Về Yên Mỹ, điều mọi người dễ nhận ra đó là nhiều tuyến đường gồ ghề năm xưa nay đã được đổ bê tông; những nếp nhà mái lá đơn sơ không còn, thay vào đó là những ngôi nhà mái bằng, nhà cao tầng; hệ thống trường học, trạm y tế đã được xây dựng khang trang... Yên Mỹ đã dần mang trong mình mầu sắc nông thôn mới, hiện đại. Nhưng có điều đặc biệt, đó là trong lối kiến trúc hiện đại, người ta vẫn nhận thấy vẻ đẹp dung dị đậm nét của nông thôn Bắc Bộ với những cánh đồng lúa xanh mướt bên những con kênh yên ả.
Bí thư Đảng ủy xã Tạ Đình Miên cười vui, ông bảo: đó cũng là nét đặc trưng của người Côi Trì (Yên Mỹ), không quá ồn ào, chạy theo thành tích, làm qua loa, lấy lệ mà rất cẩn trọng trong từng việc làm, nhất là trong tiếp thu và vận dụng những cái mới, cái hay, cái đẹp vào thực tiễn. Ví như cách thức Yên Mỹ triển khai thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Không vì "nóng lòng" mà Yên Mỹ về đích nông thôn mới bằng mọi giá, nợ đọng xây dựng cơ bản, Đảng bộ xã xác định "Nông thôn mới chính là tạo bước chuyển căn bản về đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân và ở đó những người nông dân phải thực sự là chủ.
Chính vì vậy, trong xây dựng nông thôn mới, xã luôn phát huy dân chủ, từ chuyện nhỏ nhất là chỉ làm một đoạn mương đến việc lớn như quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết; từ chuyện lợi ích trước mắt đến lợi ích lâu dài, từ chuyển dịch cơ cấu kinh tế đến chuyện bảo vệ môi trường... đều được đưa ra lấy ý kiến nhân dân, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao mới triển khai thực hiện.
Với mục tiêu cụ thể, giải pháp phù hợp, linh hoạt cùng sự quan tâm đầu tư đúng mức cho văn hóa, giáo dục, Yên Mỹ đã và đang trở thành địa phương có tốc độ khá của huyện. Bước chuyển mình tích cực trong phát triển kinh tế ở Yên Mỹ phải kể đến sự chuyển dịch trong cơ cấu cây trồng, cơ cấu ngành nghề. Nhiều năm trước, cũng như nhiều địa phương khác trong huyện, kinh tế của xã chủ yếu là sản xuất nông nghiệp (chiếm 80% trong tỷ trọng cơ cấu kinh tế toàn xã). Yên Mỹ xác định, phải chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.
Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp xã đã tập trung khai thác có hiệu quả tài nguyên đất đai và sức lao động của con người. Người Yên Mỹ luôn nhạy bén với cái mới, tích cực học hỏi, áp dụng tiến bộ KHKT, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng. Hiện nay, toàn xã đã cấy trên 70% diện tích lúa chất lượng cao, đây là các loại giống cho giá trị kinh tế cao gấp 1- 1,5 lần so với các loại lúa thường; 100% các khâu từ làm đất đến thu hoạch đã được dùng máy móc thay thế sức người. Cùng với thâm canh cây lúa, Yên Mỹ đang tập trung chuyển đổi một số diện tích trũng sang mô hình lúa - cá, chuối - cá, lúa - chăn nuôi gia cầm..., góp phần tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, nhiều ngành nghề truyền thống ở Yên Mỹ đang được duy trì và phát triển như: nghề mộc, nề... nhân dân trong xã còn đưa thêm một số nghề mới như: chế biến nông sản (làm bún, bánh), đan bèo bồng..., tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho gia đình. Làng nghề mộc truyền thống Côi Trì đã có nhiều hộ mở xưởng, thành lập doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho các lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng.
Với sự năng động, nhạy bén của những thợ mộc trẻ trong làng, các mặt hàng của làng nghề đã đáp ứng tốt nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng. Hiện một số doanh nghiệp đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ 3D vào sản xuất các sản phẩm, đảm bảo tinh tế, "hút" được thị trường, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động.
Song song với phát triển kinh tế, tranh thủ sự quan tâm ủng hộ của các ngành, các cấp, xã đã huy động nhân dân đóng góp tiền của, ngày công xây dựng hạ tầng. Đến nay, trên 90% đường giao thông thôn, xóm đã được đổ bê tông; các tuyến kênh cấp 3 đã được cứng hóa, nạo vét thường xuyên. Hệ thống trường tiểu học, trường mầm non, THCS đều đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng giáo dục ngày một nâng cao.
Yên Mỹ có thể chưa nhiều hộ giàu nhưng sự đầu tư cho giáo dục thì hiếm có nơi nào bằng. Trường tiểu học mang tên người chiến sỹ cộng sản ưu tú Tạ Uyên đã được công nhận chuẩn Quốc gia vào năm 2001. Yên Mỹ cũng luôn là địa phương đứng đầu huyện về chất lượng giáo dục mũi nhọn và chất lượng giáo dục toàn diện.
Diện mạo nông thôn mới ngày một rõ hơn khi hệ thống cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư xây dựng. Các trường học, trạm y tế, tượng đài Tổ quốc ghi công, Nhà tưởng niệm đồng chí Tạ Uyên... được xây dựng khang trang tạo thành "điểm nhấn" nói lên sự thay da đổi thịt của miền quê này. Đến nay, xã đã đạt 15/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, hiện xã đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm hoàn thành 4 tiêu chí còn lại, sớm đưa Yên Mỹ cán đích nông thôn mới.
"Mặc dù chặng đường phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Yên Mỹ đang tập trung cao độ, đoàn kết, huy động nội lực, tranh thủ ngoại lực để sớm đạt xã chuẩn nông thôn mới, xứng với ước nguyện của bao bậc tiền nhân đã tô thắm tên đất, tên làng"- Bí thư Đảng ủy xã Yên Mỹ khẳng định.
Bài, ảnh: Đinh Ngọc - Thùy Phương