Trong lịch sử dân tộc, Cố đô Hoa Lư là nơi khởi nghiệp của ba triều đại là Đinh, Lê, Lý. Vì vậy, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị lịch sử văn hóa của Cố đô Hoa Lư là việc làm hết sức có ý nghĩa.
Do vậy, tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất của tỉnh Ninh Bình trong việc cần phải nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí của Cố đô Hoa Lư. Quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, trong đó Cố đô Hoa Lư được xác định là vùng lõi của Quần thể.
Theo tôi, Di sản mà chúng ta có hiện nay trên mảnh đất Cố đô Hoa Lư nên phân thành 2 loại, loại thứ nhất là những di tích quan sát được trên mặt đất: Chùa Một Cột, đền vua Đinh, vua Lê, lăng mộ vua Đinh - vua Lê…; loại di sản thứ hai là những di tích nằm trong lòng đất - đây là loại di tích có giá trị cực kỳ quan trọng. Khu di tích lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư bước đầu đang tiến hành khảo cổ học và đã phát hiện những dấu tích của kinh thành xưa, điều này chứng tỏ là trong lòng đất Cố đô Hoa Lư còn rất nhiều các kiến trúc thời Đinh - tiền Lê.
Do đó, phải có kế hoạch khảo cổ một cách tổng thể, chặt chẽ, công tác khai quật phải được tiến hành một cách rất bài bản, thận trọng, trong đó những năm đầu tiên tập trung vào vị trí nào mà chúng ta biết chắc chắn là vùng trung tâm của Cố đô Hoa Lư - nơi khả năng có những cung điện. Cũng cần phải nhận thức được rằng, khai quật không phải để giải phóng mặt bằng, cũng không phải khai quật để nhận thức vấn đề mà yêu cầu cao hơn là khai quật để bảo tồn (Bảo tồn nguyên vẹn không chỉ là những di tích trên mặt đất mà bao gồm những di tích trong lòng đất).
Kết quả khai quật sẽ cung cấp những tư liệu về kinh đô Hoa Lư đúng như nó đã từng tồn tại mà chúng ta chưa hình dung ra được. Cần nâng cao hơn nữa nhận thức về Cố đô Hoa Lư, không chỉ là những gì chúng ta nhìn thấy trên mặt đất như hiện nay, cũng không phải trong truyền thuyết dân gian, cũng không phải như những ghi chép cực kỳ vắn tắt trong sử sách. Mà kinh đô Hoa Lư sẽ được phát lộ dần dần và chắc chắn sẽ đưa ra những nhận thức mới mà chúng ta không thể nghĩ đến.
GS Phan Huy Lê
Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam