Năm 1998, bà nhận được bằng khen của Đài Tiếng nói Việt Nam và giải đặc biệt "Nghệ nhân hát chèo tỉnh Ninh Bình" trong Liên hoan trích đoạn tuồng, chèo hay toàn quốc. Năm 2004, bà được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Năm 2008, bà Hà Thị Cầu đã nhận được giải thưởng Đào Tấn, giải thưởng cho những đóng góp trong việc gìn giữ vốn quý nghệ thuật dân tộc.
Hơn 80 năm vận vào mình nghiệp cầm ca, bà đã để lại cho đời một kho tư liệu quý về bộ môn nghệ thuật hát xẩm. Nhiều thước phim, phóng sự, bài báo… viết về bà, về những ca khúc do bà hát với mong muốn lưu giữ lại cái hồn của xẩm. Nhưng duy chỉ có "Xẩm đỏ", bộ phim dài 35 phút của đạo diễn Lương Đình Dũng quay trong những năm cuối đời của nghệ nhân Hà Thị Cầu mới lột tả chân thực nhất cuộc sống, suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng của người nghệ sỹ suốt một đời cống hiến mà không bao giờ biết mình nổi tiếng. Cho đến thời điểm này, "Xẩm đỏ" là nguồn tư liệu quý giá chân thực nhất về nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu.
Tôi gặp Đạo diễn Lương Đình Dũng khi anh về đám tang cụ Hà Thị Cầu với vẻ mặt trầm buồn khác hẳn với con người luôn sôi nổi ngày thường. Ngồi hàn huyên với mấy người bạn trong nhóm Trung tâm phát triển âm nhạc Việt Nam, anh nói "cuộc đời cụ Cầu kể cũng lạ, cứ hư hư, thực thực.
Hơn 1 năm trước khi anh làm phim cụ còn khỏe lắm, giọng hát trong trẻo và cao vút…Vậy mà thoáng cái đã về già". Minh chứng cho điều mình nói, anh kể lại những kỷ niệm đáng nhớ khi bắt đầu làm phim: "Trong bộ phim này, chúng tôi mong muốn đặc tả một cách chân thực nhất về cuộc sống của cụ Cầu, do đó rất muốn có cảnh cụ Cầu ốm. Hôm trước vừa nghĩ vậy, hôm sau về cụ ốm thật, nằm liệt giường không ăn uống gì được.
Cả đoàn quay xong cảnh cụ ốm sốt ruột vì sợ cụ ốm lâu, nói dở lỡ cụ đi thì dự án làm phim "Xẩm đỏ" coi như hết. Thế nhưng ngày hôm sau cụ khỏe hẳn, đưa cụ ra chợ để quay, cụ lại hát nhiệt tình và trí nhớ tỏ ra rất minh mẫn, chào hỏi tất cả mọi người.
Một cảnh nữa cũng rất đáng nhớ đó là cảnh trời mưa. Cả đoàn làm phim phải dừng lại vì đạo cụ làm cảnh mưa giả dở quá, đang băn khoăn thì hôm sau trời lại mưa to, công việc lại được tiếp tục hoàn hảo theo đúng kế hoạch…".
Bộ phim không có lời bình, giống như một sự độc diễn của nhân vật. Đạo diễn Lương Đình Dũng cho biết, anh không muốn đem lời bình vào phim mà muốn để dành phần đó cho khán giả.
"Mỗi phim có một tính chất khác nhau. Cụ Cầu không biết chữ, cũng chưa từng qua trường lớp nào về đào tạo âm nhạc. Nếu tôi đưa lời bình vào phim này và dùng lời bình dẫn dắt câu chuyện theo ý đồ của mình thì phim có thể dễ xem hơn, nhưng nó sẽ trở nên khiên cưỡng và thiếu đi tính tự nhiên. Tôi muốn khán giả tự cảm nhận và như đang được xem, được nghe, được đối thoại với chính nhân vật. Mặc dù khi thực hiện phim không sử dụng lời bình cũng hơi vất vả vì phải quay rất nhiều để tìm ra sự xâu chuỗi trong các hình ảnh ấy".- Đạo diễn Lương Đình Dũng nói.
Là một đạo diễn lành nghề, Lương Đình Dũng ước tính, việc quay phim về một nhân vật, không có sự chuyển dịch bối cảnh nhiều sẽ mất cùng lắm một tháng. Không ngờ sự khó khăn trong quá trình thực hiện cùng sự kỹ tính cầu toàn khiến êkíp phải đi lại Ninh Bình nhiều lần trong hai năm trời.
Nghệ nhân 93 tuổi lúc hợp tác, lúc từ chối, lúc khóc, lúc cười, nhớ nhớ, quên quên theo căn bệnh tuổi già, có hôm đang hát nửa chừng thì mất giọng. Tuy vậy, Lương Đình Dũng vẫn kiên quyết theo đuổi bộ phim bởi lòng đam mê xẩm và tình yêu với văn hóa nghệ thuật truyền thống.
Nhiều khán giả hỏi anh sao bộ phim đã hoàn thành được cả năm trời rồi mà anh vẫn chưa cho công diễn, anh chỉ nói: Tôi làm bộ phim này vì đam mê nghệ thuật xẩm nên không công diễn, không bán, không kinh doanh, ai thích, ai đam mê hát xẩm thì tôi tặng.
Kết thúc phim, vẫn là giọng hát ai oán, réo rắt như chính cuộc đời cụ: "Dạt nước cánh bèo, bấy lâu nay dạt nước cánh bèo. Đã từng lưu lạc, đã từng lưu lạc để nhiều điều vất vả gian truân. Ông trời cao có thấu tình chăng. Đời người mấy lúc, đời người mấy lúc vất vả gian truân. Tôi thì hiện về, liệu bảy lo ba, bên chồng cũng nặng, bên cha cao dày. Thế cho nên một mình tôi lo lắng cả đêm ngày…".
Khi cảnh quay cuối cùng kết thúc, bà Hà Thị Cầu nắm tay anh bảo: "May mà con làm sớm chứ bây giờ sắp không hát được nữa rồi con ạ". Từ hơn 1.200 phút quay, chắt đọng lại chỉ còn 35 phút, Lương Đình Dũng và cả êkíp đã phải đau đầu cân nhắc. Đây là một trong số ít sản phẩm mà anh thực sự hài lòng.
Anh cho biết, sở dĩ anh đặt bộ phim này là "Xẩm đỏ" là vì "Khi phác họa hát xẩm bằng màu sắc thì sẽ thiên về màu đỏ. Đó cũng là màu báo động về một loại hình nghệ thuật có thể bị thất truyền khi những nghệ nhân của nó dần ra đi. Nó cũng là màu của máu, của nước mắt, mồ hôi của những thân phận nghệ nhân hát xẩm khốn khó, hẩm hưu khi xưa".
Đạo diễn Lương Đình Dũng cũng hy vọng, nếu có cơ hội sẽ giới thiệu phim này với bạn bè quốc tế để họ biết đến nghệ thuật hát xẩm ở Việt Nam.
Bảo Yến