6 tháng đầu năm 2021, khoảng thời gian được đánh giá là có nhiều khó khăn đối với công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) do dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại ở nước ta. 75 lao động của huyện Yên Mô chủ yếu đi xuất khẩu vào đầu năm, sau Tết Nguyên đán. Đây là thời điểm nhiều lao động đi xuất khẩu nhất trong năm khi các thủ tục đã được hoàn thiện từ cuối năm trước. Đầu năm, cũng là dịp nhiều công ty, đơn vị làm công tác tuyển dụng lao động đi xuất khẩu về địa phương thực hiện tuyên truyền, tư vấn cho người lao động.
Ông Bùi Văn Vợi, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Yên Mô cho biết: Từ năm 2020, công tác XKLĐ đã bắt đầu gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tuy vậy, thuận lợi của công tác XKLĐ ở Yên Mô là các xã, thị trấn đều xác định XKLĐ là con đường giải quyết việc làm hiệu quả, nên rất quan tâm, chú trọng đến công tác này.
Ngay cả những thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, huyện Yên Mô cũng cố gắng bằng mọi cách tuyên truyền, vận động để người lao động học nghề, học ngoại ngữ nâng cao trình độ, chuẩn bị nguồn lao động chất lượng cho xuất khẩu ở thị trường tốt. Lao động muốn đi XKLĐ vẫn đăng ký, huyện sẽ tiếp nhận. Với sự chuẩn bị sẵn nguồn lao động và hoàn thiện các thủ tục cần thiết, nên khi thị trường lao động được "khơi thông", người lao động chỉ việc xuất cảnh.
Cũng theo ông Vợi, so với trước đây, hiện nay công tác XKLĐ ở huyện Yên Mô đã có nhiều khởi sắc. Số lượng lao động đi xuất khẩu tăng đều qua mỗi năm và đều vượt xa chỉ tiêu, kế hoạch được giao. Có được kết quả đó, là nhờ huyện đã thực hiện có hiệu quả Đề án số 12 của tỉnh về đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động. Yên Mô đã chỉ đạo các cấp, các đơn vị từ huyện đến cơ sở tích cực tuyên truyền, phổ biến, cung cấp đầy đủ, kịp thời các nội dung, chính sách của Đề án đến cán bộ, đảng viên, tổ chức, cá nhân và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn để người dân biết và đăng ký tham gia chương trình, Đề án.
Cùng với đó, huyện Yên Mô cũng tích cực triển khai xây dựng kế hoạch đào tạo nghề, bồi dưỡng nâng cao tay nghề, giáo dục ý thức kỷ luật lao động nhằm tạo nguồn xuất khẩu lao động, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động ngoài nước. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tư vấn, định hướng cho người lao động học nghề, học ngoại ngữ để tham gia xuất khẩu lao động.
Các phòng chức năng của huyện thường xuyên tổng hợp nhu cầu xuất khẩu lao động của địa phương, tạo điều kiện để các doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động gặp gỡ người dân để tư vấn, tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tạo điều kiện để các đơn vị có chức năng xuất khẩu lao động liên kết với các cơ sở dạy nghề, đào tạo nghề sát với thực tế công việc của phía đối tác nước ngoài yêu cầu. Việc đào tạo được áp dụng cả trước khi tuyển và sau khi trúng tuyển, giúp người lao động nhanh chóng tiếp cận với công việc mới khi sang nước ngoài.
Đặc biệt, các xã, thị trấn cũng chủ động vào cuộc, triển khai nhiều biện pháp phù hợp với thực tiễn, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân đối với công tác XKLĐ.
Như tại xã Khánh Thượng, vốn là địa phương có nhiều doanh nghiệp hoạt động với nhu cầu tuyển dụng lao động lớn, nên xã không có nhiều thuận lợi trong công tác XKLĐ. Tuy vậy, với sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động, đã có nhiều lao động của xã đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2021, xã Khánh Thượng đã có 3 lao động đi xuất khẩu.
Ông Ngô Xuân Hanh, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng cho biết: Xã thường xuyên khảo sát, lập danh sách những người trong độ tuổi lao động thuộc đối tượng thụ hưởng theo Đề án số 12 có khả năng tham gia xuất khẩu lao động nhưng chưa có việc làm, thiếu việc làm hoặc việc làm không ổn định, mức thu nhập thấp để tư vấn, vận động người lao động tham gia xuất khẩu lao động.
Đồng thời, lập danh sách những người có nhu cầu xuất khẩu lao động gửi UBND huyện, thành phố giới thiệu cho các doanh nghiệp đưa người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Khánh Thượng cũng tăng cường liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động tư vấn, đào tạo, tuyển dụng... trực tiếp lao động ngay tại địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
Với nỗ lực của từng địa phương, đơn vị, số lượng lao động đi xuất khẩu của huyện Yên Mô tăng dần qua mỗi năm. Đặc biệt, trong giai đoạn thực hiện Đề án số 12 (2018-2020), công tác XKLĐ ở Yên Mô đạt được kết quả nổi bật. Điển hình như năm 2018, toàn huyện đưa được 195 lao động đi xuất khẩu, vượt xa kế hoạch đề ra. Năm 2019, huyện Yên Mô đạt kỷ lục cao nhất từ trước tới nay khi đưa 237 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, song huyện Yên Mô vẫn vượt mục tiêu đề ra, đưa 173 lao động đi xuất khẩu.
Bài, ảnh: Đào Hằng