Đảm bảo an toàn cho diện tích nuôi cá lồng trên sông Hồng trước ảnh hưởng của bão Wipha
Thứ Tư, 23/07/2025, 13:57
Zalo
Nhờ sự chủ động ứng phó của chính quyền địa phương và các hộ nuôi, diện tích lồng bè nuôi cá trên sông Hồng đoạn qua địa phận Hà Nam (cũ) vẫn được đảm bảo an toàn khi bão số 3 (Wipha) đổ bộ vào tỉnh Ninh Bình.
Nhờ chủ động ứng phó, hệ thống lồng bè nuôi cá lồng trên sông Hồng của gia đình ông Trần Văn Sỹ, thôn Duyên Hà, xã Nam Lý vẫn an toàn khi bão Wipha đổ bộ.
Thời điểm bão Wipha cập đất liền, tâm bão nằm trong khu vực tỉnh Hưng Yên - Ninh Bình vào trưa 22/7, tại khu vực nuôi trồng thủy sản ven sông Hồng thuộc xã Nam Lý (tỉnh Ninh Bình) có mưa to và gió giật mạnh. Sau khi bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới vẫn tiếp tục gây mưa cho nhiều địa phương.
Hộ ông Trần Văn Sỹ ở thôn Duyên Hà, xã Nam Lý phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông Hồng đã gần 15 năm. Với 27 lồng cá có diện tích gần 1.000 m2, hiện ông chỉ tập trung đầu tư nuôi các loại cá đặc sản có giá trị kinh tế cao là cá lăng, cá ngạch, cá chép giòn, rô phi đơn tính và cả cá Koi, thu nhập bình quân mỗi năm lên tới cả tỷ đồng.
Ông cho biết, lo ngại nhất của các hộ nuôi cá lồng là hoàn lưu mưa sau bão, vì mưa to, nước lũ thượng nguồn mang lượng lớn phù sa đổ về làm thay đổi áp lực dòng chảy và môi trường nước, làm ảnh hưởng lớn đến các lồng cá trên sông. Mưa lớn sau cơn bão số 3 (Yagi) xảy ra vào tháng 9/2024 khiến lũ trên sông Hồng qua địa phận Hà Nam (cũ) dâng rất cao, vượt mức báo động 3, gia đình ông Sỹ đã bị mất hơn 10 tấn cá do nước lũ chảy xiết làm rách lưới, cá tràn ra ngoài và nhiều lồng cá bị chết do suy yếu vì nước lũ, thiệt hại gần 1 tỷ đồng.
Ông Trần Văn Sỹ kiểm tra, gia cố lại hệ thống lồng bè nuôi cá của gia đình.
Rút kinh nghiệm, năm nay, trước khi bước vào mùa mưa bão, ông Sỹ đã chú trọng kiểm tra, gia cố lại hệ thống lồng nuôi, đầu tư thêm thùng phao nổi, thay mới hệ thống lưới cũ, rách của các lồng cá. Được dự báo cơn bão số 3 (Wipha) sẽ đổ bộ vào đất liền, trong đó khu vực tỉnh Ninh Bình sẽ là trọng tâm mưa to đến rất to, ông Sỹ đã chủ động giăng lưới che kín các lồng cá, bổ sung thêm thuốc bổ, dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho đàn cá trước khi bão về. Đồng thời, đối với những lồng cá đã đạt trọng lượng để xuất bán, ông cũng khẩn trương tiến hành thu hoạch để giảm thiểu tổn thất nếu mưa lũ xảy ra.
Các hộ nuôi cá lồng trên sông Hồng đã chủ động che phủ lưới cho bề mặt lồng cá để tránh thất thoát cá khi mưa lớn, nước lũ dâng cao.
Nghề nuôi cá lồng trên sông Hồng là hướng chăn nuôi thủy sản cho thu nhập cao, bền vững. Do vậy, nhiều năm nay, nhiều nông dân tại các khu vực dọc các con sông lớn qua địa bàn tỉnh Ninh Bình đã mạnh dạn đầu tư phát triển nghề nuôi cá lồng. Theo thống kê, chỉ tính riêng dọc bãi sông Hồng (khu vực Hà Nam cũ) có gần 600 lồng nuôi cá được nuôi tập trung vùng ven sông thuộc địa bàn các xã: Nam Lý, Trần Thương và phường Duy Tiên. Sản lượng cá lồng mỗi năm đạt từ 3.000 - 3.500 tấn. Trong đó, xã Nam Lý có diện tích nuôi cá lồng lớn nhất với 332,09 ha, 220 lồng cá các loại dọc vùng bãi sông Hồng qua địa bàn. Sản lượng cá thương phẩm mỗi năm bình quân là 1.000 tấn.
Ông Trần Văn Võ, thôn Duyên Hà, xã Nam Lý tăng cường dinh dưỡng cho đàn cá trong mùa mưa bão để tăng sức đề kháng, phòng tránh dịch bệnh khi môi trường nước sông thay đổi vì mưa lũ.
Theo ông Trần Minh Ngọc, Chủ tịch UBND xã Nam Lý, nuôi cá lồng trên sông là ngành nghề chăn nuôi giúp nhiều hộ nông dân của xã thoát nghèo, làm giàu và cũng là định hướng phát triển để gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp của địa phương trong thời gian tới. Vì thế, việc bảo vệ an toàn cho hệ thống lồng bè nuôi cá luôn được xã quan tâm. Trong công tác quản lý, ngành Nông nghiệp đã hướng dẫn đặt vị trí các lồng bè nằm trong vùng quy hoạch nuôi thủy sản đảm bảo an toàn.
Trong công tác ứng phó với bão Waphi, ngoài việc tăng cường tuyên truyền cho người dân không được chủ quan, lơ là trước diễn biến phức tạp, khó lường của cơn bão, chính quyền địa phương còn trực tiếp cắt cử lực lượng hỗ trợ các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp chủ động bảo vệ hệ thống lồng bè nuôi cá trên sông Hồng để giảm thiểu tối đa thiệt hại nếu mưa bão và nước lũ dâng cao tác động vào hệ thống lồng cá. Các lực lượng an ninh trật tự ở cơ sở, dân quân địa phương cũng được cắt cử để hỗ trợ các hộ nuôi cá thực hiện gia cố lồng bè, thu hoạch cá thương phẩm đạt tiêu chuẩn để xuất bán trước khi cơn bão đổ bộ vào đất liền.
Hộ ông Trần Văn Võ ở thôn Duyên Hà, xã Nam Lý hiện có 16 lồng cá với các loại cá đặc sản có giá trị kinh tế cao và được ưu chuộng trên thị trường. Ông cho biết, vị trí lồng nuôi cá của gia đình được đặt ở vị trí thuận lợi, tránh được những dòng chảy ngầm xiết của dòng sông; đồng thời ông đã chú trọng đầu tư để bảo đảm lồng bè đủ vững chắc để chịu đựng được gió mạnh và mưa lớn.
Trước bão Waphi, được sự hỗ trợ của các lực lượng do chính quyền địa phương cắt cử, hệ thống lồng bè được ông gia cố, chằng buộc chắc chắn; sử dụng thêm các bao cát nặng để gia tăng trọng lượng cho các lồng bè chống trôi. Nên dù khi bão về có mưa to và gió giật mạnh, bè cá 16 lồng của ông Võ vẫn an toàn, không có lồng cá nào bị trôi, chìm, gãy.
Việc chủ động ứng phó, đảm bảo an toàn cho các diện tích nuôi cá lồng trên sông Hồng trước mưa bão là yếu tố quan trọng thúc đẩy nghề sản xuất đặc thù này phát triển, góp phần vào tăng trưởng thủy sản nói riêng và ngành Nông nghiệp của tỉnh nói chung.