Có dịp trở lại làng gốm Bồ Bát, chúng tôi cảm nhận rõ sự thay đổi và phát triển của nơi này so với cách đây 4-5 năm. Anh Phạm Văn Vang, chủ Doanh nghiệp tư nhân gốm Bồ Bát cho biết: Nhớ lại thời điểm đầu đi vào hoạt động, Doanh nghiệp mới chỉ có vài lao động, chủ yếu là người thân trong gia đình. Do khó khăn về nguồn vốn nên hầu hết các công đoạn để sản xuất ra một sản phẩm gốm sứ Bồ Bát đều do bàn tay khéo léo của người thợ làm gốm.
Từ việc lấy đất, xử lý đất, làm nhuyễn, tạo hình sản phẩm, sửa sản phẩm cho đến khi nung sản phẩm đều được thực hiện thủ công hoặc áp dụng công nghệ cũ, lạc hậu. Kỹ thuật sản xuất thô sơ dẫn đến năng suất rất thấp và tỷ lệ sản phẩm bị lỗi, bị hỏng tương đối nhiều, không đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Nhưng hiện nay hoạt động của doanh nghiệp đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, nhất là đổi mới về mặt công nghệ sản xuất.
Xác định khoa học công nghệ là đòn bẩy đẩy mạnh hoạt động sản xuất theo cả chiều sâu và chiều rộng (tức là cả về số lượng lẫn chất lượng), hai năm gần đây, Doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư máy móc công nghệ hiện đại vào một số công đoạn sản xuất sản phẩm gốm sứ như: máy đánh hồ, máy khuấy, máy nghiền li tâm, lò nung đốt bằng gas, máy in hoa văn... Từ khi đưa máy móc vào sản xuất đã giảm đáng kể sức lao động, công nhân làm việc đỡ vất vả hơn mà hiệu quả cao hơn.
Cùng với việc giảm sức lao động cho công nhân, việc áp dụng máy móc hiện đại đã mang lại hiệu quả rõ rệt, năng suất cao hơn, sản phẩm làm ra đồng đều, đẹp, tỷ lệ sản phẩm bị hỏng thấp. Anh Phạm Văn Bình, công nhân của Doanh nghiệp cho biết: Việc doanh nghiệp đưa máy móc vào sản xuất đã giúp người lao động đỡ vất vả hơn mà năng suất lại cao hơn.
Trước kia, người thợ gốm phải tạo, nặn hình các sản phẩm gốm sứ bằng tay thì hiện nay với máy tạo hình chỉ cần cho khuôn mẫu vào máy, máy có thể tạo ra các dạng hình khối khác nhau, làm cho sản phẩm có tính đại trà và tính đa dạng. Năng suất của máy có thể gấp vài chục lần so với người làm và độ chính xác lại cao hơn.
Đặc biệt, ở khâu xử lý đất là công đoạn rất quan trọng, mang tính chất quyết định đến chất lượng, độ tinh xảo, độ bền của sản phẩm. Với phương pháp xử lý đất thủ công trước đây, đất còn nhiều tạp chất, dẫn đến độ rủi ro lớn, doanh nghiệp đã nhiều lần phải bỏ đi những sản phẩm màu sắc không đạt yêu cầu.
Nhưng hiện nay với công nghệ phân loại đất và xử lý các tạp chất chuẩn xác, cùng máy đánh hồ, máy li tâm đã tạo ra nguyên liệu sạch, giúp sản phẩm đại trà có độ trong nhất định, đồng đều, độ bền cao. ở công đoạn đốt lò sử dụng công nghệ lò nung bằng gas, các mẻ gốm thành phẩm có tỷ lệ hư hao dưới 10%, giúp cho doanh nghiệp có sản phẩm đạt chất lượng cao hơn và giảm chi phí gấp nhiều lần so với phương pháp đốt lò nung bằng củi.
Được biết, nhờ áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất gốm sứ Bồ Bát, hoạt động của doanh nghiệp ngày càng hiệu quả và phát triển đi lên. Sản phẩm được ra lò với số lượng lớn, mẫu mã và hoa văn đa dạng, chi phí thấp, giá thành đảm bảo, làm tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Sự đổi mới về công nghệ đã góp phần tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, giúp Doanh nghiệp mạnh dạn bắt tay hợp tác với đối tác có đơn hàng số lượng lớn.
Ngoài đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm gia dụng đại trà, việc đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp cho những sản phẩm là đồ lưu niệm bằng gốm sứ của Doanh nghiệp thu hút khách du lịch và có cơ hội phát triển nhờ việc đa dạng mẫu mã sản phẩm.
Đồng thời, giúp doanh nghiệp tìm kiếm những đơn hàng sản xuất đồ gốm sứ cao cấp có độ tinh xảo, mẫu mã đa dạng, chất lượng tốt và giá trị sản xuất cao.
Theo anh Phạm Văn Vang, hiện nay doanh nghiệp đang sản xuất hàng loạt các sản phẩm chính là ấm, chén, bát, đĩa, đồ lưu niệm... Do chất lượng và giá thành đảm bảo nên sản phẩm được sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Sản phẩm gốm của Doanh nghiệp ngày càng được khách hàng ưa chuộng và tin dùng.
Thị trường tiêu thụ chính của sản phẩm vẫn là trong tỉnh và một số tỉnh bạn lân cận. Doanh thu năm 2016 của doanh nghiệp đạt 2 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2017 đạt trên 1 tỷ đồng. Hiện doanh nghiệp đang giải quyết việc làm cho 15 lao động địa phương với mức thu nhập từ 150 - 200 nghìn đồng/ngày.
Trong thời gian tới Doanh nghiệp tiếp tục phát huy hiệu quả của máy móc thiết bị trong sản xuất các sản phẩm gốm sứ đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng. Đồng thời tích cực huy động vốn để đầu tư xây dựng nhà xưởng mới trên diện tích hơn 5.000 m2, sớm đưa vào hoạt động để mở rộng quy mô và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Hồng Giang