Yên Mô, lao động không còn phải "ly hương" tìm việc
Thứ Ba, 16/03/2021, 06:22
Zalo
Tuy là huyện thuần nông, nhưng giờ đây tại Yên Mô, người lao động đã có thể tìm được việc làm với mức thu nhập ổn định tại các nhà máy, xí nghiệp hoặc được học nghề để cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Yên Mô, lao động không còn phải "ly hương" tìm việc
Như những năm trước, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là thời điểm cô gái trẻ Nguyễn Thị Tươi, ở xã Yên Mạc tạm xa gia đình để đi làm ăn ở tỉnh ngoài. "Tôi đi làm cho một công ty sản xuất linh kiện điện tử ở tỉnh Nam Định với mức lương chừng 5 triệu đồng/tháng. Nguồn thu nhập này "gánh" nhiều khoản chi phí như thuê nhà, tiền ăn uống, điện nước… nên còn lại cũng không đáng là bao nhiêu"- Tươi nói.
Từ tháng 6/2020, sau khi công ty TNHH DreamPlastic Việt Nam (cụm công nghiệp Khánh Thượng) đi vào hoạt động, chị Tươi là một trong những lao động đầu tiên nộp hồ sơ vào làm việc. Hơn một năm qua, với mức lương ban đầu hơn 6 triệu đồng/tháng, chị Tươi rất phấn khởi, lạc quan cho cuộc sống trước mắt. Với chị Tươi cũng như nhiều lao động ở địa phương, có việc làm, thu nhập ổn định ở ngay tại quê hương mình, đó là điều tuyệt vời nhất.
Hiện nay, công ty TNHH DreamPlastic Việt Nam đã thu hút được gần 500 lao động vào làm việc. Trong đó, đa số lao động tại địa phương. Bà Triệu Thị Nải, phụ trách nhân sự công ty cho biết, để đáp ứng nhu cầu sản xuất, công ty có nhu cầu tuyển dụng trên 5.000 lao động. Tuy nhiên, sau gần 1 năm đi vào hoạt động, công ty mới tuyển được 500 lao động. Lực lượng tại chỗ không đủ, công ty phải đăng tải thông tin tuyển dụng lên các kênh thông tin đại chúng, đồng thời gửi nhu cầu tuyển dụng tới nhiều địa phương khác ở trong và ngoài tỉnh.
Ông Ngô Xuân Hanh, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng cho biết: Hiện nay, có 3 công ty trong CCN Khánh Thượng đã và đang chuẩn bị đi vào hoạt động, có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng rất lớn. Đặc biệt, độ tuổi lao động đã được "nới" rộng lên trên 50 tuổi thay vì giới hạn dưới tuổi 35 như trong yêu cầu tuyển dụng của nhiều doanh nghiệp khác. Đây là cơ hội rất lớn cho lao động địa phương, người lao động không cần phải "ly hương" để tìm việc làm như những năm trước đây.
Theo khảo sát mới nhất trong năm 2020, hiện nay, toàn xã Khánh Thượng có trên 4.600 dân số trong độ tuổi lao động, trong đó, tỷ lệ lao động có việc làm đạt 94,57%. Tạo cơ hội để người dân có việc làm, đảm bảo nguồn thu nhập ổn định chính là một trong những giải pháp hàng đầu cho công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của xã Khánh Thượng giảm mạnh xuống còn 0,74% . Kết quả này là cơ sở để xã phấn đấu về NTM kiểu mẫu vào năm 2023.
Các công ty may mặc có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động.
Xã thuần nông Yên Lâm hiện nay cũng đã khoác lên mình một diện mạo hoàn toàn mới. Những người nông dân hầu hết đã trở thành những anh, chị công nhân lành nghề, là một "mắt xích" quan trọng trong mỗi nhà máy, xí nghiệp ở địa phương. Ông Dương Thành Phiên, cán bộ LĐTBXH xã Yên Lâm cho biết, hiện nay, số dân trong độ tuổi lao động của xã là trên 2800 người, chiếm trên 31% dân số. Vốn là xã thuần nông nên trước đây, vào thời điểm nông nhàn, nhiều người dân trong xã phải đi xa để kiếm việc làm thêm. Ở lại quê là trẻ em và người già, sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn do thiếu lao động.
Với việc thực hiện tốt các chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, huyện, những năm qua, ngày càng có nhiều doanh nghiệp về đầu tư tại Cụm công nghiệp Mai Sơn. Riêng xã Yên Lâm có một doanh nghiệp lớn là Công ty Giày Athena, giải quyết việc làm cho gần 5 nghìn lao động, trong đó có trên 600 lao động của xã Yên Lâm làm việc, với mức lương từ 5-7 triệu đồng.
Ngoài ra, xã Yên Lâm cũng khuyến khích phát triển các tổ hợp sản xuất để giải quyết việc làm tại chỗ lao động nông thôn. Hiện nay, doanh nghiệp Xuân Tình, là doanh nghiệp của người dân trong xã đang duy trì và phát triển tốt nghề đan thảm cói xuất khẩu, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 700 lao động. Điều đáng chú ý, đây đều là những lao động ngoài độ tuổi tuyển dụng của các doanh nghiệp, với mức thu nhập từ 80-100 nghìn đồng/ngày, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Ông Bùi Văn Vợi, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Yên Mô cho biết: Hiện trên địa bàn huyện có 295 doanh nghiệp, trong đó có 12 doanh nghiệp lớn đang hoạt động. Trung bình mỗi năm, giải quyết việc làm mới cho trên 2 nghìn lao động địa phương. Tính riêng trong năm 2020, toàn huyện đã giải quyết việc làm cho trên 2.500 lao động, vượt kế hoạch đề ra.
Đối với những lao động không còn độ tuổi nằm trong yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, hàng năm, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức khảo sát nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn để xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp.
Trong năm 2020, huyện đã mở được 03 lớp dạy nghề cho 105 lao động, với tổng kinh phí trên 200 triệu đồng. Tỉ lệ lao động có việc làm mới hoặc làm công việc cũ nhưng có năng suất và mức thu nhập cao hơn đạt trên 80%, đảm bảo tỷ lệ duy trì việc làm sau đào tạo ở mức trên 80%.
Ngoài ra, huyện Yên Mô còn phối hợp với ngành chức năng triển khai nhiều lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, trong đó trang bị cho người nông dân thêm nhiều kiến thức về thị trường, về cách sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, về kỹ thuật trồng cấy, chăn nuôi… đồng thời có những chính sách hỗ trợ về giống, vốn rất thiết thực. Đây là cơ sở để người nông dân thêm gắn bó và thêm quyết tâm làm giàu ngay tại quê hương mình.