Sản xuất lúa vẫn là lĩnh vực chính của ngành Nông nghiệp Ninh Bình với tổng diện tích hàng năm khoảng gần 80.000 ha. Dù đã có nhiều nỗ lực trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đưa các giống lúa có chất lượng cao vào sản xuất nhưng thu nhập từ sản xuất lúa không cao; một số nơi nông dân bỏ ruộng hoang do sản xuất bị thua lỗ…
Ông Vũ Văn Nga, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình cho biết: Thời gian gần đây, Tổng Công ty đã phối hợp với chính quyền các địa phương bàn bạc với từng hộ nông dân thuê lại các khu ruộng đất bỏ hoang đó để tổ chức sản xuất khép kín. Người nông dân có đất ruộng cho Công ty thuê lại ruộng để sản xuất trong thời hạn từ 5 năm đến 10 năm. Mức cho thuê là 110kg thóc/sào/năm; thanh toán bằng tiền theo giá quy định của tỉnh (tính theo giá thuế nông nghiệp).
Như vậy mỗi hec-ta ruộng người nông dân đã có thu nhập hơn 3 tấn lúa, tương đương hơn 20 triệu đồng/năm. Với phương thức này người nông dân không bị mất đất mà vẫn làm chủ thửa ruộng của mình, đồng thời có nguồn thu nhập ổn định. Đổi lại, người dân cho thuê đất có thể được Tổng Công ty tuyển chọn tham gia vào các khâu sản xuất, như: Vận hành máy từ làm đất, gieo trồng đến bón phân, phun thuốc, thu hoạch…nhờ đó năng suất lao động cao gấp 5-10 lần so với lao động thủ công và nhận thù lao hơn 10 triệu đồng/tháng; ở các khâu lao động thủ công như thu hái, chọn lọc… lao động có thu nhập từ 5-6 triệu đồng/tháng.
Như vậy, thông qua giải pháp này người nông dân sẽ được đào tạo nâng cao trình độ về khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp hóa nông nghiệp và tiếp cận với công nghệ nông nghiệp 4.0 thông qua tham gia mô hình cánh đồng sản xuất khép kín với doanh nghiệp. Để tạo ra nông sản sạch trên cánh đồng sản xuất khép kín. Tổng công ty đã áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành (VietGAP). Trên cánh đồng được cơ cấu 3-4 vụ sản xuất/năm thay vì 2 vụ lúa như các hộ nông dân thường làm.
Trong đó vụ xuân trồng đậu tương rau + dưa lê (hoặc khoai sọ), doanh thu 120 triệu đồng/ha/vụ. Vụ mùa cấy lúa, doanh thu 40 triệu đồng/ha/vụ. Vụ đông trồng khoai tây (hoặc khoai lang), doanh thu 150 triệu đồng/ha/vụ. Kết quả của mô hình đạt 310 triệu đồng/ha/năm.
Từ năm 2016 đến nay Tổng Công ty đã tích tụ được 900ha đất, trong đó tại Ninh Bình 200ha để sản xuất lúa, khoai tây, đậu tương rau, khoai sọ, khoai lang, dưa lê…theo chuỗi khép kín, từ chọn tạo giống đến canh tác bằng cơ giới hóa đồng bộ các khâu đã giảm chi phí sản xuất 60% so với lao động thủ công; áp dụng công nghệ nano giảm chi phí phân bón và thuốc BVTV được 20-30% so với bón phân truyền thống; dùng máy rải phân, phun thuốc và vận chuyển chỉ 2 người vận hành đạt năng suất 5ha/ngày, nhờ đó mà chi phí sản xuất giảm đáng kể so với sản xuất thủ công quy mô nhỏ.
Sau 2 năm thực hiện tích tụ ruộng đất, đổi mới cơ cấu cây trồng và áp dụng công nghệ tiên tiến giá trị thu nhập trên cánh đồng mẫu lớn của Tổng Công ty bước đầu đã đạt doanh thu 200 - 300 triệu đồng/ha/năm. Các sản phẩm như gạo japonica, gạo nếp mang thương hiệu AIQ đã được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. Sản phẩm khoai tây, khoai lang, khoai sọ, dưa lê cũng đang chiếm lĩnh thị trường trong nước và các nước bắc á.
Ông Vũ Văn Nga cho biết thêm: Nhu cầu về tích tụ ruộng đất để đầu tư sản xuất hàng hóa khối lượng lớn theo công nghệ cao của Tổng Công ty cần hàng nghìn hec-ta ruộng với quy mô mỗi cánh đồng từ 30 hec-ta trở lên để tổ chức cơ giới hóa sản xuất mới đáp ứng đủ công suất 50.000 tấn gạo, 30.000 tấn rau, củ, quả cho nhà máy chế biến bảo quản nông sản Ninh Bình.
Trong thời gian tới, Tổng Công ty phấn đấu tích tụ từ 3.000 - 5.000 hec-ta ruộng đất để nhân rộng mô hình cánh đồng sản xuất khép kín bằng cơ giới hóa đồng bộ, góp phần đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nông dân, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và thiết thực góp phần xây dựng nông thôn mới của tỉnh Ninh Bình.
Đinh Chúc