Từ nhiều ngày nay, ông Phạm Ngọc Chỉ, thôn Giáng Đông Thịnh, Thượng Hòa, Nho Quan cùng với Đoàn thanh niên đang tất bật lo việc vận động kinh phí để tổ chức trung thu cho các cháu trong thôn. Giáng Đông Thịnh là thôn có đông đồng bào theo đạo công giáo, hiện có 192 hộ/776 khẩu, trong đó đa số làm nghề nông. Mặc dù điều kiện kinh tế của thôn còn nhiều khó khăn song từ nhiều năm nay, các tổ chức đoàn thể đã vận động nguồn kinh phí để tổ chức hoạt động trung thu cho các cháu thiếu nhi.
Đêm hội trăng rằm ở đây cũng khá tươm tất: tổ chức cắm trại, đọc thư chúc Tết thiếu nhi của Chủ tịch nước, rước đèn, phá cỗ, liên hoan ca hát…. Trung thu chính là dịp nhiều em thiếu nhi được hưởng niềm vui, nhận được sự quan tâm chăm sóc từ phía chính quyền, các đoàn thể xã hội. Điều này đặc biệt ý nghĩa vì trong thôn hiện vẫn còn 24 hộ nghèo, 15 hộ vẫn phải sống trên thuyền, chưa có nhà, đất ở.
Cách thôn Giáng Đông Thịnh (Thượng Hòa, Nho Quan) không xa là thôn Kênh Gà (Gia Thịnh, Gia Viễn), cùng "chung một dòng sông", cũng là vùng có đông đồng bào có đạo. Điểm khác biệt với Giáng Đông Thịnh không quá chật chội về đất đai, ngược lại thôn Kênh Gà, với 580 hộ dân, 2.350 khẩu, sống chen chúc trên một khoảng bờ sông chưa đầy nửa cây số. Người dân ở đây đa số làm nghề vận tải thủy, nhiều hộ khá giàu có nhưng quanh năm xuôi ngược với những chuyến tàu từ Ninh Bình vươn tới tận Hà Nội, Hải Phòng, Việt Trì, Quảng Ninh…
Vì những chuyến hải hành biền biệt ấy, nhiều gia đình có khi cả tháng hoặc một vài tháng mới về nhà, các cháu nhỏ ở nhà đành gửi lại người thân hoặc hai bên nội, ngoại. Chính sự "đặc biệt" đó mà trung thu chính là "ngày Tết" thật sự với 60 em trong độ tuổi thiếu niên, nhi đồng nơi đây. Năm nào gần dịp trung thu, các em thiếu nhi thôn Kênh Gà cũng háo hức đếm từng ngày để được cùng các bạn đi phá cỗ, đón chị Hằng.
Để các cháu thôn Kênh Gà có cái Tết Trung thu trọn vẹn, người lo lắng nhất là trưởng thôn Trần Hoàng Cam. Hiểu cảnh thiệt thòi của các cháu khi cha mẹ liên tục vắng nhà nên năm nào ông cũng trăn trở bàn tính cùng với chi bộ, các đoàn thể lo trung thu cho các cháu thật chu đáo. Ông chia sẻ vì điều kiện thôn chật chội nên chúng tôi thường mượn điểm Trường Tiểu học Gia Thịnh cho các cháu cắm trại, múa hát. Nghĩ cũng thương cho lũ nhỏ, bố mẹ xa nhà quanh năm, trung thu cũng là dịp cho các cháu được an ủi phần nào… Niềm "an ủi" nho nhỏ đó của các cháu mà ông trưởng thôn nói tưởng là nhỏ nhoi nhưng thực sự có ý nghĩa rất to lớn. Nó là niềm vui, niềm hạnh phúc không gì sánh được của 60 thiếu nhi toàn thôn.
Trong niềm hân hoan của nhiều cháu nhỏ đón ngày hội trăng rằm, tôi cũng chạnh lòng vừa thương cho cha mẹ lũ trẻ vì "miếng cơm manh áo" mà phải xuôi ngược bôn ba, nhưng càng thương hơn cảnh nhiều cháu nhỏ phải đi phá cỗ đón trăng mà không có cha mẹ đi cùng. Sự cố gắng của chi bộ, các đoàn thể thôn Kênh Gà trong việc chung tay tổ chức trung thu cho các cháu là món quà tinh thần vô giá xoa dịu nỗi nhớ gia đình cho các em.
Mai Phương