Những ngày qua, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Ninh Bình đã dành nhiều thời gian đi thăm hỏi, động viên các cán bộ, CNV Trung tâm điều dưỡng thương binh, gia đình người có công tiêu biểu ở các huyện, thành phố, thị xã. Phong trào thi đua làm nhiều việc tốt giúp đỡ các gia đình người chính sách cũng được phát động rộng khắp. Mỗi cấp, mỗi ngành cho đến mỗi người dân đã và đang nỗ lực làm hết sức mình để xoa dịu những nỗi đau, vơi đi mất mát, những khó khăn của các gia đình thương binh, liệt sỹ. Trên mảnh đất quê hương hôm nay vẫn luôn sáng mãi đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", nghĩa tình luôn trọn vẹn.
Một ngày trung tuần tháng Bảy, cùng Đoàn đại biểu của tỉnh , chúng tôi đến thăm nhà ông Nguyễn Văn Sớn, một trong những gia đình người có công tiêu biểu ở thôn Xuân Đài (xã Gia Lập - Gia Viễn). Biết có khách tới thăm, vợ chồng ông Sớn rất phấn khởi, pha trà mời khách và trò chuyện thân tình. Ông tâm sự, ngày nhận được tin các con tôi hi sinh (liệt sỹ Nguyễn Thanh Hải, Nguyễn Văn Lưu), bà ấy nhà tôi cứ đau buồn mãi.Song, chiến tranh là vậy, đâu phải chỉ có mình gia đình mình là mất mát, đau thương, mà còn hàng triệu gia đình, hàng triệu người con đã ngã xuống, hi sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc. Nghĩ thế nên chúng tôi cũng nguôi ngoai phần nào. Nhiều năm qua, gia đình tôi luôn nhận được sự giúp đỡ, sẻ chia của bà con lối xóm, sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương nên cuộc sống cũng vơi đi khó khăn phần nào.
Hàng năm, vào dịp lễ, Tết, các đồng chí lãnh đạo địa phương đều tổ chức thăm, tặng quà và trao quà của Chủ tịch nước và ân cần thăm hỏi tình hình sức khỏe cũng như tâm tư, nguyện vọng của gia đình. Vợ chồng tôi luôn dạy các con, cháu trong gia đình biết quý trọng độc lập tự do, luôn ghi nhớ công ơn của các anh hùng, liệt sỹ để từ đó biết bảo ban nhau cố gắng vươn lên, không trông chờ, ỷ lại. Bây giờ cuộc sống của gia đình tôi và các con, cháu đã đủ đầy, căn nhà cũng khang trang hơn, đó là nhờ sự quan tâm của Đảng, chính sách hỗ trợ của Nhà nước và sự cố gắng vươn lên của mỗi thành viên trong gia đình. Trong câu chuyện kể với chúng tôi, ông Sớn không nhắc nhiều tới sự hi sinh của liệt sỹ Nguyễn Thanh Hải và Nguyễn Văn Lưu bởi ông luôn tâm niệm rằng thời đó gia đình nào cũng hành động như vậy. Và ông luôn tin rằng ở thế giới bên kia, các con ông cũng sẽ luôn tự hào vì mình đã làm tròn trách nhiệm của một công dân đối với Tổ quốc khi nước nhà bị xâm lăng...
Không riêng gì gia đình ông Sớn mà còn hàng nghìn người con ưu tú của tỉnh đã xung phong ra trận, chiến đấu và đã anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần máu thịt tại chiến trường để bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc. Hiện nay, số đối tượng người có công trên địa bàn tỉnh là trên 26.500 người, trong đó có 13.134 người là thương, bệnh binh; hơn 3.300 người bị nhiễm chất độc hóa học; 24 mẹ Việt Nam Anh hùng và nhiều gia đình liệt sỹ. Với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã tích cực vận động quần chúng nhân dân, các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia xây dựng Quỹ "Đền ơn, đáp nghĩa". Gần 10 năm qua, tỉnh Ninh Bìnhđã ủng hộ được 6.649,85 triệu đồng vào Quỹ, trong đó cấp huyện là trên 2 tỷ 873 triệu đồng, còn lại là cấp xã, thị trấn. Số tiền này đã được sử dụng vào việc thăm hỏi các thương, bệnh binh, các gia liệt sỹ và người có công với cách mạng; xây mới, tu sửa, nâng cấp các tượng đài, nghĩa trang liệt sỹ…
Cũng trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã xây mới, sửa chữa 830 ngôi nhà tình nghĩa (xây mới 475 nhà) với tổng kinh phí xây dựng là 14 tỷ 867 triệu đồng, trong đó, ngân sách tỉnh là gần 5 tỷ đồng, ngân sách huyện và xã là 4 tỷ 847 triệu đồng, còn lại là huy động từ các tổ chức, cá nhân hỗ trợ. Các hoạt động trên đã góp phần quan tâm, chăm lo, giúp đỡ các gia đình người có công với cách mạng bảo đảm cuộc sống và phần nào vơi đi mất mát, đau thương, vươn lên trong cuộc sống. Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 24 bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đều được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời. Những việc làm thiết thực, nghĩa tình đó không chỉ góp phần cải thiện đời sống mà còn phát huy truyền thống nhân văn làm ấm lòng các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công.
Tiếp tục phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn, đáp nghĩa", tỉnh Ninh Bình đã triển khai kế hoạch kỷ niệm 62 năm Ngày thương binh, liệt sỹ tới các cấp, các ngành, các đoàn thể, lực lượng vũ trang, góp phần chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần đối với những người có công với cách mạng. Nhiều địa phương ở Ninh Bình đã đầu tư tu sửa nghĩa trang, tượng đài, nâng cấp nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sỹ. Điều quan trọng hơn là phong trào đền ơn, đáp nghĩa đã đi sâu vào tâm thức của người dân và trở thành một phong trào rộng lớn, thường xuyên. Công tác chăm sóc gia đình thương binh, liệt sỹ, hoạt động "Đền ơn, đáp nghĩa" trở thành nét đẹp truyền thống của quê hương và là nghĩa cử cao đẹp của mỗi người.
Đức Nghĩa