Đối với các nhà báo, tuyên truyền về Cuộc vận động chính là quá trình được học tập, nghiên cứu về tư tưởng, đạo đức của Người một cách thường xuyên, mang đậm ý nghĩa. Để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền về Cuộc vận động lớn, có ý nghĩa sâu sắc như Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", trên cơ sở bám sát định hướng tuyên truyền của Ban Biên tập Báo Ninh Bình, mỗi nhà báo đều xác định cho mình trách nhiệm tự học, tự nghiên cứu để hiểu thêm về tư tưởng, tấm gương đạo đức của Hồ Chủ tịch, những bài học rút ra từ việc học tập để làm tư liệu cho mỗi bài viết.
Quá trình đi cơ sở, gặp gỡ những cá nhân, tập thể tiêu biểu trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là "nguồn" tư liệu quan trọng để các nhà báo khai thác, xây dựng đề tài cho bài viết. Đối với đội ngũ phóng viên được phân công nhiệm vụ tuyên truyền thường xuyên, dài hơi về Cuộc vận động, để làm "mới" cho mỗi bài viết, tránh sự trùng lặp... mỗi phóng viên phải tìm cho mình "cách riêng" trong thể hiện bài viết, trong việc tìm tư liệu, đi cơ sở...
Có phóng viên bám sát cơ sở, có mối quan hệ chặt chẽ với Ban Tuyên giáo các huyện, thành ủy, thị ủy để tìm những gương cá nhân, tập thể tiêu biểu trong Cuộc vận động. Có người thông qua các hội thi kể chuyện về "Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đã lựa chọn được những tấm gương tiêu biểu trong các lĩnh vực công tác... Phần lớn, trong quá trình tác nghiệp, gắn bó với cơ sở, nhiều phóng viên đã tìm được "nhân vật" phục vụ cho các bài viết của mình. Các nhà báo trẻ rất tâm đắc với những nhân vật được "khám phá" bất ngờ như vậy và theo như tâm sự của họ, chính những nhân vật "đặc biệt" như vậy đã trở thành nguồn tài liệu phong phú và là động lực để mỗi bài viết thêm sinh động, chất lượng cao.
Đến nay, nhiều nhà báo viết về Cuộc vận động vẫn tâm đắc với các gương trong các bài viết của mình như: bác Đinh Văn Thân (Gia Phú-Gia Viễn), Đỗ Ngọc Phiên (Yên Từ, Yên Mô); Hoàng Long Nhãn (Gia Thịnh-Gia Viễn); Lê Minh (Khánh Cư-Yên Khánh); Nguyễn Văn Xá (Gia Vượng-Gia Viễn)... Theo như tâm sự của các nhà báo: Thật bất ngờ khi các bác đều là những đảng viên tuổi đã cao, sức khỏe đã giảm sút nhưng, mỗi người trong số họ có cách học tập và làm theo lời Bác khác nhau, người thì sưu tầm tư liệu về Bác, người thì tích cực tham gia công việc làng, xã. Có người lại là điển hình trong phong trào sản xuất, kinh doanh, người lại cần mẫn, nhiệt tình với công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ...
Những điển hình kể trên đã thực sự trở thành tấm gương sáng, là động lực thôi thúc phóng viên nỗ lực nghiên cứu, học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có những bài viết chất lượng. Cùng với việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, các nhà báo, nhất là nhà báo trẻ đã nỗ lực, tiên phong trong việc tham gia công tác xã hội, sinh hoạt Đoàn, đảm nhận các công việc khó... Từ môi trường công tác, một số nhà báo trẻ vinh dự được kết nạp Đảng, được nhận các giải thưởng cao tại giải báo chí của tỉnh hàng năm...
Đội ngũ phóng viên Báo Ninh Bình luôn tự hào vì đã góp phần vào kết quả chung của Cuộc vận động. Trên Báo Ninh Bình cuối tuần, mỗi tuần đều có các bài viết giới thiệu về các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong việc học và làm theo Bác, các số báo thường kỳ cũng có các bài viết về Cuộc vận động. Qua gần 2 năm thực hiện Cuộc vận động, đã có hàng trăm bài viết về Cuộc vận động. Có thể khẳng định, mỗi nội dung của Cuộc vận động đã "thấm sâu", đi vào trong suy nghĩ, nhận thức, hành động của mỗi nhà báo. Cuộc vận động đã góp phần quan trọng xây dựng, bồi đắp lý tưởng cách mạng, đạo đức cách mạng, phẩm chất đạo đức cho mỗi nhà báo, nhiều nhà báo, nhất là nhà báo trẻ đã trưởng thành hơn... khi tuyên truyền về Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"
Lý Nhân