Nơi đây có những dãy núi đá vôi, thung lũng, sông nước đan quyện hài hòa, tạo nên một không gian cực kỳ huyền ảo, trữ tình và kỳ bí. Khung cảnh đẹp như một bức tranh thủy mặc. Có lẽ không chỉ bởi vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên mà còn bởi nhiều câu chuyện kỳ bí từ chiều sâu lịch sử của vùng đất Cố đô. Nhiều du khách đã gọi Tràng An là xứ sở của những điều kỳ diệu.
Những câu chuyện với nữ hướng dẫn viên, những người chèo đò, những thủ từ, thủ đền đang làm nhiệm vụ gìn giữ, phát huy giá trị của danh thắng Tràng An đã giúp du khách thập phương có thêm nhiều thông tin thú vị về lịch sử và huyền thoại nơi non xanh nước biếc này.
Phủ Khống nằm tựa lưng vào hang Khống, bên phải là dãy núi đá dựng đứng, trước mặt là thung lũng nước mênh mông. Phủ Khống là nơi thờ các vị quan trung thần triều Đinh. Tại Phủ Khống có một cây thị hàng nghìn năm tuổi, thân và gốc tuy già xù xì nhưng cành lá lúc nào cũng xanh tươi. Đặc biệt cây luôn cho 2 loại quả, 1 dẹt, 1 tròn. Quả thị dẹt thì không có hạt, quả thị tròn thì có hạt. Quả thị chín rộ nhất là vào dịp giỗ vua Đinh.
Trong tuyến hành trình dài ngồi trên thuyền, đến các điểm dừng chân như Phủ Khống, đền Trần... du khách sẽ thư giãn, nghỉ ngơi và được nghe một vài trích đoạn nhạc mang âm hưởng dân gian như xẩm, chầu văn, chèo cổ hay tiếng hát quan họ... trước khi vào dâng nén hương tưởng nhớ các bậc tiền bối trung thần.
Dừng chân dưới tán cây thị ngàn năm, du khách sẽ được thưởng thức âm hưởng của trích đoạn Thập ân (chèo), giai điệu Hà Liễu (xẩm), Cô đôi thượng ngàn (chầu văn), Người ở đừng về (dân ca Quan họ Bắc Ninh)...bởi sự tài tình của ban nhạc chỉ có 5 thành viên.
Tìm hiểu về ban nhạc đặc biệt này được biết: Từ hơn 3 năm nay, Doanh nghiệp Xuân Trường (đơn vị đang quản lý, khai thác Khu du lịch Tràng An) đã thành lập đội văn nghệ với ý tưởng phục vụ du khách gần xa khi về thăm di sản. Lúc đầu, nhóm nhạc được thành lập bằng việc mời gọi, quy tụ các thành viên đến từ nhiều địa phương trong vùng có khả năng chơi tốt các nhạc cụ và am hiểu về âm nhạc truyền thống tham gia biểu diễn tại Phủ Khống.
Bác Nguyễn Văn Bốn, phụ trách ban nhạc giới thiệu: Các thành viên ban nhạc, người ít tuổi nhất là 56 tuổi, người cao nhất cũng đã 70 tuổi đến từ các xã Ninh Xuân, Trường Yên, Ninh Mỹ, Ninh Hòa và Ninh Giang (Hoa Lư). Mỗi người có những sở trường, sở đoản khi sử dụng nhạc cụ, giai đoạn đầu thành lập, cần có nhiều thời gian để "khớp nhạc".
Sau vài tháng, khi trong mỗi thành viên đạt ngưỡng "tri âm" nhuần nhuyễn để có thể biểu diễn "trích đoạn này, giai điệu kia..." như bất cứ ban nhạc chuyên nghiệp nào, nhất là khi những du khách có nhã ý thưởng thức một thể loại nào đó, thì ban nhạc cũng sẵn sàng biểu diễn.
Khi tập thì thế, nhưng theo yêu cầu của du khách mà ban nhạc phải tách thành 2 nhóm thì một nhóm phục vụ du khách đi theo tuyến có điểm dừng thuyền tại Phủ Khống. Một nhóm phục vụ khách đi theo tuyến có ghé qua đền Trần.
Việc điều động "nhạc công" giữa hai điểm biểu diễn khó tránh khỏi những lúc thiếu người. Và việc "khuyết âm" cũng là điều dễ hiểu. Vì điều này mà lúc vãn khách, các thành viên có thể tự tập chơi các nhạc cụ khác nhau, để lúc cần có thể thay cho các vị trí bị khuyết.
Không biết có phải năng khiếu, hay sự ham mê chơi nhạc mà đến thời điểm này, nhiều thành viên trong ban nhạc có thể chơi tốt từ 1-3 nhạc cụ. Bác Nguyễn Văn Bốn chơi tốt trống, nhưng có thể chơi được phách, não bạt, mõ. Ông Hoàng Văn Chính chơi tốt nhị, nay đã thành thạo cả sáo, đàn bầu. Bác Nguyễn Văn Hiền có thể chơi đàn nguyệt, nay cũng có thể chơi được nhị và sáo. Đặc biệt, bác Ngô Văn Truyền chơi giỏi hầu hết các nhạc cụ trong ban.
Bác Nguyễn Văn Bốn chia sẻ, trong đình, đám, tế-rước lễ, dàn nhạc thường dùng tám chất liệu âm thanh từ tám chủng loại nhạc cụ đại diện cho âm nhạc cổ truyền của dân tộc - gọi là phường bát âm thì mới đúng, mới đạt. Chơi nhạc khuyết người, thiếu chủng loại, như nấu các món ăn đặc sản bị thiếu gia vị.
Rồi như chạm vào vùng âm luật, bác Bốn hào hứng: Thanh la có hai mức âm. Để có tiếng vang, nhạc công chỉ cầm sợi dây quai giữ thanh la và để thanh la được tự do rung động. Khi cần tiếng trầm, người chơi cầm sợi dây quai của thanh la và dùng các ngón tay nắm giữ lấy cạnh thanh la khiến sức rung động của thanh la giảm bớt. Âm của thanh la bao giờ cũng đi sát với tiếng. Tiếng "vang" của thanh la hòa nhịp với tiếng da của trống đế và tiếng "nặng" của thanh la đi cùng với tiếng đanh của tang trống đế trong dàn nhạc chèo cổ.
Hay như gõ phách, người nghe nhận thấy rằng có một tiếng trong và một tiếng đục, một tiếng cao và một tiếng thấp, một tiếng dương và một tiếng âm. Tiếng phách trong ca trù truyền thống rất độc đáo, trong âm nhạc không có nước nào trên thế giới có cách gõ như thế. Nói như thế để thấy, du khách mà "rành" về âm nhạc sẽ biết ban nhạc đang thiếu âm nào, nhạc cụ gì.
Với mây trời, non xanh, nước biếc và hình ảnh cô lái đò hòa quyện vào nhau đã được bác Ngô Thanh Truyền - thành viên của ban nhạc Phủ Khống đã viết thành lời ca phát triển giai điệu theo lối hát chèo: "Tình em cô gái lái đò/ Em mời anh về thăm quê em/ Một vùng rừng núi Hoa Lư, bông lau trắng núi rừng/ Quê em có Tràng An, mà nơi đây say đắm lòng người/ Mà quê em như vịnh Hạ Long/ Ôi, đẹp sao, thiên tạo từ ngàn xưa/ Mùa xuân đến quê em, mà nghe tiếng trống hội đền Trần/ Mà nghe câu hát đò đưa cô lái đò bến Tràng An/ Thuyền em như nửa vầng trăng, bồng bềnh theo câu hát..." .
Sự có mặt của ban nhạc Phủ Khống tại Khu du lịch Tràng An đã góp phần làm nên sự phong phú, hấp dẫn của Tràng An đối với du khách gần xa, giúp họ hiểu thêm những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa của vùng đất Cố đô Hoa Lư xinh đẹp.
Minh Đường