| UNESCO cũng tích cực thúc đẩy việc liên kết, tạo hiệu ứng lan tỏa giữa các công ước về văn hóa của UNESCO. Gần đây, Hội nghị Naples về Di sản văn hóa trong thế kỷ 21 diễn ra vào cuối tháng 11/2023, tại Naples, Italia đã thúc đẩy sự liên kết giữa Công ước Di sản Thế giới với Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. "Lời kêu gọi hành động", tuyên bố của Hội nghị nhấn mạnh 11 điểm, bao gồm: Bảo tồn di sản thông qua cách tiếp cận tổng thể, nhấn mạnh yếu tố đa dạng văn hóa, kêu gọi sự tham gia của tất cả các bên liên quan, đặt con người, cộng đồng vào trung tâm hành động; nâng cao nhận thức về mối liên kết giữa thiên nhiên và văn hóa để thúc đẩy bảo vệ môi trường, giải quyết tác động của biến đổi khí hậu; đảm bảo sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương; thúc đẩy giáo dục di sản, nâng cao năng lực nhằm bảo tồn di sản cho thế hệ mai sau; đảm bảo tính bao trùm của xã hội, thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ, giới trẻ vào bảo tồn và bảo vệ di sản; thúc đẩy mối quan hệ đối tác; ủng hộ tích hợp văn hóa vào các hoạt động nhân đạo; thúc đẩy và triển khai các chính sách du lịch bền vững, trong đó ưu tiên bảo vệ di sản; khuyến khích đối thoại giữa các bên liên quan trong mọi giai đoạn của quá trình đề cử; thúc đẩy phương pháp tiếp cận khách quan, khoa học trong đánh giá các hồ sơ đề cử, nhằm nâng cao uy tín của Công ước; cung cấp hỗ trợ tăng cường cho các quốc gia thiếu sự đại diện nhằm đảm bảo danh sách di sản mang tính đại diện, cân bằng hơn, đặc biệt chú trọng đến Châu Âu và các quốc gia đảo nhỏ đang phát triển (SIDS). Như vậy, cách tiếp cận của UNESCO vẫn nhất quán khi lấy con người làm trung tâm, đảm bảo yếu tố giới, quan tâm trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trong tiếp cận tổng thể về di sản văn hóa. Quần thể Danh thắng Tràng AnDi sản hỗn hợp duy nhất của Việt Nam, được ghi danh Di sản thế giới năm 2014, cũng là duy nhất ở Đông Nam Á đến thời điểm hiện tại, là niềm tự hào của Việt Nam nói chung và Chính quyền, Nhân dân tỉnh Ninh Bình nói riêng. Từ đó, Ninh Bình kiên trì thực hiện chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh"-từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang phát triển dựa vào hệ sinh thái, di sản, kinh tế tuần hoàn, hài hòa với thiên nhiên và bảo vệ bền vững môi trường; triển khai thực hiện nhiều nghị quyết, quy chế quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Tràng An đã được tiếp cận với các tiêu chuẩn thế giới trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản, là điển hình của việc thực thi Công ước Di sản Thế giới, là minh chứng cho thấy "tầm quan trọng của di sản văn hóa và thiên nhiên đối với phát triển bền vững, mang lại lợi ích cho cộng đồng". | |