Nghiệp như cô nói không phải là công việc dạy văn mà cô vẫn miệt mài hàng ngày hàng giờ dành thời gian tâm huyết cho nó, cái "nghiệp" cô nói đến là nghiệp văn chương, dẫu cả cô, cả trò (là tôi) cho đến tận bây giờ vẫn mãi loay hoay bên ngoài cánh cửa nhiều ma lực của lâu đài văn chương.
Tôi biết cô không thích kể nhiều về những nỗi đau nên thường lẳng lặng tìm hiểu, còn lúc này, trước cô, tôi vẫn chỉ là một đứa trẻ, một cô học trò nhà quê mười lăm tuổi, đến bệnh viện thành phố chơi và nói chuyện về bất cứ điều gì cô muốn nói. Tôi, vẫn nguyên vẹn hồn nhiên mười lăm tuổi, lạ lùng nhìn ngắm những món đồ "lạ lùng" trên giường bệnh của cô, cái giường sắt của bệnh viện phủ ga xanh, vừa đủ một người nằm, nhưng với cô, chút khoảng trống ít ỏi còn lại đã chật ních những món đồ không giống bất kỳ một món đồ nào trên giường bệnh nào. Cô chỉ cho tôi hai hộp quà màu đỏ xinh xắn, để nơi đầu giường, bên cạnh những cuốn sách của Osho và Kalih Gibran. Đó là hai hộp quà đựng 1.000 con hạc giấy do các em học sinh lớp cô chủ nhiệm mang đến thăm cô ốm. Những con hạc được các em tự gấp bằng giấy thủ công, bên dưới mỗi cánh hạc có ghi một lời cầu chúc cho cô mau lành bệnh. Những lời chúc hồn nhiên và trong sáng cùng với tên và biệt danh của mỗi bạn trong lớp.
Nhìn hai hộp quà với ngàn cánh hạc líu ríu trên tay cô, tôi không cầm được nước mắt. Tôi không ngờ giường bệnh của cô toàn sách và... giấy. Tôi cũng không ngờ trong khi khắp nơi trên báo chí cũng như ngoài đời thực, vô số các câu chuyện học sinh đánh chém nhau, hành xích nhau rồi quay video tung lên mạng, cả trên những trang báo chính thống và các trang Website hay blog cá nhân đều chi chít các thông tin "nóng" về những biểu hiện xuống cấp trầm trọng của đạo đức, đạo lý nơi học đường thì các học trò của cô, các cô bé cậu bé tuổi trăng tròn vẫn thả hồn mình theo từng cánh hạc mỏng manh với một ước mơ giản dị rằng cô giáo của mình, người mẹ thứ hai của mình sẽ nhanh chóng được lành bệnh. Dường như các học trò của cô không hề bị ảnh hưởng bởi những vết chàm đang loang chảy nơi học đường, các em vẫn đang được lớn lên trong bầu khí quyển trong suốt của tình yêu thương và những điều ước giản dị mà cô dành cho các em. Bao nhiêu năm qua rồi, tôi mười lăm tuổi hôm nào giờ đã thêm nhiều hơn mười lăm tuổi nữa rồi, cô học trò nghèo ngơ ngác hôm nào giờ đã đủ sức chịu đựng những quăng quật của dòng đời xuôi ngược rồi... còn cô giáo của tôi vẫn mang trọn vẹn một trái tim hồn hậu và tươi mới như thuở nào cô mới về núi rừng quê tôi dạy học.
Mặc dù sau khi dạy chúng tôi hết lớp 8, cô chuyển lên thành phố sinh sống, nhưng giữa chúng tôi vẫn có những sự giằng néo kỳ lạ để rồi mỗi dịp chuẩn bị bước vào một giai đoạn đặc biệt của cuộc đời, cô lại xuất hiện bên tôi. Như một điểm tựa tinh thần đặc biệt. Cũng có khi, cô tìm gặp tôi chỉ để hai cô trò im lặng, đạp xe bên nhau, rong ruổi trên những con đường lưu dấu nhiều kỷ niệm của những ngày thơ trẻ, cũng có khi, chỉ để nói những câu chuyện không đầu không cuối và có cả những câu chuyện "Sau này lớn lên con sẽ hiểu" có những chuyện "Khi nào con lấy chồng, cô sẽ kể...". Bao nhiêu năm đi qua rồi, cô giáo của tôi vẫn sống đơn thân cùng cô con gái trong một căn phòng nhỏ, cuộc sống của hai mẹ con không giàu có về vật chất nhưng đặc biệt giàu có về tinh thần. Với đồng lương ít ỏi từ dạy học và dạy Yoga vào buổi tối, cô vẫn dành dụm một khoản nhất định để hàng tháng tổ chức sinh nhật cho những học trò của mình, cô vẫn gọi chúng tôi là con, từ khi tôi còn là học sinh lớp 8 trường làng đến tận bây giờ và các bạn học sinh bây giờ cũng vậy, ai cũng xưng "con" với cô. Học trò của cô, mỗi tháng được một lần tổ chức sinh nhật cho tất cả những bạn sinh cùng tháng, cô tổ chức cho các em một buổi sinh hoạt ấm áp, sôi nổi và dành tặng các em những cuốn sách, những tác phẩm văn học thực sự bổ ích. Có những cuốn sách đã trở nên quen thuộc với mọi lứa tuổi như Rôbinson Cruxo, Ông già và biển cả, Cánh buồm đỏ thắm hay Tiếng gọi nơi hoang dã… thì không có gì phải băn khoăn khi chọn tặng các em, nhưng những cuốn sách mới xuất hiện, bao giờ cô cũng đọc trước, xem có phù hợp để tặng các học trò của mình không, vì như cô nói, trong khi mà các xuất bản phẩm bung nở như hiện nay, để tìm được một vài cuốn truyện đích thực dành cho các em thật không dễ dàng, chính vì vậy mà cô phải rất tỷ mỷ và kỳ công mới chọn cho các em được những cuốn sách đáng đọc và nên đọc. Vì là sách mới, nên đôi khi tôi cũng được nhận quà như các em, nào là "Chuyện con mèo dạy hải âu bay", "Tốt-tô-chan - cô bé bên cửa sổ", "Rừng Na-uy"... Một điều mà bao nhiêu năm rồi cô vẫn làm được và vẫn đầy lửa để truyền tỏa cho các học trò, đó là trước khi tặng quà, bao giờ cô cũng nói vài điều về cuốn sách, khiến học trò nghe rồi thì không thể không đọc, đọc rồi thì không thể không nhớ. Tôi nhớ hồi còn là cô học trò mười lăm tuổi, được nghe cô nói về tác phẩm "Cánh buồm đỏ thắm" của Grin, chúng tôi nghe say sưa và sau đó hầu như ai cũng cố kiếm tìm cho bằng được cuốn sách ấy để đọc. Hồi ấy trẻ con nhà quê, đến sách giáo khoa còn hai ba bạn học chung một cuốn thì sách truyện là thứ quá xa xỉ. May mắn là tôi tìm được "Cánh buồm đỏ thắm" trên giá sách của một chú là cán bộ ở thị trấn, nhà ở gần nhà tôi, tôi đã cùng một cô bạn (giờ đã là nhà báo) ngồi hai buổi chiều để chép ra một tập giấy "tiết kiệm", chúng tôi gọi giấy "tiết kiệm" vì ... đó là giấy cắt ra từ các cuốn vở thừa của năm học trước, từ các tờ giấy kiểm tra mới viết hết một mặt, rồi cắt rời ra, sặm lại, lấy chỉ khâu thành tập. Cuốn truyện chép tay sau này tiếp tục truyền tay trong lớp tôi rồi đến các em của chúng tôi. Chúng tôi lớn lên mang theo cả những mơ ước trong trẻo hồn nhiên và thánh thiện của cô bé A-xôn, làm nguồn dinh dưỡng cho tâm hồn mộc mạc của những cô bé, cậu bé quê nghèo.
Tôi biết, nhờ những câu truyện, những trang văn mà cô đã kể cho chúng tôi nghe hồi ấy, chúng tôi đã biết ước mơ, biết nhận ra cái đúng sai phải trái trong cuộc đời và bền bỉ lớn lên. Các em học sinh của cô sau này cũng vậy. Món quà trên giường bện của cô đây có thể ai đó cho rằng các em nhỏ thật là trẻ con, lãng phí thời gian vào một việc không mang lại điểm cao cũng không thêm được tiền thuốc cho cô chữa bệnh... nhưng họ đâu biết rằng món quà ấy đã cho cô thêm bao nhiêu sức mạnh, bao nhiêu niềm tin, đó mới thực sự là nguồn sống cho cô. Hơn cả cho cô, nó còn là nguồn sống cho cả các em nhỏ, những đứa trẻ sinh ra lớn lên trong thời đại nhiều hỗn tạp hôm nay, nó giúp các em gìn giữ và tận hưởng trọn vẹn tất cả những hồn nhiên, trong sáng, thánh thiện của tuổi mình.
Một ngàn cánh hạc.
Các em phải gấp bao nhiêu thời gian, bao nhiêu công sức trong khi bài vở hàng ngày hàng giờ vẫn phải đảm bảo. Điều quan trọng nhất, tôi dám chắc khi ngồi gấp hạc giấy, các em không chơi game, không đánh chửi nhau, không nghĩ ra các chiêu trò nghịch ngợm để vô tình (hoặc cố ý) bôi xấu nhau trên sân trường, ngoài cổng trường, rồi trên khắp các trang mạng xã hội... Và tôi tin, khi các em ngồi gấp từng cánh hạc, nắn nót viết từng lời cầu chúc, trong tâm hồn và trái tim các em, chỉ có duy nhất một tâm niệm, một mơ ước rằng cô giáo của các em sẽ vui, sẽ hạnh phúc, sẽ mau lành bệnh...
Chẳng phải đó là mầm thiện đang nẩy nở trong tâm hồn con trẻ đó sao!!!
Tản văn của Vũ Thanh Lịch