Gia đình chị Nguyễn Thị Thỏa ở xóm Tân 1, xã Khánh Lợi (Yên Khánh) là một trong những hộ duy trì nghề đan bèo bồng sau khi kết thúc khóa học nghề do Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức từ tháng 12/2017. Chị Thỏa phấn khởi cho biết, mặc dù địa phương có truyền thống làm nghề đan cói, bèo bồng, nhưng khi tham gia lớp học nghề, được các nghệ nhân chỉ dạy tường tận các kỹ thuật từ cơ bản đến nâng cao thì các sản phẩm học viên làm ra đáp ứng được yêu cầu khắt khe của doanh nghiệp. Sản phẩm làm ra đến đâu đều được doanh nghiệp thu mua với mức giá tương đối ổn định. Nếu làm chăm chỉ, mỗi tháng chị Thỏa cũng có thu nhập hơn 2 triệu đồng từ nghề đan bèo bồng. "Bây giờ thì không phải lo đi tìm việc như trước kia nữa vì tôi đã có nghề để làm ngay tại nhà. Người biết nghề lại chỉ bảo cho người chưa biết, hiện nay ở xóm tôi hầu như nhà nào cũng có người làm nghề đan bèo bồng. Cuộc sống của bà con dần ổn định và được cải thiện nhiều hơn từ khi có nghề"- chị Thỏa vui vẻ nói.
Đồng chí Nguyễn Văn Tuyến, Chủ tịch UBND xã Khánh Lợi cho biết: Lớp học nghề đan lát thủ công có 25 học viên với thời gian 2 tháng. Bằng hình thức cầm tay chỉ việc, các giảng viên đã hướng dẫn cách làm các mặt hàng từ đơn giản đến hàng có yêu cầu kỹ thuật cao… Kết quả, 100% học viên đã nắm được các kỹ thuật đan từ đơn giản đến phức tạp và đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận nghề. Kết thúc lớp học, các học viên đã làm ra gần 4 nghìn sản phẩm đạt yêu cầu. Tất cả học viên sau khi tốt nghiệp đã được tạo việc làm tại địa phương với mức thu nhập ổn định… Qua các lớp dạy nghề đã mang lại cơ hội, giúp người dân có nghề và ổn định cuộc sống, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo ở địa phương.
Theo đồng chí Phạm Ngọc Điệp, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Yên Khánh, chính sự tâm huyết, tích cực vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương là nhân tố quyết định đến thành công của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Yên Khánh thời gian qua. Bên cạnh đó, để công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả cao, Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định 1956 của huyện đã chỉ đạo Ban chỉ đạo 1956 các xã, thị trấn phối hợp với các phòng chuyên môn, các đoàn thể của huyện, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tư vấn, lựa chọn nghề và khảo sát nhu cầu của người học nghề làm cơ sở để tuyển sinh đào tạo. Việc tuyên truyền, tư vấn được triển khai lồng ghép trong các hội nghị, sơ kết, các buổi sinh hoạt, giao ban ở các xã, các thôn, xóm, phố qua đó đã tư vấn cho hàng nghìn lượt người.
Trên cơ sở kết quả khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn trên địa bàn huyện, kinh phí được phân bổ, Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định 1956 huyện đã tham mưu cho UBND huyện ban hành kế hoạch tổ chức dạy nghề, phân công các thành viên Ban chỉ đạo hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các xã, thị trấn thực hiện công tác dạy nghề. Đồng thời chỉ đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên phối hợp với các phòng chuyên môn của huyện, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo, chuẩn bị các điều kiện tổ chức tốt các lớp dạy nghề tại trung tâm và tại các xã, cụm xã, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của lao động tham gia học nghề, đảm bảo theo yêu cầu quy định của đề án được các cấp phê duyệt. Trong năm 2017, toàn huyện có 428 người được hỗ trợ học nghề từ ngân sách trung ương và địa phương được đào tạo xong, 345 người có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ có năng suất, thu nhập cao hơn, đạt 85%; 100% tiếp tục làm nghề cũ có năng suất, thu nhập cao hơn (tự tạo việc làm). Lao động nông thôn có việc làm ổn định đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững. Tính đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 3,1%.
Bên cạnh đó, huyện Yên Khánh cũng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia vào công tác đào tạo nghề, điển hình như Công ty TNHH Thành Hóa. Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, Công ty cũng đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Ông Đỗ Trung Kiên, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Thành Hóa cho biết, hiện nay có 17/19 xã, thị trấn của huyện Yên Khánh có nghề phụ do Công ty TNHH Thành Hóa trực tiếp truyền dạy và cung cấp các đơn hàng trong suốt những năm qua. Năm 2017, Công ty đã tổ chức 15 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, Công ty có trên 4.000 lao động vệ tinh, trong đó riêng huyện Yên Khánh chiếm trên 50%.
Năm 2018, dự kiến huyện Yên Khánh sẽ mở 10 lớp dạy nghề với 350 học viên, tập trung dạy nghề phi nông nghiệp, những nghề như may, đan cói, bèo bồng và thử nghiệm một số nghề mới theo nhu cầu của thị trường hoặc tự tạo được việc làm như may công nghiệp, xây dựng dân dụng, cơ khí, nuôi và phòng trị bệnh cho gà, trồng rau sạch…
Đào Hằng