Bão số 3 có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 kèm theo lượng mưa phổ biến từ 100-250mm, có nơi trên 250mm đã gây nên tình trạng úng, ngập tại nhiều cánh đồng sản xuất lúa, cây màu, khu vực nuôi thuỷ sản... Với sự nỗ lực, quyết tâm nhanh chóng khôi phục sản xuất sau bão, cấp uỷ Đảng, chính quyền và người dân các địa phương đang tích cực triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) Hà Nam phục vụ có lượng mưa trung bình hơn 100 mm, gây ngập úng cho gần 4.780 ha lúa mùa mới cấy của các địa phương. Tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp tiêu nước, cứu lúa, Công ty đã tổ chức vận hành gần 60 máy bơm của 17 trạm bơm tiêu úng. Đội ngũ công nhân thủy nông được huy động tập trung kiểm tra, kịp thời giải tỏa ách tắc trên hệ thống kênh tiêu, kênh dẫn và trước lưới chắn rác của bể hút các trạm bơm. Đến 7 giờ sáng ngày 23/7 còn gần 3.400 ha lúa mùa bị ngập, gồm: 794 ha ngập phất phơ, 705 ha ngập trắng, gần 1.895 ha sâu nước.
Ông Lê Văn Hòa, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Hà Nam cho biết: “Công ty đang khẩn trương tiêu úng cho diện tích lúa mới cấy của các địa phương. Với điều kiện thời tiết như hiện nay, những diện tích lúa bị ngập sâu nước sẽ được rút cơ bản, hạn chế đáng kể diện tích lúa ngập phất phơ và ngập trắng. Dự kiến nước rút toàn bộ trong 1-2 ngày tới sẽ hạn chế thấp nhất diện tích phải gieo cấy lại”.
Hiện nay, nhiệm vụ tiêu úng cũng đang được các HTX dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai đồng bộ bằng nhiều biện pháp, huy động tối đa nhân lực, máy bơm, kể cả của người dân địa phương.
HTX dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (xã Liêm Hà) gieo cấy hơn 400 ha lúa mùa, trong đó có 50% diện tích lúa gieo sạ thời điểm giữa tháng 7. Mưa lớn kéo dài đã làm trên 50% diện tích lúa mùa của HTX bị ngập úng, nhiều diện tích ngập trắng. Trước tình trạng trên, HTX dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà đã triển khai tiêu úng cục bộ, vận hành các trạm bơm điện nội đồng để bơm ra hệ thống kênh chính. Với những nơi quá trũng, xa hệ thống kênh trục chính, HTX huy động máy bơm dầu của nhân dân tiêu nước cục bộ. Nhờ đó, đến sáng ngày 24/7, đã có trên 80% diện tích lúa bị ngập được rút nước nên không ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của lúa.
Theo ông Lại Trung Tâm, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà: Địa phương nằm ở vùng trũng, cuối nguồn tiêu của hệ thống thủy lợi chính. Khi có mưa lớn HTX triển khai nhanh, đồng bộ các giải pháp, kết hợp với Xí nghiệp Thủy nông, HTX và người dân để việc tiêu thoát nước được thuận lợi, nhanh chóng. Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn người dân quản lý tốt diện tích mạ dự phòng để có thể dặm tỉa, cấy lại ở những diện tích bị ảnh hưởng do lúa mới cấy và bị ốc bươu vàng xâm hại.
Tại một số xã vùng trũng thuộc địa bàn quản lý phục vụ tưới, tiêu nước của Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Nam Ninh có hơn 7.000 ha lúa mùa bị ngập, trong đó phần lớn diện tích mới cấy xong, nếu không tiêu nước kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa. Với quyết tâm, nỗ lực cao nhất, Công ty đã huy động 100% công nhân, người lao động, tổ chức phân công lực lượng tiến hành quan trắc 4 lần/ngày và tính toán lưu lượng nước về trên sông Hồng, sông Đào, sẵn sàng mở 57 cống dưới đê, trong đó có 43 cống ở các tuyến đê chính và 14 cống ở các tuyến đê bối nhằm thoát nước trên toàn hệ thống vào bất kỳ thời điểm nào không kể ngày hay đêm để đảm bảo nước thoát nhanh nhất, bảo vệ và khôi phục sản xuất. Đồng thời vận hành tối đa công suất 11 trạm bơm dưới đê với tổng công suất là 199.950 m3/giờ, để tiêu nước, cứu lúa.
Theo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Môi trường, toàn tỉnh có gần 78.356 ha lúa mùa bị ngập. Trong đó, ngập trắng hơn 67.162 ha, ngập phất phơ 7.536 ha và ngập 2/3 là 3.657 ha. Nhiều cây xanh, cây dược liệu, cây ăn quả, cây đào cảnh, hoa màu… bị ngập úng, gãy đổ.
Ngoài ra, toàn tỉnh có 3 điểm sạt lở đê bối Nam Quần Liêu tại Km1+850 (xã Nghĩa Sơn) và sạt lở đất, đá tại núi Vái Giời (phường Nam Hoa Lư), sạt lở mái thân đê bối Lộ Xuyên (xã Ninh Giang). Để khắc phục thiệt hại sau mưa, bão, các Công ty KTCTTL trong tỉnh đã vận hành 345 máy bơm của 110 trạm bơm; 116 cống dưới đê và 19 cống để tiêu nước.
Đồng chí Nguyễn Sinh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Ngành Nông nghiệp đề nghị các địa phương khoanh vùng, điều tiết nước hợp lý cho từng khu vực, chủ động tiêu rút nước đệm trên các tuyến kênh mương, nhất là ở những vùng trũng, thấp khi có mưa lớn. Các địa phương tiếp tục chỉ đạo vận hành tối đa năng lực công trình được giao quản lý, khai thác để tiêu thoát nước cho các khu vực, diện tích lúa, cây hoa màu bị ngập, phù hợp với đặc điểm địa hình, tình hình mưa và năng lực công trình. Thường xuyên kiểm tra các hạng mục công trình, đặc biệt là tuyến kênh chính tại các vị trí xung yếu có nguy cơ sạt lở; khắc phục kịp thời các sự cố xảy ra; nắm bắt chính xác diễn biến mực nước và chủ động điều hành sản xuất, đảm bảo vận hành an toàn công trình.
Cùng với việc tiêu úng, cứu lúa, cây màu, việc khắc phục hậu quả trên diện tích nuôi thuỷ sản ở các địa phương cũng được tập trung triển khai. Tại xã Hải Thịnh có 310 ha nuôi thủy sản bị thiệt hại do mưa lớn, nước tràn bờ làm thủy sản nuôi bị sốc môi trường, gây thất thoát cá, tôm giống và ô nhiễm môi trường ao nuôi. Đồng chí Trần Minh Đăng, Bí thư Đảng uỷ xã cho biết: Ngay sau khi bão tan, Đảng uỷ, UBND xã đã khẩn trương chỉ đạo triển khai các biện pháp nhằm khôi phục sản xuất, giảm thiểu thiệt hại cho nông dân. Phòng Kinh tế, các HTX tập trung lực lượng khoanh vùng, vận hành hệ thống kênh tiêu, bố trí máy bơm tiêu nước phù hợp; hướng dẫn người dân mở cống ao đầm nuôi thuỷ sản để tiêu thoát nước nhanh ra khỏi ao, vệ sinh khu vực nuôi, xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học để tiêu độc, khử trùng.
Với những ao đầm bị nước ngập hoàn toàn, hướng dẫn người nuôi xử lý môi trường ao đầm nuôi và tái thả giống phù hợp với điều kiện môi trường, đồng thời tiếp tục đầu tư cải tạo hệ thống bờ bao, cống cấp thoát nước, lưới chắn để tăng khả năng chống chịu trước diễn biến cực đoan của thời tiết. Khuyến khích các đơn vị doanh nghiệp thủy sản chủ động cung cấp giống, thức ăn và tư vấn kỹ thuật, giúp người dân nhanh chóng khôi phục sản xuất, ổn định thu nhập sau bão.
Sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng, cấp uỷ Đảng, chính quyền các địa phương và nông dân để bảo vệ, khôi phục sản xuất lúa mùa, cây màu hè thu và thuỷ sản sau bão số 3 sẽ góp phần giảm thiểu tối đa thiệt hại, bảo đảm giành kết quả cao về năng suất, sản lượng và giá trị thu nhập trên từng đơn vị diện tích canh tác.