Tự hào về những tháng năm đẹp nhất của cuộc đời được trực tiếp tham gia chiến đấu trong những ngày tháng tư lịch sử, CCB Đàm Ngọc Bính bồi hồi nhớ lại: Năm 1972, khi vừa tròn 18 tuổi, ông hăng hái xung phong lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Sau khóa huấn luyện, ông được biên chế vào đại đội 18 thông tin thuộc Trung đoàn 141, sư đoàn 312 với nhiệm vụ được phân công là chiến sỹ báo vụ, trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Nơi đây, ông cùng đồng đội đã trải qua nhiều trận đánh ác liệt với quân thù, đại đội thông tin có hơn 100 người thì hy sinh và bị thương tới 54 người, thế nhưng những người chiến sỹ vẫn kiên cường chiến đấu với tinh thần "quyết tử cho tổ quốc quyết sinh". Đến đầu năm 1974, Trung đoàn 141, sư đoàn 312 được bổ sung vào đội hình Quân đoàn 1 (Binh đoàn Quyết thắng). Vào những ngày tháng 4/1975, các đơn vị nhận được lệnh khẩn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp "thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng". Đội hình Quân đoàn 1, sư đoàn 312 đã thực hiện cuộc hành quân thần tốc từ Thanh Hóa vào Đồng Xoài, sau 14 ngày đêm kịp thời tham gia trận quyết chiến chiến lược- chiến dịch Hồ Chí Minh.
Nhiệm vụ của sư đoàn 312 là đánh chiếm căn cứ Phú Lợi, Lai Khê, Bến Cát là khu vực "tử thủ" của Sư đoàn 5 quân ngụy Sài Gòn. Sau hơn 2 ngày đêm chiến đấu liên tục, dũng cảm, Sư đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đánh, bao vây, chia cắt, cô lập, tiến tới tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn Sư đoàn 5 Ngụy Sài Gòn; phối hợp với các lực lượng vũ trang địa phương đập tan một mắt xích quan trọng trong tuyến "tử thủ" bắc Sài Gòn, góp phần giải phóng hoàn toàn tỉnh Bình Dương và mở đường cho lực lượng của Quân đoàn 1 tiến công vào Bộ Tổng tham mưu Ngụy và Dinh Độc lập. Sáng 30/4, sau khi làm tan rã Sư đoàn 5, Trung đoàn được lệnh bắt sống chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ, chỉ huy Sư đoàn, xong khi đơn vị tiến vào trụ sở thì tên Vỹ đã tự sát, đầu gục trên bàn.
Đến trưa ngày 30/4, khi nhận được thông báo Sài Gòn đã hoàn toàn giải phóng, anh em chiến sỹ vui mừng hò reo, ôm nhau khóc trong niềm hạnh phúc vỡ òa "Miền Bắc ơi, giải phóng rồi", "Mẹ ơi, miền Nam giải phóng rồi"… Sau đó, ông Bính vinh dự là một trong 10 cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 141 tham gia đội hình diễu binh mừng ngày chiến thắng. Sau ngày đất nước giải phóng, CCB Đàm Ngọc Bính tiếp tục phục vụ trong quân đội, ông được cử đi học và trở thành cán bộ cao cấp. Đến năm 2013, ông Bính nghỉ hưu tại phường Nam Bình, thành phố Ninh Bình, tham gia làm chi hội trưởng rồi Chủ tịch Hội CCB phường. Từ năm 2017 đến nay, ông được bầu làm Phó Chủ tịch Hội CCB thành phố Ninh Bình. Dù ở cương vị nào, ông Bính luôn phát huy bản chất truyền thống "Bộ đội cụ Hồ", hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Ông tâm sự: Là lính bộ đội Cụ Hồ, ai cũng phải tự rèn luyện cho mình đức tính khiêm tốn học hỏi, chịu thương chịu khó, không bao giờ thỏa mãn với thành tích đã đạt được, có ý thức chấp hành triệt để mệnh lệnh cấp trên. Khi gặp khó khăn, thiếu thốn phải bình tĩnh, tự tin tìm cách giải quyết. Càng khó khăn, gian khổ, ác liệt, thì ý chí chiến đấu càng vững vàng, kiên định… Tất cả điều đó đã "ngấm" vào máu để tinh thần, bản lĩnh, ý chí người lính cụ Hồ vẫn luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt chặng đường công tác cũng như trong cuộc sống hàng ngày. Có trải qua những năm tháng chiến tranh mới thấy ý nghĩa to lớn của chiến thắng 30/4, mới cảm nhận hết giá trị của những năm tháng hòa bình và sự thống nhất, toàn vẹn Tổ quốc…
Những câu chuyện, những hồi ức của cựu chiến binh Đàm Ngọc Bính về một thời "hoa lửa" như một minh chứng sống động, chân thực nhất để thế hệ hôm nay và mai sau mãi mãi ghi nhớ, tri ân.
Thùy Phương