Trao đổi với lãnh đạo Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Yên Khánh được biết: Vụ xuân 2009, toàn huyện phấn đấu trồng 8.700 ha, trong đó lúa 7.000 ha, lạc 1.100 ha, còn lại là dưa, bí, khoai lang, rau đậu các loại. Tổng giá trị sản xuất phấn đấu đạt 325 tỷ 415 triệu đồng, bình quân giá trị trên 1 ha gieo trồng đạt 37,4 triệu đồng. Xây dựng và triển khai thực hiện tốt chương trình phát triển vùng lúa cao sản, phấn đấu đạt 2.500 ha trở lên. Tiếp tục đưa vào trồng khảo nghiệm một số giống lúa, lạc mới có tiềm năng năng suất cao. Đồng thời tiếp thu và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất và đưa các giống lúa có tiềm năng năng suất, chất lượng cao vào sản xuất đại trà nhằm nâng giá trị thu nhập trên 1 ha canh tác. Tổ chức trồng 80.000 cây phân tán, trong đó 50.000 cây ăn quả và 30.000 cây lấy gỗ.
Để đạt được mục tiêu đề ra, các xã, thị trấn, HTX đã chủ động xây dựng kế hoạch, cơ cấu cây vụ xuân cụ thể, sát với thực tế của địa phương và chuẩn bị đầy đủ vật tư nông nghiệp để đáp ứng nhu cầu sản xuất của bà con nông dân. Tiến hành quy hoạch và triển khai chuyển đổi một số diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây khác hoặc chuyển sang mô hình nuôi trồng thủy sản đem lại hiệu quả kinh tế cao và lâu dài. Tích cực chuyển đổi cơ cấu giống, mùa vụ, bố trí 100% diện tích là lúa xuân muộn. Cơ cấu giống cũng được bố trí khá hợp lý, chủ yếu cấy bằng các giống lúa lai cho năng sất cao như: D.ưu 527, Phú ưu số 1, Phú ưu 978, Syn 6, CNR 36, CNR 5104 và TH3-3. Giống lúa thuần gồm các giống Q5, ải 32, Khang dân 18 và các giống lúa có chất lượng gạo ngon như LT2, Bắc thơm số 7, TL6, HT1.
Đối với cây lạc đưa vào trồng các giống lạc mới có tiềm năng năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh khá và cho giá trị kinh tế cao như L14, Sư tuyển, MD7, TQ1, Sán Dầu. Thực hiện đa dạng hóa cây trồng, đưa các cây có hiệu quả kinh tế cao như dưa bao tử, ngô ngọt... vào trồng trên đất vàn, đất mạ, đất 2 lúa, chủ động tưới tiêu để nâng giá trị thu nhập trên 1 ha canh tác.
Để chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất đông xuân, trung tuần tháng 11-2008, các địa phương đã ra quân làm thủy lợi nội đồng tập trung tôn cao khép kín bờ vùng, bờ thửa, nạo vét hệ thống kênh mương dẫn nước, cửa cống lấy nước, khơi thông dòng chảy đảm bảo tưới tiêu thuận lợi. Đẩy mạnh tiến độ thi công các công trình đầu mối, xây dựng kênh mương kiên cố và cống đầu kênh phục vụ cho sản xuất vụ đông, xây dựng cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm, góp phần chủ động nguồn nước tưới.
Cùng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tăng cường năng lực tưới tiêu, Yên Khánh còn chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt các yêu cầu về kỹ thuật trong gieo cấy lúa đông xuân. Trong chăm bón thực hiện tốt phương châm bón đúng, bón đủ, cân đối NPK theo nhu cầu của mỗi loại cây trồng và tùy từng chân đất để bón. Trong đó đặc biệt chú trọng đến việc ứng dụng chương trình "ba giảm, ba tăng" là giảm đạm, thuốc bảo vệ thực vật, lãng phí nước và tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả. áp dụng phương pháp tưới tiêu khoa học nhằm tiết kiệm nước chống hạn cho lúa. Các HTX củng cố đội ngũ cán bộ kỹ thuật làm tốt công tác khuyến nông, tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho các hộ nông dân. Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện đã phối hợp với các đoàn thể hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho nông dân; tổ chức khảo nghiệm các cây trồng mới, quy trình kỹ thuật mới, tiếp thu và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần giành thắng lợi trong vụ đông xuân 2009.
Thanh Chiên