Điều chỉnh lãi suất Ông Phạm Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh đánh giá: Những tháng đầu năm, đầu tư tín dụng của ngành Ngân hàng Ninh Bình dừng ở con số khiêm tốn. Tổng dư nợ cho vay của các Ngân hàng, TCTD trên địa bàn đạt 34.466 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đến cuối năm 2013, tổng dư nợ cho vay của Ngân hàng, TCTD trên địa bàn đạt 38.471 tỷ đồng, tăng 12,8% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn chiếm 67,2%, dư nợ cho vay trung, dài hạn chiếm 32,8%...
Đặc biệt, tổng dư nợ cho vay của các Ngân hàng thương mại (NHTM), Ngân hàng Hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn đã đạt 29.923 tỷ đồng, tăng 18,4% so với đầu năm và vượt xa so với yêu cầu của ngành Ngân hàng Việt Nam đề ra là mức tăng trưởng tín dụng đạt 12%. Nợ xấu của các NHTM và Quỹ tín dụng nhân dân chỉ chiếm 1,2% trong tổng dư nợ.
Con số này thể hiện các DN đã bắt đầu phục hồi và có sự ổn định trở lại. Theo phản ánh của các NHTM thì nguồn vốn cho vay đã bắt đầu tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, hệ thống các DN vừa và nhỏ, DN xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ.
Cũng theo đánh giá của các DN, thời gian vừa qua cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước trong tất cả các lĩnh vực như nới rộng đầu tư công, hỗ trợ DN mở rộng thị trường, tiêu thụ hàng tồn kho thì ngành Ngân hàng cũng có những động thái rất tích cực về điều chỉnh lãi suất.
Cụ thể lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn trong 3 tháng đầu năm phổ biến ở mức 12-13%/năm; từ tháng 4-2013 đến ngày 13-5-2013 phổ biến ở mức 11-13%/năm; đến nay mức lãi suất cho vay đang phổ biến ở mức 10-11%/năm. Đối với các lĩnh vực thuộc 5 nhóm đối tượng nông nghiệp, nông thôn; sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu; DN nhỏ và vừa; DN ứng dụng công nghệ cao; ngành Công nghiệp hỗ trợ mức lãi suất cho vay đến nay phổ biến ở mức 9-10%. Riêng lãi suất cho vay sản xuất, chế biến, giết mổ để cấp đông thịt lợn, gia cầm hiện nay phổ biến ở mức 8-9%/năm
Ông Lê Anh Tú, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng, thương mại Thành Trung cho biết: Lãi suất cho vay của các ngân hàng đang trở về với mặt bằng chung của nền kinh tế, với mức lãi suất này các DN đã bắt đầu có thể sản xuất, kinh doanh có lãi. Tuy nhiên, các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng lớn nên có chính sách nới lỏng hơn đối với quy định về đầu tư tín dụng để giúp DN, đặc biệt là các DN đang trên đà phục hồi dễ tiếp cận hơn với vốn vay.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần sớm triển khai các giải pháp để gỡ các "nút thắt" cho mối quan hệ giữa DN và ngân hàng, đó là vấn đề về nợ xấu. Nếu Nhà nước có thể giải quyết dứt điểm khâu này, DN mới dám vay và ngân hàng mới cho vay. Cùng với đó, Nhà nước nên giám sát chặt chẽ hơn nữa để các chính sách hỗ trợ tới tay DN, nhất là đối với các giải pháp có lợi cho DN nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Mặc dù mỗi đợt giảm lãi đối với các ngân hàng là một bài toán không dễ nhưng các TCTD trên địa bàn tỉnh đã cố gắng cân đối chi phí, giảm lợi nhuận để chia sẻ khó khăn cùng DN. Đặc biệt, trong lộ trình giảm lãi suất cho vay, các NHTM lớn (chiếm tỷ trọng chủ yếu về nguồn vốn và dư nợ) luôn đóng vai trò đầu tàu, từ đó đã tạo nên tác động sâu rộng lên mặt bằng lãi suất chung.
"DN và ngân hàng là những đối tác cùng chung một "con thuyền". DN khó khăn và đổ vỡ sẽ kéo theo những hệ lụy ảnh hưởng không nhỏ đến ngân hàng. Bởi vậy, khi khách hàng của mình gặp khó, ngân hàng luôn tìm giải pháp giúp họ với tâm niệm chính là tự giúp mình"- Đại diện Vietinbank Tam Điệp khẳng định. Với một NHTM có dư nợ cho vay DN chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ của Chi nhánh, Vietinbank Tam Điệp đã đi đầu trong việc thực hiện điều chỉnh lãi suất món vay cũ và giảm lãi vay mới cho khách hàng. Ngay khi có quy định điều chỉnh lãi suất Vietinbank Tam Điệp đã điều chỉnh hạ lãi suất cho 100% các món nợ cũ xuống mức tối đa từ 9-11%/năm.
Tiếp tục hỗ trợ khách hàng
Với việc tăng cường hoạt động giải đáp, tư vấn, đối thoại với khách hàng, trong giai đoạn khó khăn, ngân hàng và DN đã có thêm sự cảm thông, chia sẻ để hỗ trợ nhau một cách hiệu quả hơn. Theo sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước tỉnh, từ đầu năm đến nay, các cuộc tiếp xúc, đối thoại giữa Ngân hàng và DN được tổ chức thường xuyên hơn và ngành Ngân hàng đã triển khai chương trình phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh để nắm bắt cụ thể, kịp thời những kiến nghị, đề xuất của cử tri liên quan đến hoạt động ngân hàng, từ đó có sự giải đáp thấu đáo và điều chỉnh kịp thời.
Trong đầu tư tín dụng cho DN, các NHTM đã tranh thủ các chính sách hỗ trợ lãi suất của Chính phủ và của tỉnh để giúp khách hàng tiếp cận nguồn vốn rẻ. Triển khai nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chỉ đạo của ngành Ngân hàng về thực thi chính sách tiền tệ, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội.
Các Ngân hàng, TCTD trên địa bàn đã có nhiều biện pháp mở rộng tín dụng, tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng với khách hàng. Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên... Với sự hướng dẫn, hỗ trợ của ngân hàng, nhiều DN đã được vay nguồn vốn rẻ để mở hướng đầu tư, từng bước thoát khỏi khó khăn.
Ông Đinh Quốc Chiến, Giám đốc Công ty giấy Tiến Dũng cho biết, dù lãi suất so với khả năng sản xuất của các doanh nghiệp trong tỉnh vẫn đang ở mức khá cao, tuy nhiên hiện nay đối với những DN làm ăn có dấu hiệu phục hồi thì các NHTM sẽ tạo điều kiện tối đa để DN có vốn tiếp tục sản xuất. Đây cũng là một động lực rất lớn động viên các DN trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Ông Phạm Ngọc ánh khẳng định: Năm 2014, ngành Ngân hàng Ninh Bình sẽ thực hiện các giải pháp đồng bộ để mở rộng tín dụng có hiệu quả, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Đáp ứng nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế, ưu tiên tập trung vốn cho các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN vừa và nhỏ sử dụng nhiều lao động, DN ứng dụng công nghệ cao, các dự án, chương trình có hiệu quả… Tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời góp phần hỗ trợ DN và hộ sản xuất duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Nguyễn Thơm