Trong khi nhiều xã khu vực nông thôn trong tỉnh đang mong mỏi có nước sạch để sinh hoạt nhằm cải thiện và nâng cao đời sống, thì tại xã Yên Đồng (huyện Yên Mô) lại có một nhà máy cung cấp nước sạch có công suất lớn đã hoàn thành, song đóng cửa để đấy, còn các hộ dân trong xã hàng ngày vẫn phải dùng nước ao, hồ, giếng đào không đảm bảo vệ sinh.
Yên Đồng là một trong những xã nghèo của huyện Yên Mô, từ bao đời nay, các hộ dân trong xã thường dùng nguồn nước tự nhiên như ao, hồ, nước giếng và nước mưa phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, qua thời gian, nguồn nước tự nhiên đã bắt đầu có dấu hiệu ô nhiễm, chủ yếu là nhiễm phèn, chính vì vậy nhà nào trong xã cũng có bể nước mưa, quy mô khối lượng tùy vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Dự án nước sạch của xã được khởi công từ năm 2008, tổng nguồn vốn đầu tư là 11 tỷ đồng, công suất 700 m3 /giờ. Chi cục Phát triển nông thôn là đơn vị chủ đầu tư và tổ chức thi công, sử dụng nguồn vốn của Chính phủ. Vốn đối ứng của xã 10%, tức là bằng 1, 1 tỷ đồng huy động của dân. Hiện nay số khẩu của xã là trên 5.000, chia bình quân 200 nghìn đồng /khẩu. Đến nay mới chỉ thu được gần 70 triệu đồng, tức là khoảng 90 hộ đã nộp tiền. Đến cuối năm 2010, dự án cấp nước sạch của xã đã hoàn thành, song đến nay vẫn chưa đưa vào vận hành cung cấp nước sạch cho các hộ. Theo lãnh đạo xã Yên Đồng, nguyên nhân chính là do các hộ dân chưa đóng đủ kinh phí nên chưa thể triển khai thi công hệ thống đấu nối đường ống dẫn nước sạch vào các thôn, xóm cũng như đến từng hộ gia đình. Thực ra kinh phí các hộ đóng theo khẩu là không lớn, nhưng thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm là để tăng tính cộng đồng trách nhiệm trong việc bảo vệ dự án nước sạch.
Vấn đề khúc mắc lớn nhất làm cho công trình cấp nước sạch của xã chưa thể đi vào vận hành theo đúng kế hoạch chính là ở chỗ khác biệt giữa đơn vị quản lý dự án và nhiều hộ gia đình. Một bên thì yêu cầu các hộ dân đóng đủ kinh phí để thi công đường dẫn nước, bên kia thì lại muốn chủ đầu tư công trình phải tiến hành thi công hệ thống đường dẫn nước sạch vào các hộ dân thì sẽ đóng kinh phí đầy đủ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, thì số tiền 200 nghìn đồng trên một khẩu đóng cho công trình nước sạch không phải là lớn.
Thiết nghĩ, để tránh chậm chễ và gây lãng phí một công trình quy mô hiện đại như dự án nước sạch kể trên, chính quyền địa phương cũng cần có giải pháp tuyên truyền, thuyết phục huy động sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể để mọi người dân sớm nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc sử dụng nước sạch, mạnh dạn đầu tư, thay đổi thói quen sinh hoạt lạc hậu vì sức khỏe của bản thân và gia đình.
Khánh Vân