Ông, bà nội tôi đã yên nghỉ tại nghĩa trang của thôn từ nhiều năm nay. Mỗi mùa Thanh minh, bố mẹ tôi lại cùng các con, cháu dọn cỏ, lau chùi phần mộ, thay bình hoa mới. Có lúc, thấy bát hương cũ quá vì nắng gió, mẹ lại thay bát hương mới cho ông, bà. Mẹ tôi thường nói với chúng tôi: ngôi mộ là ngôi nhà của người đã mất, vì vậy chăm sóc, lau dọn mộ bên ngoài là dọn nhà cho người đã khuất có chỗ ở an khang và tốt đẹp. Một người có hiếu không khi nào để cho phần mộ của tổ tiên, ông bà, cha mẹ mình hoang tàn, lạnh lẽo.
Trước đây, vào dịp Thanh minh, cả gia đình tôi đều ra đồng, mang theo dụng cụ để rẫy hết cỏ và cây dại mọc trùm. Giờ, khu nghĩa trang của thôn được xây dựng khang trang, khu mộ của mỗi dòng họ được quy hoạch vào một khu vực riêng vì vậy việc tảo mộ cũng không vất vả như xưa nữa. Vừa lau dọn mộ phần tổ tiên, mẹ tôi vừa rủ rỉ nói chuyện như đang tâm sự với ông, bà. Nào là gia đình ta mới có thêm thành viên mới, nào là cô cháu gái đã bắt đầu đi làm từ tuần trước, hay chuyện gia đình mới cải tạo khu vườn cũ thành nơi trồng những loại hoa, quả mà ông bà ngày xưa yêu thích.
Cũng như gia đình tôi, nhiều gia đình khác vào dịp này cũng tất bật sửa soạn đồ cúng, dọn cỏ, dọn mộ để chăm sóc nơi yên nghỉ của người thân trong dòng họ, gia đình. Ông bà, cha mẹ, con cháu..., tất cả các thế hệ cùng đi lễ Thanh minh như một sợi dây liên kết tâm linh và giáo dục văn hóa truyền thống của người Việt luôn "uống nước nhớ nguồn". Không cầu kỳ như người thành phố, người dân nông thôn thường tảo mộ gia tiên với những đồ lễ bình dị. Lễ có khi chỉ là hoa quả, nén nhang hay cầu kỳ hơn thì là đĩa xôi, khúc thịt lợn, con gà... được tự tay nuôi, trồng lấy. Cô Thanh Huyền, con dâu dòng họ Hoàng, thôn Tùy Hối, xã Gia Tân (huyện Gia Viễn) cho biết: Ngày xưa khi còn ở nhà với bố mẹ, tôi ít khi được đi tảo mộ dịp tiết Thanh minh. Đến ngày Thanh minh, mỗi gia đình trong dòng họ sẽ cử một người đại diện tham gia tảo mộ tổ tiên, thường thì người đi tảo mộ sẽ là nam giới. Phụ nữ sẽ có nhiệm vụ ở nhà lo việc bếp núc.
Từ khi lấy chồng, làm con dâu trưởng trong nhà, cô Huyền bắt đầu tìm hiểu các lễ nghĩa trong ngày này. Thanh minh không diễn ra trong một ngày cố định mà sẽ kéo dài trong khoảng nửa tháng. Mỗi gia đình, dòng họ sẽ có lịch đi tảo mộ riêng. Như gia đình cô Huyền, ngày Thanh minh được dòng họ chọn trùng với ngày giỗ họ. Cứ thế, hàng năm vào dịp này, cô Huyền lại tỉ mẩn sửa soạn mâm lễ để cúng tổ tiên. "Các anh, chị em bên nhà chồng của tôi đều lập nghiệp ở xa, bố mẹ chồng cũng đã già yếu vì vậy dịp thanh minh, vợ chồng tôi cùng các con, cháu trong dòng họ đảm nhận trọng trách chăm nom mồ mả tổ tiên. Đây cũng là dịp để con cháu tề tựu, tìm hiểu về cội nguồn, anh em sum vầy"- cô Huyền nói.
Tiết Thanh minh còn là dịp những người con ở xa quê trở về thăm mộ tổ tiên và đoàn tụ với gia đình. Thế nên dù đi làm ăn quanh năm, ai cũng cố gắng thu xếp công việc để về quê dịp này. Ông Hoàng Văn Trị, quê gốc ở xã Gia Phú (huyện Gia Viễn), định cư ở Hà Nội đã gần 20 năm nay. Xa quê từ lâu, nhưng hàng năm, cứ đến dịp Thanh minh là ông đều sắp xếp công việc để về quê chăm chút các phần mộ cho các cụ.
Ông Trị tâm sự: Thực ra, cả năm có rất nhiều dịp để người ta đoàn tụ, nhưng trong dịp Thanh minh này, sự đoàn viên lại mang ý nghĩa đặc biệt. Nó không chỉ là sự sum họp với người thân mà còn là sự trở về để thực hiện trách nhiệm, sự hiếu hạnh, tận nghĩa với người đã khuất. Hai năm vừa qua, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên tôi chưa về quê vào dịp Thanh minh. Năm nay, tôi đưa cả hai đứa con cùng về để các cháu trước là biết về phần mộ gia tiên, sau là tập sự kính trọng tổ tiên qua tục viếng mộ. Sau khi thắp hương cho tổ tiên, ông Trị dẫn các con đi viếng những ngôi mộ ở gần đó, ông kể cho các con nghe về những người nằm dưới mộ mà ông biết. Họ cũng đã một thời gắn bó và có ý nghĩa với cuộc đời của ông.
Thu Hằng