Ngược dòng thời gian 10 năm về trước, trong bối cảnh cần phải đảm bảo thống nhất đầu mối quản lý một khu di sản thế giới theo yêu cầu của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO), Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An đã được thành lập theo Quyết định số 150/QĐ-UBND ngày 5/3/2012 của UBND tỉnh Ninh Bình. Ban Quản lý trực thuộc UBND tỉnh, với chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh trong công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo, khai thác và phát huy các giá trị Quần thể danh thắng Tràng An.
Ngay sau khi được thành lập, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, Ban Quản lý đã nỗ lực để từng bước tổ chức, kiện toàn bộ máy, dần đi vào hoạt động ổn định và là đầu mối quan trọng trong công tác tham mưu xây dựng hồ sơ đề cử Quần thể danh thắng Tràng An trình UNESCO ghi danh là Di sản thế giới. Hành trình chinh phục danh hiệu di sản thế giới Tràng An là một câu chuyện dài được viết qua nhiều năm.
Đó là kết quả của một quá trình quyết tâm chính trị cao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự chung sức, đồng lòng của các cấp, các ngành, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo của các Bộ, ngành Trung ương, sự hỗ trợ của các chuyên gia trong nước và quốc tế, đặc biệt là sự đồng hành, hưởng ứng, nỗ lực của người dân và doanh nghiệp trong tỉnh.
Trong tiến trình đó, Ban Quản lý rất tự hào khi được thành lập để tiếp nối các thế hệ cùng viết nên câu chuyện chinh phục thành công danh hiệu di sản thế giới. Để ngày 25/6/2014, Quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, trở thành di sản hỗn hợp thứ 31 trên toàn thế giới, thứ 11 ở châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời là di sản hỗn hợp đầu tiên của nước ta và khu vực Đông Nam Á.
Các chuyên gia, nhà nghiên cứu đánh giá Tràng An là điển hình vô cùng phong phú của một di sản thế giới hỗn hợp. Tràng An ôm trọn các giá trị tự nhiên, vẻ đẹp của cảnh quan và các giá trị văn hóa mang đậm ý nghĩa khảo cổ, lịch sử. Ngày 25/6/2014 mãi là niềm tự hào lớn không chỉ của mỗi người dân Ninh Bình mà là niềm tự hào của mọi người dân Việt Nam. Danh hiệu di sản đã tạo nên cú hích mạnh mẽ, thúc đẩy phát triển du lịch, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và khẳng định chủ trương, đường lối trong Nghị quyết số 15-NQ/ TU ngày 13/7/2009 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên cơ sở bảo tồn các giá trị văn hóa, cảnh quan tự nhiên là hoàn toàn đúng đắn.
Sự kiện Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới đã tiếp thêm cho chính quyền tỉnh Ninh Bình, cơ quan quản lý di sản một công cụ, một động lực để ban hành những quyết sách phù hợp, tác động mạnh mẽ tới sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Ngay sau sự kiện này, nhận thức về tầm quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản, Ban Quản lý đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng và ban hành các nghị quyết, kế hoạch, quy định, quy chế liên quan tới công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Hệ thống các văn bản đã xác định một cách toàn diện về tầm nhìn, nguyên tắc, định hướng cơ bản việc bảo vệ, quản lý di sản; giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn di sản với phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển du lịch nói riêng, có giải pháp giải quyết cho những vấn đề phát sinh.
Ngày 17/8/2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về bảo tồn, phát huy giá trị Di sản gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020 nhằm thực hiện cam kết của tỉnh về quản lý, bảo tồn và phát huy một cách bền vững, hiệu quả các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản thế giới. Nghị quyết xác định: "Bảo tồn nguyên vẹn các giá trị của Di sản, nhất là về địa chất, địa mạo, đa dạng sinh học, lịch sử, văn hóa và cảnh quan môi trường sinh thái; đồng thời từng bước khai thác hợp lý và bền vững các giá trị Di sản phục vụ phát triển du lịch. Từng bước xây dựng Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch quan trọng của cả nước và là ngành kinh tế chủ yếu của tỉnh".
Sau 5 năm Ban Quản lý được thành lập và sau 3 năm Quần thể danh thắng Tràng An đón nhận danh hiệu Di sản thế giới, nhằm phát huy hiệu quả hơn nữa những chủ trương, đường lối, chính sách liên quan đến bảo tồn và phát huy giá trị Di sản gắn với phát triển du lịch tỉnh nhà, ngày 29/3/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 506/QĐ-UBND về việc chuyển quyền quản lý Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An về Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình.
Với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế, Ban quản lý có chức năng tham mưu giúp Giám đốc Sở Du lịch thực hiện việc quản lý Nhà nước, nghiên cứu bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di sản Tràng An theo đúng các quy định của pháp luật về di sản văn hóa, du lịch, bảo vệ môi trường, Công ước Di sản thế giới và các quy định có liên quan khác của pháp luật. Do đó, bộ máy tổ chức quản lý của Ban Quản lý lúc này đã đảm bảo tinh gọn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và gìn giữ di sản, thực hiện đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ của tổ chức. Quần thể danh thắng Tràng An nằm trên địa bàn 20 xã, phường thuộc 5 huyện, thành phố của tỉnh Ninh Bình.
Phần lớn diện tích khu vực Di sản chủ yếu nằm trên địa bàn huyện Hoa Lư (thuộc 42 thôn của 9 xã: Ninh Hải, Ninh Xuân, Ninh Thắng, Ninh Vân, Ninh Hòa, Ninh Mỹ, Ninh Giang, Trường Yên, Ninh An), trong đó: Xã Trường Yên có 16 thôn, chủ yếu các thôn này đều nằm trong vùng lõi của Di sản; xã Ninh Hòa có 7 thôn. Đây là những khu vực đan xen giữa việc cấm và hạn chế xây dựng, cần kiểm soát đặc biệt nghiêm ngặt. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước với Di sản Tràng An, Ban Quản lý đã không ngừng tăng cường công tác tuần tra, giám sát, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về quản lý Di sản, tích cực vận động, thuyết phục các tổ chức, doanh nghiệp và các cá nhân thực hiện đúng các quy định về quản lý, bảo tồn Di sản trên các địa bàn.
Cụ thể, trong các năm 2015 đến năm 2021, Ban Quản lý đã tổ chức các đợt tập huấn cho gần 1.800 cán bộ chủ chốt, người làm du lịch thuộc các xã ở địa bàn các huyện Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan - những địa phương nằm trong vùng lõi, vùng đệm của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Qua 5 năm thực hiện, Nghị quyết số 02- NQ/TU đã thực sự đi vào cuộc sống, đạt được những mục tiêu cơ bản đã đề ra. Các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản, nhất là về địa chất, địa mạo, đa dạng sinh học, hệ thống núi đá, rừng đặc dụng, các di tích khảo cổ học, di tích lịch sử, văn hóa và cảnh quan môi trường sinh thái luôn được tôn trọng và gìn giữ. Số lượng khách du lịch ngày càng tăng.
Năm 2019, tỉnh Ninh Bình đón trên 7,6 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt 3.600 tỷ đồng. Di sản Tràng An đã thực sự đóng vai trò là hạt nhân, là trung tâm thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Nghị quyết số 15 -NQ/TU ngày 13/7/2009, Nghị quyết số 07- NQ/TU ngày 29/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về định hướng và phát triển du lịch Ninh Bình.
Một thập kỷ trôi qua - dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành từ trung ương tới địa phương, các thế hệ cán bộ, nhân viên của Ban Quản lý đã đóng góp một phần nỗ lực trong xây dựng thương hiệu, hình ảnh du lịch Ninh Bình gắn với các giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An. Một thập kỷ hình thành và phát triển, Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An nhận thức sâu sắc rằng chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn và thách thức. Tự hào về Di sản Tràng An, mỗi cán bộ, nhân viên trong Ban Quản lý tiếp tục đóng góp tích cực vào việc bảo tồn Di sản và gắn với trách nhiệm quản lý, khai thác hợp lý, chặt chẽ và bền vững các giá trị tài nguyên trong khu Di sản. Lan tỏa và quảng bá hình ảnh di sản rộng rãi trên bình diện quốc tế, góp phần giao lưu văn hóa, thu hút nguồn lực đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và du lịch của địa phương, dần đưa Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch của vùng và của cả nước.
Minh Đường