Lần đầu tiên, Hội Nhà văn và Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC) tổ chức gặp gỡ và tọa đàm đông đảo các nhà văn, nhà thơ, tác giả và đại diện các nhà xuất bản để thông báo, trao đổi và ghi nhận ý kiến của họ.
Luật sư Đỗ Khắc Chiến, với vai trò là một chuyên gia bản quyền đã trình bày lại đầy đủ quá trình việc Google số hóa các tác phẩm văn học trên thế giới mà không xin phép, dẫn đến vụ kiến tập thể của các tác giả và các nhà xuất bản tại Hoa Kỳ.
Vụ việc diễn ra từ năm 2004, khi Google đã vi phạm các quy định về bản quyền bằng việc tiến hành số hóa tác phẩm của các nhà văn nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có hơn 4000 cuốn sách của Việt Nam. Các tác giả và các nhà xuất bản tại Hoa Kỳ đã phản ứng mạnh mẽ với hành động này và tiến hành khởi xướng một vụ kiện tập thể. Lo sợ những hậu quả pháp lý có thể xảy ra, công ty Google đang mong muốn hợp pháp hóa việc làm của mình bằng cách liên hệ với các tổ chức đại diện quyền tác giả tại các nước. Ở Việt Nam, VLCC là đơn vị đã nhận được sự liên hệ trực tiếp từ phía luật sư của Google đề nghị đàm phán để đạt một thỏa thuận liên quan đến việc số hóa các cuốn sách Việt Nam, trên cơ sở phù hợp với các quy định pháp luật Việt Nam và quốc tế. Ngoài ra, một số nhà văn cũng cho biết, họ cũng trực tiếp nhận được thư từ phía Google về việc này.
Theo thỏa thuận mà Google đưa ra, mỗi đầu sách được số hóa sẽ được trả 60USD, một bộ phận hoàn chỉnh của một tác phẩm sẽ là 15USD và một đoạn trích dẫn là 5USD. Dự tính, tổng số tiền mà Google phải chi trả là 45 triệu USD cho toàn bộ tác phẩm được số hóa trên toàn thế giới trước ngày 5-5-2009.
Luật sư Đỗ Khắc Chiến cho biết, thời hạn cuối cùng để các nhà văn phải tuyên bố có tham gia hay không việc thỏa thuận thu xếp với Google là ngày 4-9 tới. Và sau khi bản thỏa thuận được đưa ra ngày 7-10 tại New York, các nhà văn sẽ được nhận tiền bồi thường thường và cả nhận tiền % doanh thu của tác phẩm mang lại. Tuy nhiên, sau đó, các nhà văn có quyền yêu cầu ra khỏi thư viện số hóa của Google và thời hạn đề xuất yêu cầu này là 5-4-2011. Như vậy, theo luật sư Chiến, việc Google số hóa các tác phẩm văn học Việt Nam không phải là một thỏa thuận độc quyền. Và theo như nhiều người bày tỏ, họ cho rằng đây là một cơ hội để quảng bá tác phẩm của mình mà cũng không mất mát nhiều như vẫn tưởng. Luật sư Chiến nhấn mạnh, những tác phẩm được Google số hóa vẫn có thể xuất hiện trên nhiều hình thức khác ở những trang web và xuất bản phẩm khác.
Mặc dù vậy, cũng còn nhiều ý kiến băn khoăn thắc mắc, về việc làm thế nào để biết tác phẩm nào đã được Google số hóa, tại sao có nhà văn lại nhận được thư đề nghị trực tiếp từ Google, trong khi một số khác thì không? Và nếu trong trường hợp có những nhà văn đã ủy thác bản quyền tác phẩm của mình cho các nhà xuất bản, thì ai sẽ là người tham gia vụ thỏa thuận này?
Tại buổi tọa đàm, các nhà văn phần lớn đều mong muốn được sự hướng dẫn cụ thể từ phía cơ quan quản lý. Một số nhà văn bày tỏ mong muốn ủy thác cho VLCC để đại diện cho quyền lợi của mình. Và trong điều kiện hiện nay, phần đông nhà văn bày tỏ nguyện vọng ủy thác quyền cho VLCC. Họ hy vọng VLCC sẽ là đại diện cho các nhà văn Việt Nam tìm ra một giải pháp tốt nhất vừa quảng bá tác phẩm, vừa bảo đảm quyền sở hữu của các tác giả Việt Nam.
Theo NDĐT