Đến thăm gia đình ông Vũ Đức Thịnh và bà Phạm Thị Nụ, phố An Hòa, phường Ninh Phong (thành phố Ninh Bình), chúng tôi cảm nhận rõ sự trĩu nặng buồn phiền trên gương mặt cả hai ông bà. Nhà có 6 người thì 5 người bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin, trong đó cả 4 người con trai, hiện đều đã 30-40 tuổi nhưng không làm được gì, nay ốm mai đau. Ông Vũ Đức Thịnh bùi ngùi cho biết: Là bộ đội chiến đấu ở chiến trường Đường 9 Nam Lào, sau khi rời quân ngũ về quê hương xây dựng gia đình, sinh liền 4 đứa con trai, có ngờ đâu tất cả đều bị nhiễm bệnh.
Trong câu chuyện ông Thịnh cứ nhắc đi nhắc lại với sự ân hận, rằng nếu biết mình bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin sẽ không sinh nhiều con như thế, giờ không chỉ khổ mình mà còn khổ con và chẳng biết tương lai sẽ đi đến đâu… Bà vợ ông Thịnh nghe chồng nói không kìm nổi lòng mình nức nở: Chỉ những người trong cuộc mới hiểu hết nỗi đau. Nhìn 4 đứa con trai lớn thế này mà chỉ quanh quẩn ở nhà ăn và chơi, để mẹ già phải làm lụng vất vả nuôi chúng.
Được biết, cả 4 người con của ông Thịnh đều bị nhiễm độc máu, nhìn bên ngoài chỉ thấy thân hình yếu ớt, xanh xao, da mặt đen đúa nhưng đến kỳ không đi lọc máu người bệnh sẽ không qua khỏi. 4 người con trai hiện đều đã 35-40 tuổi nhưng chỉ có 1 anh con trai lập gia đình nhưng lại tạo thêm gánh nặng cho vợ khi phải nuôi chồng và những đứa con sinh ra rất yếu ớt, chậm chạp. Cả 5 người nhà ông Thịnh hiện đều được hưởng chế độ của Nhà nước với 1 suất trực tiếp cho ông Thịnh và 4 suất gián tiếp cho 4 người con nhưng với tổng số tiền hơn 6 triệu đồng cho cả gia đình không thấm vào đâu so với những bệnh tật mà họ đang chịu đựng. Niềm an ủi với gia đình là trong những năm qua đã nhận được quan tâm, động viên kịp thời cả vật chất và tinh thần của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, không chỉ giúp họ vơi bớt khó khăn mà còn thêm động lực để tiếp tục sống, chống chọi với bệnh tật.
Đồng chí Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Ninh Bình cho biết: Toàn thành phố hiện có trên 2.400 người nghi nhiễm chất độc da cam/dioxin, trong đó có gần 700 nạn nhân đang được hưởng trợ cấp ưu đãi thường xuyên của Nhà nước. Trong số đó có 452 người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, còn trên 240 người là con của người tham gia kháng chiến bị nhiễm với tỷ lệ 30% bị thiểu năng trí tuệ, 20% bị động kinh, tâm phần phân liệt, 15% bị các dị tật teo cơ và liệt, số còn lại bị đui mù, các bệnh ung thư, bệnh về da, bệnh tim mạch và các bệnh nội khoa khác…
Những nạn nhân da cam là những người "đau không ai đau bằng, khổ không ai khổ bằng", bởi nỗi đau thể xác đã khó khỏa lấp được, nỗi đau tinh thần dường như thời gian càng trôi qua càng lớn hơn. Thế hệ con cháu của những người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin đang phải sống từng ngày với việc mất khả năng lao động cùng với các dị tật cơ thể kéo theo những hệ lụy thương tâm, nhất là nỗi mặc cảm cá nhân và hạnh phúc chính đáng của mỗi con người gần như không thể thực hiện được.
Được thành lập từ năm 2007, đến năm 2008, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Ninh Bình đã hình thành được hệ thống tổ chức hội hoàn chỉnh từ cấp thành phố đến 14 xã, phường với gần 700 hội viên. Với vai trò là một tổ chức xã hội đặc thù, thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước giao, dưới sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh hội, của cấp ủy, chính quyền, sự phối kết hợp chặt chẽ, thường xuyên của MTTQ và các đoàn thể nhân dân, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố đã có nhiều cố gắng, góp phần tích cực trong việc tuyên truyền, vận động, huy động toàn xã hội tham gia chăm sóc, giúp đỡ người nhiễm chất độc da cam/dioxin.
Không chỉ nỗ lực kêu gọi các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân đóng góp, ủng hộ tiền bạc, thuốc men, đồ dùng sinh hoạt… cho các gia đình và nạn nhân bị nhiễm chất độc màu da cam, Hội còn thường xuyên tổ chức các đoàn thăm hỏi, tặng quà nhân các ngày lễ lớn, ngày kỷ niệm của đất nước, của tỉnh, của thành phố để động viên nạn nhân có thêm niềm tin và nghị lực vươn lên trong cuộc sống. 6 tháng đầu năm 2014, Hội đã tiếp nhận tiền, quà với tổng trị giá gần 100 triệu đồng của các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp, đơn vị ủng hộ để phân phối đến tận tay đối tượng được hưởng.
Đặc biệt, Hội nạn nhân chất độc da cam thành phố đã kịp thời trực tiếp đến thăm hỏi, tặng quà cho 28 trường hợp với số tiền hơn chục triệu đồng cho những đối tượng mắc bệnh nặng khi họ đau ốm, gặp khó khăn, bế tắc trong cuộc sống. Những chuyến thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ tại nhà là việc làm thường xuyên nhằm động viên, an ủi tinh thần và chăm lo thiết thực về đời sống cho những gia đình nạn nhân, qua đó mang lại niềm hy vọng, giúp những mảnh đời bất hạnh tiếp tục có niềm tin vào cuộc sống.
Cùng với công tác chăm lo sức khỏe, thăm hỏi động viên tinh thần cho các gia đình và nạn nhân bị nhiễm chất độc màu da cam, Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố còn chỉ đạo các cấp chi hội xã, phường chú trọng tạo điều kiện cho các gia đình nạn nhân còn sức khỏe, có trình độ được vay vốn, ổn định sản xuất với những mô hình làm ăn hiệu quả. Theo đó tập trung rà soát hộ nạn nhân chất độc da cam có nhu cầu vay vốn trên địa bàn, liên hệ với các ngân hàng để có chính sách ưu đãi hỗ trợ cho những gia đình có nhu cầu, giúp hội viên từng bước ổn định cuộc sống.
Kết quả, năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014 đã có hàng chục gia đình nạn nhân chất độc da cam được vay vốn ưu đãi đầu tư chăn nuôi gia cầm, trồng cây ăn quả, hoa tươi và buôn bán hàng hóa tạp phẩm. Đặc biệt, Hội phát huy hiệu quả mô hình trồng các loại hoa phục vụ dịp lễ, Tết bằng việc duy trì hợp tác với Viện rau quả Trung ương và Sở Khoa học và Công nghệ để tư vấn kỹ thuật và cung ứng giống, vật tư để những hội viên có đủ điều kiện về kiến thức, mặt bằng đầu tư trồng hoa, vào mỗi dịp Tết đến cũng cho lãi vài triệu đến gần chục triệu đồng…
Theo đồng chí Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Ninh Bình, để nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên địa bàn thành phố được tiếp thêm sức mạnh, từng bước ổn định cuộc sống, các tổ chức xã hội, các cơ quan, doanh nghiệp, các tập thể, cá nhân trong và ngoài thành phố đã nhiều năm đồng hành cùng hội, không chỉ giúp đỡ về vật chất mà còn thiết thực động viên về tinh thần để nạn nhân chất độc da cam có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Tiêu biểu như: Quỹ CCB Mỹ tại Việt Nam VVAF, Viện nghiên cứu hoa quả Trung ương, Trường Đại học Nông nghiệp 1, Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình, Công ty TNHH giấy vở Hồng Điệp… và nhiều tập thể, cá nhân, doanh nghiệp khác…
Hạnh Chi