Kỳ II: Doanh nghiệp thiếu sức cạnh tranh
Ông Phạm Ngọc Quang, Phó Phòng Kế hoạch- tổng hợp, Sở Công thương cho biết: Nếu như trước đây, các doanh nghiệp xuất khẩu chỉ cần đảm bảo chất lượng và mẫu mã sản phẩm theo yêu cầu của bạn hàng thì sau khi Việt Nam gia nhập WTO, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam muốn xuất khẩu được phải đảm bảo các yếu tố liên quan đến môi trường và sức khỏe. Chẳng hạn: các quy định về nguồn nguyên liệu có liên quan đến hủy hoại các loại cây trồng, các hệ sinh thái của rừng hay không, hoặc là quy trình kỹ thuật có đảm bảo an toàn cho người sử dụng sản phẩm thủ công mỹ nghệ... Bên cạnh đó, các bạn hàng cũng thường xuyên kiểm tra cơ sở sản xuất về tiêu chuẩn sức khỏe người lao động, kho bảo ôn, nhà ăn, chế độ và việc sử dụng lao động. Điều này một mặt giúp cho chất lượng hàng thủ công mỹ nghệ của Ninh Bình càng được hoàn thiện hơn. Mặt khác, những ràng buộc này cũng làm cho một số lô hàng xuất khẩu đã xuất bị trả lại do chất lượng không đảm bảo, làm ảnh hưởng đến hiệu quả của đơn vị và ảnh hưởng đến uy tín các nhà xuất khẩu Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp tỉnh Ninh Bình nói riêng.
Theo đánh giá của Văn phòng VCCI tại Ninh Bình: Vấn đề thị trường không phải là khó khăn, mà cái khó nhất hiện nay là nội tại sản xuất trong nước, làm thế nào để sản phẩm có tính cạnh tranh. Hiện tại, chúng ta mới chỉ chiếm khoảng 1,5% thị phần, khách hàng đang bỏ Trung Quốc, ấn Độ nhiều như vậy, nhưng chúng ta vẫn không làm được vì giá thành quá cao. Nhiều làng nghề trong tỉnh đang phải đối mặt với tình trạng dịch chuyển lao động do tính cạnh tranh ngày càng ngặt nghèo, lao động không còn mặn mà với các nghề truyền thống.
Thực tế hiện nay, hàng thủ công mỹ nghệ ở tỉnh ta được sản xuất ở các làng nghề theo quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình chiếm khoảng 90%, còn lại là sản xuất ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh khoảng 10%, cơ sở vật chất nghèo nàn, không được chú trọng đầu tư; việc quản lý doanh nghiệp hầu hết theo mô hình gia đình, nhỏ lẻ, manh mún… Chị Nguyễn Thị Diệu, Chủ nhiệm HTX Thêu ren Thanh Hà (Yên Mô) cho biết, doanh nghiệp của tôi hiện tại tận dụng nhà ở làm nhà xưởng. Năm trước, doanh nghiệp được Trung tâm Khuyến công và Hỗ trợ tư vấn công nghiệp đầu tư 50 triệu đồng để xây dựng thêm nhà xưởng nhưng với số lượng nhân công vài trăm người như hiện nay thì nhà xưởng đó chưa thể đủ để công nhân có một nơi đảm bảo yên tâm sản xuất. Hơn nữa, việc đầu tư kho hàng cũng đang là vấn đề nan giải của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ. Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ là cơ sở gia công nếu muốn xuất trực tiếp thì chúng tôi phải đầu tư rất nhiều về cơ sở vật chất. Điều này nằm ngoài khả năng của doanh nghiệp.
Cũng như HXT Thêu ren Thanh Hà, Doanh nghiệp chiếu cói xuất khẩu Đại Đồng (Kim Sơn) cũng đang chật vật với việc mở rộng đầu tư nhà xưởng. Ông Trần Đăng Bằng, Giám đốc doanh nghiệp cho biết: Các HTX mặc dù đang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp đang vướng phải khó khăn là không đủ điều kiện để vay vốn phát triển cơ sở vật chất, mở rộng nhà xưởng. Đây chính là điểm yếu hạn chế việc mở rộng sản xuất, đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu lớn của bạn hàng nước ngoài. Điều đáng nói nhất là khâu thiết kế, tạo mẫu mã, kiểu dáng cho sản phẩm là phần tạo ra giá trị gia tăng cao nhất, nhưng hiện tại các doanh nghiệp của tỉnh lại hầu như phụ thuộc vào nước ngoài, dẫn đến sản phẩm chậm cải tiến về mẫu mã, chủng loại, giá trị hàng xuất khẩu chưa cao, năng lực cạnh tranh của sản phẩm còn thấp.
Cộng hưởng với những khó khăn trên chính là việc các doanh nghiệp kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu còn xem nhẹ công tác tiếp thị, xúc tiến thương mại và đầu tư cho các hoạt động này chưa tương xứng với yêu cầu đẩy mạnh xuất khẩu. Công tác xúc tiến thương mại vẫn mang nặng tính tự phát, dàn trải, thiếu chuyên nghiệp, hiệu quả đạt được từ các chương trình xúc tiến thương mại chưa cao.
Cùng với những khó khăn nội tại của bản thân các doanh nghiệp thì cơ chế chính sách của Nhà nước ban hành còn thiếu đồng bộ và chồng chéo giữa các ngành. Cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương chưa tập trung cao nguồn lực cho phát triển nghề và làng nghề. Các cơ chế hỗ trợ và khuyến khích của tỉnh về tài chính, đổi mới công nghệ, đăng ký thương hiệu, thu hút nhân tài chưa cụ thể. Hướng dẫn đầu tư của chính sách chưa cao khiến cho quá trình chuyển dịch trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu còn chậm, hạn chế khả năng nâng cao giá trị xuất khẩu và giá trị gia tăng của hàng hóa thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. Hệ thống thông tin thương mại, dự báo thị trường nhìn chung chưa đáp ứng đòi hỏi của công tác quản lý Nhà nước cũng như hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu.
Ông Hà Quang Điệp nhận xét: Những vấn đề các doanh nghiệp ngành thủ công mỹ nghệ đang gặp phải không phải là mới mà là những khó khăn cố hữu của ngành. Do tâm lý "ăn xổi", thiếu sự đầu tư đúng mức về công nghệ sản xuất, thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao năm qua, các doanh nghiệp trong ngành vẫn chấp nhận làm hàng giá rẻ, lấy công làm lãi. Trước sự biến động của thị trường và "xử ép" của khách hàng, các doanh nghiệp không thể tránh khỏi bất lợi.
Cần có cơ chế đặc thù cho xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ
Trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách để phát triển sản xuất và xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ như: Nghị quyết số 04/NQ-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 18/KH-UBND của UBND tỉnh về đẩy mạnh phát triển, trồng, chế biến cói, thêu ren và chế tác đá mỹ nghệ giai đoạn 2006 - 2010 và Nghị quyết số 15/NQ-TU ngày 13-7-2009 về phát triển du lịch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Bên cạnh đó, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 30/NQ-HĐND, Nghị quyết số 14/2008/NQ-HĐND và Nghị quyết số 02/NQ-HĐND phê duyệt Đề án phát triển xuất khẩu tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2011-2015 để tạo thêm điều kiện phát triển cho hoạt động xuất khẩu nói chung và xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ nói riêng. Qua đó đã huy động và thu hút được một lượng lớn vốn đầu tư phục vụ sản xuất, tạo ra nguồn lực quan trọng để mở rộng quy mô sản xuất trong nước, gia tăng khối lượng hàng hóa phục vụ cho xuất khẩu. Ngoài ra, tỉnh còn quan tâm khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, đào tạo nghề, truyền nghề, vinh danh các nghệ nhân có đóng góp lớn… Bên cạnh đó, phải kể đến sự nỗ lực cố gắng cao độ của các doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ trong việc gắn sản xuất với thị trường; nâng cao trình độ công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh để từng bước thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Trong những năm qua, ngành Công thương đã thường xuyên có chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại cho ngành thủ công mỹ nghệ trong và ngoài nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ để mở rộng thị trường xuất khẩu trực tiếp đến nhà phân phối, nâng cao hiệu quả sản xuất. Thường xuyên cung cấp thông tin dự báo về diễn biến thị trường, giá cả và những thay đổi về pháp luật nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của các nước để tránh rủi ro cho doanh nghiệp hoặc định hướng mở rộng thị trường. Tài trợ cho các giải sáng tác mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm thủ công mỹ nghệ nhằm khuyến khích thiết kế sáng tạo, phát triển các mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới, phù hợp với nhu cầu thị trường, từng bước khẳng định và tăng cường khả năng cạnh tranh sản phẩm thủ công mỹ nghệ đối với thị trường thế giới.
Tuy nhiên, ông Đoàn Lan, Giám đốc doanh nghiệp Đổi Mới cho rằng: Mặt hàng thủ công mỹ nghệ hầu như đạt 100% giá trị xuất khẩu, còn lại cũng đạt trên 80% giá trị kim ngạch xuất khẩu, góp phần tích cực cho việc bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, mức độ phát triển của ngành thủ công mỹ nghệ vẫn còn hạn chế so với tiềm năng của nó. Đặc biệt, những năm gần đây doanh thu xuất khẩu của ngành thủ công mỹ nghệ mặc dù có tăng trưởng nhưng vẫn không đạt được chỉ tiêu đề ra. Để có thể tận dụng được dòng chuyển dịch hiện nay và đảm bảo cho sự phát triển lâu dài, bền vững, các doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ nên chủ động liên kết lại xây dựng làng nghề hoặc cụm sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Bổ sung lẫn nhau và ổn định việc làm cho lực lượng lao động. Thông qua cụm sản xuất hoặc làng nghề để phô trương khả năng sản xuất, nâng tính phong phú, đa dạng của sản phẩm, thu hút sự quan tâm và lòng tin của người mua hàng. Tăng cường việc kiểm tra chất lượng sản phẩm khi sản xuất, để đảm bảo tính đồng nhất và ổn định chất lượng sản phẩm... Xây dựng lại niềm tin của khách hàng đối với sản phẩm mỹ nghệ của mình.
Đối với Nhà nước, cần có chính sách ưu đãi đặc thù để hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ như: tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục, khuyến khích phát triển và tổ chức các làng nghề hoặc cụm sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại các vùng nông thôn và vùng ven đô thị để tận dụng nguyên liệu và nguồn lao động tại chỗ, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Có chủ trương tài trợ cho vay ưu đãi các dự án phát triển ngành thủ công mỹ nghệ, tạo điều kiện cho các đơn vị xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ. Có quy định cụ thể về việc sử dụng lao động nhàn rỗi không thường xuyên ở nông thôn, đối với lao động gia công hàng thủ công mỹ nghệ, để chi phí tiền gia công được chấp nhận là chi phí hợp lý.
Ông Hà Quang Điệp, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại tỉnh khẳng định: Nếu chúng ta có chính sách khuyến khích phù hợp, sẽ giúp doanh nghiệp ngành thủ công mỹ nghệ có điều kiện đầu tư phát triển, tăng cường khả năng sản xuất, tạo ra các sản phẩm có mẫu mã riêng, kiểu dáng đẹp, chất lượng phù hợp, hữu ích với giá cả hợp lý có khả năng tiếp nhận các đơn hàng lớn, mở rộng thị trường xuất khẩu. Do đó, việc thực hiện mục tiêu tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đạt từ 14-15%/năm; phấn đấu đến năm 2020 kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của tỉnh đạt trên 20 triệu USD có thể thực hiện được
Nguyễn Thơm