Dự hội nghị còn có đồng chí Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục dân số-KHHGĐ; lãnh đạo các Vụ thuộc Tổng cục Dân số-KHHGĐ; đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo UBND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh; các thành viên Ban Chỉ đạo công tác dân số-KHHGĐ tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố; các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện công tác dân số-KHHGĐ tỉnh giai đoạn 2011-2015.
Qua 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về dân số -KHHGĐ, công tác dân số-KHHGĐ của tỉnh đã được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, sự ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân.
Thành công nổi bật nhất của tỉnh trong công tác dân số-KHHGĐ giai đoạn 2011-2015 đó là công tác truyền thông vận động được triển khai sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân nên nhận thức của người dân về công tác dân số-KHHGĐ được nâng lên; người dân được tiếp cận các thông tin, kiến thức về dân số -KHHGĐ và thụ hưởng dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ thuận tiện và dễ dàng...
Kết quả tỷ lệ sinh giảm, tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh bước đầu được khống chế, chất lượng dân số từng bước được cải thiện như tuổi thọ bình quân tăng, giảm tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh phụ khoa, giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ trẻ em, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng và trẻ em sinh ra bị dị tật, khuyết tật.
Tỷ suất sinh bình quân 5 năm giảm 0,7%o. Tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai ở mức cao 77,93%; tỷ lệ sinh giảm từ 15,85%o năm 2011 xuống 15,15%o năm 2015. Ninh Bình là một trong những tỉnh đạt mức sinh thay thế sớm trong cả nước và được duy trì cho đến nay.
Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Ninh Bình phấn đấu duy trì mức sinh hợp lý, tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại 78 -79%, tỷ lệ tăng dân số 1%/năm; nâng cao chất lượng dân số về thể chất, tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh 75%, có 50% trẻ em mới sinh được sàng lọc sơ sinh; chủ động khống chế tỷ số giới tính khi sinh ở mức tự nhiên dưới 110 bé trai/100 bé gái...
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục dân số-KHHGĐ và đồng chí Lê Văn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác dân số-KHHGĐ tỉnh ghi nhận những kết quả nổi bật của công tác dân số-KHHGĐ trong 5 năm qua, trong đó Ninh Bình là tỉnh tiêu biểu trong toàn quốc về duy trì ổn định được mức sinh thay thế thấp, hợp lý dưới 2% trong suốt 9 năm qua.
Để công tác dân số-KHHGĐ của tỉnh phát triển toàn diện, ổn định quy mô, nâng cao chất lượng dân số, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Ban Chỉ đạo công tác dân số-KHHGĐ tỉnh chú trọng phổ biến và quán triệt các văn bản, chỉ thị, nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác dân số-KHHGĐ tới cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân.
Quyết tâm duy trì mức sinh thấp, hợp lý, cố gắng ở mức sinh thay thế đồng đều ở các vùng, bình quân khoảng 1,8 - 1,9 con/ cặp vợ chồng.Duy trì, mở rộng hoạt động của các mô hình, đề án để từng bước nâng cao chất lượng dân số và giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, khống chế tỷ lệ giới tính khi sinh ở mức cân bằng theo tự nhiên dưới 110 bé trai/100 bé gái.
Đẩy mạnh công tác truyền thông, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phong phú, đổi mới cách thức, tuyên truyền đúng đối tượng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đánh giá các hoạt động và thực hiện chính sách công tác dân số-KHHGĐ ở cơ sở.
Quan tâm mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cung cấp kịp thời, đa dạng an toàn, hiệu quả các phương tiện tránh thai đến người sử dụng, quan tâm đến đối tượng vùng khó khăn, vùng có mức sinh con thứ 3và mất cân bằng giới tính khi sinh cao…
Tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh, đồng chí Lê Văn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trao bằng khen của UBND tỉnh cho 10 tập thể, 15 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về dân số-KHHGĐ giai đoạn 2011-2015.
Hồng Vân-Minh Quang