Nhìn lại lịch sử vùng đất Tràng An cổ, có thể thấy tầm nhìn về chiều sâu của lịch sử, chiều rộng không gian xứng tầm vùng đất có vị trí địa chính trị, địa quân sự và địa văn hóa với hệ thống dãy núi đá vôi có tuổi địa chất khoảng 250 triệu năm. Vùng đất Ninh Bình xưa là Kinh đô của Việt Nam với 6 vị vua thuộc 3 triều đại Đinh, tiền Lê, Lý, là địa bàn quan trọng trong lịch sử quân sự. Kinh đô Hoa Lư được ví như Kinh đô đá với đặc điểm: Núi là thành, sông là đường, hang động là cung điện, cùng nhiều đền đài và các khu vực định cư truyền thống. Hoa Lư-danh xưng của đô thành-đế đô đầu tiên của quốc gia Đại Việt, là đô thị-cảng thị tựa núi, nhìn sông, mở ra biển Đông, khai mở đặt cơ sở nền tảng cho sự phát triển của văn minh Đại Việt. Trước khi trở thành Kinh đô, Hoa Lư là một đơn vị hành chính cấp cơ sở của vùng tộc người thiểu số miền núi rừng, là cả một vùng rộng lớn tiếp giáp và liền khoảnh giữa núi rừng với đồng bằng và biển cả. Vùng đất Hoa Lư ít nhất từ 2.000 năm trước đã là trung tâm tụ cư của nhiều tộc người, trung tâm chính trị-quân sự-hành chính lớn và đi liền với nó là trung tâm kinh tế-văn hóa của cả hai châu Giao, châu Ái. Kinh thành Hoa Lư nằm ở bên hữu sông Hoàng Long, là vùng giao thủy giữa nước ngọt của sông, nước mặn của biển. Con người sớm biết lợi thế của vùng giao thủy-giao thương để tụ cư. Các làng quê cổ nơi đây có nguồn gốc lâu đời bên các dòng sông cổ Ngô Đồng, Hoàng Long, Sào Khê, sông Vạc, sông Chanh. Dấu ấn còn lại các công trình chùa, miếu, phủ đền, lăng mộ, quán đạo cùng những bến bãi và nhiều các di vật độc đáo. Sự chuyển biến cấu trúc hình thái đô thị Ninh Bình được xây dựng trên nền tảng di sản Cố đô Hoa Lư từ thời Đông Hán, thời Đường. Sang cuối thế kỷ X, Hoa Lư đã phát triển cả về đô thành và thành thị để trở thành đô thị hàng đầu của quốc gia Đại Việt với những đặc trưng của đô thị trung đại ở Việt Nam. |
Trong quy hoạch định hướng Cố đô di sản Hoa Lư, việc tiếp nối cấu trúc đô thị cổ trong lòng một đô thị hiện đại được khởi nguồn từ các giá trị tự thân của vùng đất, phải kể đến các yếu tố: Địa chính trị thuận lợi để xây dựng thành trung tâm của Hoàng đế, là căn cứ của quân sự trọng yếu vừa quy tụ mạnh và lan tỏa. Dựa vào địa thế tự nhiên mà nâng tầm nghệ thuật dựng thành, đáp ứng vị thế, tầm vóc mới của đô thành. Các khu vực cư trú của dân cư phi nông nghiệp sinh kế bên các dòng sông… minh chứng cho các hoạt động thương mại với hạ tầng đô thị, cảng thị, bến bãi, cảng sông, cảng biển, mở rộng giao lưu trong nước và nội vùng… đánh dấu bước tiến chưa từng có của đô thị cổ trung đại Việt Nam. Hệ thống kiến trúc được xây dựng ở quy mô lớn, đậm tính chất Đại thừa. Phật giáo, chùa chiền được xem là hình ảnh nổi bật của không gian lịch sử-văn hóa đô thị Hoa Lư. Vận dụng địa thế, không gian và môi trường sinh thái là một phần quan trọng của các công trình kiến trúc ở Hoa Lư… dẫu đã được sử dụng ở các thành Đại La, thành Cổ Loa trước đó, nhưng xét về quy mô và tầm vóc thì thành Hoa Lư đã minh chứng cho việc vận dụng tri thức bản địa trong nghệ thuật xây dựng thành lũy. Mặc dù, Kinh đô được chuyển về Thăng Long, yếu tố đô phần nào suy giảm, nhưng yếu tố thị được duy trì, tạo nên không gian sinh sống của dân cư, tạo nên đặc trưng sinh kế trong vùng di sản. Cấu trúc đô thành-đô thị luôn được đề cao, thể hiện tầm nhìn quy hoạch dài lâu trong lịch sử. |
Những luận điểm này cho phép nhận diện một đô thị Hoa Lư trải qua biến đổi, nhưng đều dựa trên "nhân lõi" Kinh đô Hoa Lư. Đặc biệt, khi Quần thể danh thắng Tràng An được công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, nhu cầu phát triển du lịch và công nghiệp văn hóa tăng cao, thúc đẩy nhanh hơn, mạnh hơn quá trình đô thị hóa cả đô thị và nông thôn từng bước tiệm cận với mô hình đô thị di sản. Quá trình tiến tới một đô thị di sản văn minh, hiện đại hàng đầu của cả nước mang tầm vóc quốc tế, cũng đồng thời là quá trình hoàn thiện dần các tiêu chí để Ninh Bình trở thành một thành phố trực thuộc Trung ương ở phía Nam châu thổ Sông Hồng, góp phần định dạng thương hiệu đô thị Ninh Bình. Những giá trị nổi bật của đô thành đế đô đầu tiên của quốc gia Đại Việt ở phía Bắc, đã tạo lập các giá trị bản sắc đặc trưng nhất của không gian lịch sử-văn hóa Kinh đô Hoa Lư làm nguồn lực chủ yếu, động lực mạnh và lợi thế căn bản cho Ninh Bình có thể nâng tầm thành Đô thị di sản văn minh, hiện đại-thành phố trực thuộc Trung ương đại diện cho cực tăng trưởng phía Nam châu thổ Sông Hồng. Đây là nội dung cốt lõi, là cơ sở quan trọng hàng đầu để nghiên cứu định dạng thương hiệu Đô thị di sản Hoa Lư-Ninh Bình trong định hướng phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. |
Hoa Lư-Ninh Bình nằm trong chuỗi liên kết của 8 di sản văn hóa thế giới đã được UNESCO công nhận. Đó là kết nối với hệ thống Cố đô với Quần thể danh thắng Tràng An có mối liên hệ mật thiết với du lịch Thủ đô thông qua hoạt động phát triển "trục" lịch sử Cố đô Hoa Lư-Thăng Long-Thành nhà Hồ. Với lợi thế địa hình văn hóa-sinh thái-biển đảo-hang động, Tràng An Hoa Lư còn sở hữu 2 khu vực là di sản văn hóa thế giới và khu dự trữ sinh quyển thế giới. Ninh Bình đã quy hoạch hệ thống 7 không gian du lịch khu/vùng du lịch sinh thái cho thấy tiềm năng nhân văn du lịch đa dạng, phong phú. Ninh Bình cũng là vùng đất tạo dấu mốc quan trọng khơi mạch nguồn hình thành văn minh Đại Việt mang tính chất liên văn hóa, thể hiện các đặc trưng tổ chức xã hội, sinh hoạt văn hóa, sắc thái tâm lý của dân cư… Đặc biệt, Ninh Bình là địa phương đánh dấu phát tích của các loại hình di tích độc đáo về hình thức, nghệ thuật và có mật độ phân rải khắp vùng… Đây là một tài sản quý giá, một lợi thế để định hướng quy hoạch tích hợp các giá trị từ di sản. Những giá trị đó đã khơi một nhận thức mới, một tiếp cận mới để hình thành quỹ di sản định cư truyền thống thiên niên kỷ tại Ninh Bình. |
Quy hoạch bảo tồn Cố đô Hoa Lư được coi là "quy hoạch tích hợp" để tạo lập Cố đô Hoa Lư trở thành điểm đến tích hợp (intergrated destination), phát triển du lịch thông minh (smart travel), thiết lập các sản phẩm khác biệt hướng tới du lịch xanh (green tourism) bền vững. Chính vì thế, Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phải tôn vinh những giá trị "độc nhất vô nhị", đồng thời giải quyết những vấn đề mâu thuẫn, bất cập và khó khăn của khu di sản. Các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản cần phải được tôn trọng, giữ gìn, bảo tồn và phát huy với các tiêu chuẩn cao. Xây dựng thương hiệu địa phương từ tầm nhìn quy hoạch cần được coi là tiền đề cho phát triển du lịch, gắn quy hoạch bảo tồn vào các quy hoạch tổng thể, quy hoạch chuyên ngành để tạo nên tính kế thừa và thống nhất. Việc xây dựng thương hiệu đô thị để tăng cường năng lực cạnh tranh của đô thị. Quy hoạch Đô thị di sản trong tương lai cần phải đạt được các mục tiêu: Hoàn thiện toàn diện hệ thống dữ liệu các giá trị đã được khẳng định và nhận thức thêm những giá trị mới của khu di sản, bám sát chương trình kế hoạch quản lý đã được thông qua để Tràng An trở thành điểm đến hấp dẫn, phát triển du lịch trở thành động lực kinh tế của tỉnh Ninh Bình và khu vực Bắc Bộ. |
Vùng đất Tràng An còn nhiều dư địa để phát triển, vậy nên quy hoạch cần đảm bảo sự cân bằng giữa các yếu tố bảo tồn di sản văn hóa vật thể phi vật thể, giải pháp thỏa đáng các áp lực của sinh kế cư dân trong vùng lõi khu di sản, từ đó có thể dung hòa quan hệ tương hỗ giữa đô thị-nông thôn, giữa nông nghiệp-phi nông nghiệp. Bảo tồn được cấu trúc hình thái truyền thống của khu vực định cư truyền thống cũng là một dạng sản phẩm của du lịch. Đặc biệt, cần định hướng bản sắc của các sản phẩm du lịch chất lượng cao gắn với truyền thống vùng đất cổ và đặc trưng của Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An. Bảo tồn, phát huy giá trị vùng đất Cố đô Hoa Lư là mạch nguồn, là sức mạnh để Ninh Bình vững bước trong tương lai xây dựng Đô thị di sản thiên niên kỷ. |