Những chính sách "kích cầu" khu vực nông thôn miền núi
Năm 2011, khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), Ninh Bình có 52/62 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi thực hiện Chương trình. Vào thời điểm đó, Ninh Bình gặp nhiều khó khăn do các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi có địa bàn rộng, dân cư phân tán, điều kiện phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu và yếu. Trong khi đó, nhận thức của người dân về ý nghĩa, nội dung và tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tại một số nơi còn hạn chế, coi chương trình như một dự án nên thường có tư tưởng trông chờ, ỷ nại. Mặt khác, việc áp dụng Bộ tiêu chí xây dựng NTM cho các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi chưa phù hợp, khó thực hiện...
Khắc phục những khó khăn, bất cập trên, tỉnh Ninh Bình đã đề ra nhiều giải pháp nhằm vận dụng linh hoạt các chủ trương, chính sách của Trung ương, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Theo đó, tỉnh đã ban hành các chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn nói chung cũng như vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng như: Chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến bền vững đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình nhằm thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM; Quyết định 140 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phân công các cơ quan, đơn vị phụ trách và các doanh nghiệp kết nghĩa với các xã có tính chất đặc thù. Ngoài ra, HĐND tỉnh còn ban hành một số nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù trong xây dựng NTM như quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phân chia các khoản thu giữa ngân sách các cấp, trong đó để lại 100% tiền đấu giá quyền sử dụng đất cho các xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2017-2020; hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn và nhiều chính sách khác...
Để các chính sách sớm được triển khai trong thực tiễn, tỉnh chú trọng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tham gia chương trình xây dựng NTM. Theo đó, hàng năm Ban Chỉ đạo tỉnh đều tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức xây dựng NTM cho cán bộ làm công tác xây dựng NTM các cấp (bình quân 1.600 học viên/năm, trong đó có 700 cán bộ các xã miền núi, dân tộc thiểu số). Ngoài ra các sở, ban, ngành, đoàn thể cũng tổ chức tập huấn kiến thức xây dựng NTM cho hàng nghìn cán bộ, hội viên và nhân dân. Bên cạnh đó, tỉnh, huyện, xã thường xuyên tổ chức các đoàn công tác tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm xây dựng NTM tại các địa phương trong và ngoài tỉnh. Thông qua đào tạo, tập huấn đã góp phần cập nhật kiến thức, những chính sách mới về xây dựng NTM, phổ biến và nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong xây dựng NTM cho cán bộ, đồng thời góp phần tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân về Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, từng bước khắc phục tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Quan tâm đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng
Với phương châm xây dựng NTM phát triển bền vững, tỉnh đã tập trung huy động nguồn vốn và có sự phân bổ hợp lý cho các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã huy động được 208,2 tỷ đồng (không tính nguồn tín dụng, nhân dân đóng góp và các nguồn hợp pháp khác) cho các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng miền núi, dân tộc thiểu số, trong đó từ Chương trình 135 là 92,9 tỷ đồng, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM là 21,6 tỷ đồng và các nguồn khác khoảng 93,7 tỷ đồng. Từ nguồn vốn, nhiều xã được đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM.
Thực hiện phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", ngoài huy động các nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, các địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia góp công sức, trí tuệ, góp của để xây dựng hệ thống đường giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa và nhiều công trình phúc lợi khác. Trong 9 năm qua (2011-2018), toàn tỉnh đã hỗ trợ 88.000 tấn xi măng cho các xã miền núi, vùng dân tộc thiểu số và đã làm được 5.700 tuyến đường với tổng chiều dài khoảng 632 km. Theo kết quả tự đánh giá của các địa phương, đến nay 43/54 xã miền núi đạt chuẩn tiêu chí giao thông, tăng 24 xã so với năm 2015.
Cùng với đó, hệ thống thủy lợi, hệ thống lưới điện, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa... được quan tâm đầu tư. Các xã đã kết hợp dồn điền, đổi thửa với chỉnh trang đồng ruộng, đường giao thông, kênh mương nội đồng, góp phần phục vụ tốt nhu cầu tưới tiêu, hình thành vùng sản xuất hàng hóa. Đến nay đã có 51/54 xã miền núi đạt chuẩn tiêu chí thủy lợi, tăng 29 xã so với năm 2015; 54/54 xã miền núi đạt chuẩn tiêu chí điện, tăng 9 xã so với năm 2015; 48/54 xã đạt chuẩn tiêu chí trường học, tăng 17 xã so với năm 2015; 44/54 xã miền núi đạt chuẩn tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, tăng 26 xã so với năm 2015...
Sau 9 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, trên địa bàn tỉnh đã có 38/54 xã thuộc khu vực miền núi đạt chuẩn NTM, dự kiến đến hết năm 2019 có thêm 7 xã miền núi được công nhận đạt chuẩn NTM. Đối với các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đã có 4/9 xã đạt chuẩn NTM, chỉ còn 5 xã đặc biệt khó khăn thuộc huyện Nho Quan chưa đạt chuẩn NTM, nhưng các tiêu chí xây dựng NTM đều đạt từ 10-15 tiêu chí/xã. Đáng chú ý là ngoài hoàn thành xây dựng NTM, hiện có 3 xã đang xây dựng xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 10 thôn thuộc 9 xã miền núi đăng ký phấn đấu hoàn thành xây dựng và được công nhận khu dân cư NTM kiểu mẫu. Thông qua việc thực hiện các chính sách của Trung ương, của tỉnh và sự nỗ lực vươn lên của người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi, tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 9,79% năm 2016 xuống còn 6,13% năm 2018.
Mai Lan