8 triệu đồng, thấp hơn mục tiêu Đại hội (70 triệu đồng).
Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng; chưa hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp có quy mô đủ lớn; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn hạn chế, chưa trở thành động lực để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp; kết quả xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương chưa thực sự bền vững, nhất là nâng cao thu nhập cho người dân.
Công tác quản lý và phát triển kinh tế vùng ven biển còn hạn chế. Doanh thu từ du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và đóng góp còn thấp trong cơ cấu giá trị ngành dịch vụ; sản phẩm du lịch chưa phong phú, chưa có sản phẩm lưu niệm đặc trưng; số khách lưu trú còn thấp; tính chuyên nghiệp, chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực du lịch chưa theo kịp yêu cầu phát triển du lịch.
Thực tiễn này đòi hỏi trong nhiệm kỳ tới, tỉnh ta phải chung sức, đồng lòng tiếp tục đẩy mạnh việc đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại, tạo bước chuyển căn bản kinh tế của tỉnh sang mô hình tăng trưởng trên cơ sở tăng năng suất, ứng dụng hiệu quả tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với bảo vệ môi trường theo hướng tăng trưởng xanh, với 3 trụ cột: công nghiệp phụ trợ công nghệ cao, công nghệ sạch; nông nghiệp hữu cơ, tiên tiến; phát triển du lịch.
Hướng đến một nền kinh tế xanh
3 trụ cột kinh tế được xác định trong Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đều hướng tới phát triển một nền kinh tế xanh và sạch. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đương nhiệm đã tập trung thảo luận, nghiên cứu, đánh giá chính xác những ưu thế cũng như những bất lợi của Ninh Bình so với các tỉnh, thành phố trên cả nước, đặc biệt là những tỉnh, thành lân cận để định vị được các lĩnh vực, mục tiêu cũng như dư địa để phát triển kinh tế - xã hội.
Từ đó, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp thích ứng với yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Đồng thời chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động sang những ngành, lĩnh vực có năng suất cao, hiệu quả cao, hướng tới một nền kinh tế xanh, sạch, bền vững. Kinh tế xanh là một dấu ấn nổi bật trong Báo cáo Chính trị trình tại Đại hội, thể hiện rõ nét trong 3 trụ cột kinh tế đã được xác định.
"Xanh" trong trụ cột phát triển công nghiệp, Báo cáo Chính trị đã nhấn mạnh: "phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại trên cơ sở cơ cấu lại ngành công nghiệp với yêu cầu công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, tăng giá trị sản phẩm". Điều này xuất phát từ thực tiễn Ninh Bình có tiềm năng lớn về công nghiệp vật liệu xây dựng, bước đầu hình thành công nghiệp lắp ráp ô tô, do đó Ninh Bình có thể trở thành một trung tâm công nghiệp phụ trợ, lắp ráp ô tô, điện tử.
Đồng chí Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công thương nhấn mạnh: Hiện nay, công nghiệp vật liệu xây dựng vẫn là một thế mạnh của Ninh Bình, nhưng định hướng của tỉnh là phải quy hoạch, quản lý, ưu tiên công nghệ thân thiện với môi trường để phát triển xanh trong công nghiệp. Phải lựa chọn và thu hút các dự án đầu tư lớn, phù hợp với định hướng công nghiệp phụ trợ công nghệ cao đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Xanh trong trụ cột phát triển nông nghiệp Ninh Bình, "tư lệnh" ngành Nông nghiệp &PTNT Vũ Nam Tiến nêu quan điểm: Phải phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng; sản xuất nông nghiệp hữu cơ với các sản phẩm chủ lực theo vùng sinh thái, đặc trưng phục vụ du lịch; xây dựng và thực hiện các dự án liên kết theo chuỗi giá trị, giải quyết các vấn đề chủ yếu trong chuỗi sản xuất, nhất là công nghệ giống; phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản, bảo đảm an toàn thực phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh.
Thực tiễn nhiệm kỳ qua, việc phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, áp dụng công nghệ tiên tiến thu hút các doanh nghiệp đầu tư hình thành các liên kết theo chuỗi giá trị; phát triển mạnh khu vực dịch vụ dựa trên nền tảng ứng dụng các thành tựu của khoa học và công nghệ hiện đại và lợi thế của địa phương đã được tỉnh ta đặc biệt chú trọng.
Hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đều cử các đoàn công tác của tỉnh đi tham quan các mô hình, điển hình sản xuất tiên tiến về nông nghiệp để rút kinh nghiệm, nhân ra diện rộng với phương châm sát cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, hiệu quả.
Chính vì thế, nhiệm kỳ tới, phát triển nông nghiệp xanh được định hướng là tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả; củng cố, nâng cao chất lượng các tổ chức dịch vụ nông nghiệp; tạo điều kiện để tập trung đất nông nghiệp, hình thành sản xuất lớn, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tập trung hình thành vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu sản xuất của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao.
Đặc biệt, Ninh Bình có cả 3 vùng địa hình đồi núi - bán sơn địa, đồng bằng và ven biển, có tiềm năng phát triển nông nghiệp đa dạng. Do đó, Ninh Bình cần phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung, hữu cơ, chất lượng cao giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường, gắn với phát triển du lịch nhưng vẫn chú trọng đảm bảo mục tiêu "tam nông".
Xanh trong phát triển du lịch, Báo cáo Chính trị nhấn mạnh: Tăng cường công tác bảo tồn và phát huy giá trị tự nhiên, giá trị văn hóa, phát triển thương hiệu du lịch Ninh Bình gắn với hình ảnh, giá trị Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, văn hóa lịch sử con người Cố đô Hoa Lư; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trở thành trung tâm du lịch của vùng đồng bằng sông Hồng và của cả nước.
Ninh Bình có bề dày lịch sử, là một trong những tỉnh có tiềm năng du lịch hàng đầu của cả nước, có nhiều di sản nổi tiếng trong nước và quốc tế, trong đó đặc sắc nhất là tài nguyên du lịch văn hóa - tâm linh (Bái Đính, Cố đô Hoa Lư…), du lịch sinh thái - cảnh quan (Tràng An, Tam Cốc, Cúc Phương…). Đây là những tiềm năng lớn về du lịch của Ninh Bình để có thể khai thác hiệu quả.
Tuy nhiên, để phát triển du lịch xanh, Ninh Bình cần giải quyết tốt bài toán giữa bảo tồn và phát huy các giá trị di sản. Để làm được điều đó cần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ và tính chuyên nghiệp, xây dựng môi trường du lịch an toàn, văn minh, hấp dẫn.
Đổi mới phương thức, hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về ngoại ngữ, kỹ năng nghề, kiến thức về bảo vệ di sản và du lịch có trách nhiệm cho cán bộ, cộng đồng dân cư và doanh nghiệp tham gia hoạt động du lịch; cùng với đó phải chú trọng phát triển ngành, lĩnh vực về dịch vụ du lịch với hệ thống các khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, sản phẩm du lịch ... tạo được sự độc đáo, riêng có, xây dựng thương hiệu "đất du lịch" trong con mắt của du khách trong nước và nước ngoài.
3 trụ cột kinh tế xanh được xác định trong định hướng phát triển kinh tế của tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đã được thể hiện rõ nét trong Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII có sự quan hệ hữu cơ, tác động, liên quan chặt chẽ với nhau để giúp Ninh Bình chuyển từ kinh tế nâu sang kinh tế xanh có tính bền vững, thân thiện với môi trường, phù hợp xu hướng phát triển của thế giới cũng như những biến đổi khó lường của dịch bệnh, thiên tai. Xác định đúng đắn các trụ cột là nhân tố quan trọng hàng đầu để đi đến đích là đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực đồng bằng sông Hồng.
Để thực hiện phương hướng và những nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, đòi hỏi phải thẳng thắn, khách quan đánh giá đúng vị thế, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, chỉ ra những "tiềm năng riêng có, thế mạnh khác biệt", từ đó tiếp tục khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để tạo ra động lực mới cho phát triển. Cần tập trung khơi dậy và phát huy tốt nhất tiềm năng của con người Ninh Bình với nhiều phẩm chất đáng quý để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho phát triển.
Đặc biệt, cần phát huy tốt những giá trị bản sắc văn hóa đất và người Cố đô, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ ý chí, khát vọng của Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh để vượt qua khó khăn, thách thức, đoàn kết, đổi mới, sáng tạo để phát triển bứt phá trong chặng đường sắp tới với phương châm: Kiên trì tháo gỡ khó khăn trước mắt, không ngừng củng cố nền tảng lâu dài để đón bắt cơ hội phát triển ngay trong và sau khi kết thúc đại dịch Covid-19.
Minh Đức - Quỳnh Thu
(còn nữa)
Kỳ 5: Hướng đi cho nhiệm kỳ mới