Tại thành phố Ninh Bình, số hộ chăn nuôi và tổng đàn vật nuôi không nhiều, tuy nhiên chăn nuôi hầu hết vẫn là nhỏ lẻ và việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm lại rất nhộn nhịp nên công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được địa phương hết sức coi trọng.
Những ngày đầu tháng 11, ngay sau khi nhận được 100 lít hóa chất do Chi cục Thú y chuyển về, Trạm Thú y thành phố đã phân bổ cho tất cả các xã, phường để khẩn trương triển khai phun khử trùng đồng loạt trên toàn địa bàn.
Chị Phạm Thị Huê, cán bộ thú y phường Nam Bình chia sẻ: Năm nay giá cả các sản phẩm chăn nuôi giảm sút nghiêm trọng nên các hộ chăn nuôi có phần lơ là trong việc chăm sóc cũng như phòng bệnh. Do vậy, những đợt phun khử trùng tiêu độc tập trung với lượng hóa chất được nhà nước cấp như thế này là rất quý.
Sau khi nhận hóa chất, tôi đã phân chia về các xóm, phố và đến tận các hộ gia đình, đồng thời hướng dẫn cho các hộ dân cách pha chế, phun thuốc đảm bảo đúng kỹ thuật.
Trạm trưởng Trạm Thú y thành phố Ninh Bình Nguyễn Thị Thu cho biết: Thành phố hiện có khoảng 6.700 con lợn, trên 1.000 con trâu bò, gần 1 vạn con gia cầm, trên 400 con dê… tập trung chủ yếu ở các xã Ninh Nhất, Ninh Tiến, Ninh Phúc. Thời gian gần đây, tuy trên địa bàn không có những đợt dịch lớn xảy ra ở đàn vật nuôi.
Nhưng thời điểm sau mưa lụt là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, nguy cơ bùng phát các ổ dịch bệnh nguy hiểm là rất lớn. Vì thế, trong đợt này chúng tôi đang tập trung phun ở các điểm dịch cũ, vùng bị ngập lụt, vùng chăn nuôi có mật độ cao, các bãi tập kết, chợ buôn bán gia súc, gia cầm.
Cùng với đó, phát động nhân dân tự mua vôi bột về để vệ sinh khu vực chuồng trại của gia đình. Quan điểm của thành phố là nhanh, gọn, đồng loạt, hiệu quả.
Theo kế hoạch của Sở Nông nghiệp & PTNT, cao điểm Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm đợt 2 năm 2017 diễn ra từ ngày 20/10 đến 20/11.
Theo đó, tất cả các khu vực chăn nuôi tại các cơ sở, hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm; cơ sở ấp nở gia cầm, thủy cầm; cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung và nhỏ lẻ; chợ buôn bán gia súc, gia cầm sống; đường làng, ngõ xóm khu vực nông thôn đều phải thực hiện vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng phòng, chống dịch bệnh.
Đặc biệt, sẽ phát động toàn dân thực hiện đợt tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm; quét dọn sạch sẽ, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh; phun thuốc tiêu độc mỗi tuần 1 lần. Với những vùng úng lụt sau khi nước rút khẩn trương thực hiện công tác khử trùng tiêu độc, tu sửa chuồng trại, cung cấp đầy đủ thức ăn nước uống, chống đói rét cho gia súc, gia cầm. Theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe của đàn vật nuôi, kịp thời khống chế, ngăn chặn không để dịch bệnh phát sinh và lây lan.
Ông Hà Quốc Thịnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Với điều kiện chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ như hiện nay, việc xây dựng các chuồng trại theo đúng quy chuẩn còn ít, bà con chủ yếu chăn nuôi theo kiểu tận dụng, chưa chú trọng đến việc quy hoạch khu chăn nuôi, xử lý phân rác, do đó mầm bệnh thải ra môi trường nhiều.
Vì vậy, phun khử trùng tiêu độc là một biện pháp quan trọng để tiêu diệt mầm bệnh lưu trữ, phát tán trong môi trường, hạn chế dịch bệnh xảy ra và cắt đứt được vòng truyền lây mầm bệnh xâm nhập vào vật nuôi cũng như con người, từ đó hạn chế dịch bùng phát.
Hiện nay, Chi cục đã hoàn thành cấp 5 tấn hóa chất RTD - Iodine cho các địa phương để thực hiện Tháng tiêu độc, khử trùng môi trường. Trong đó ưu tiên các huyện bị lụt nặng trong đợt mưa lũ vừa qua như Nho Quan, Gia Viễn…
Để Tháng tiêu độc, khử trùng môi trường đạt hiệu quả cao, ngoài việc định kỳ phun thuốc tiêu độc 1 lần/tuần tại các khu vực công cộng, chợ, đường làng, ngõ xóm, Chi cục yêu cầu trạm thú y các địa phương cử cán bộ xuống các xã phối hợp để hướng dẫn cán bộ thú y xã, người chăn nuôi thực hiện phun thuốc đúng quy cách. Song song với đó, tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.
Hà Phương